Dự án RD7-0289

Vài nét về tình hình kinh doanh mũ bảo hiểm

7 năm trước

 Tại Việt Nam, hằng năm, tai nạn giao thông làm chết và bị thương hàng chục ngàn người dân, trong số đó tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông đường bộ xảy ra với người đi mô tô, xe máy chiếm khoảng 70%. Vấn đề này có nguy cơ trầm trọng hơn khi tốc độ tăng trưởng phương tiện giao thông cá nhân tại Việt Nam đang ngày một cao với trên 7000 xe máy và 500 ô tô được đăng ký mới mỗi ngày. 

Vài nét về tình hình kinh doanh mũ bảo hiểm
Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy (sau đây gọi tắt là mũ bảo hiểm) đạt chuẩn có thể giúp giảm được nguy cơ chấn thương đầu và chấn thương sọ não do giảm nhẹ được tác động của lực lên đầu khi xảy ra va đụng giao thông. Đội mũ bảo hiểm là biện pháp quan trọng và có hiệu quả nhất để phòng tránh chấn thương đầu và giảm tử vong do tai nạn giao thông gây ra, có thể giảm tới 42 % nguy cơ tử vong, với xác suất tùy thuộc vào tốc độ của mô tô, xe máy.

Ngày 29/6/2007 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP về “một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông”, trong đó tại Khoản 6, mục a) đã quy định “từ ngày 15 tháng 12 năm 2007, người đi mô tô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm”.

Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết trên của Chính phủ, nhận thức của người dân đã được nâng cao rõ rệt với số người đi xe mô tô, xe gắn máy đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đạt tỷ lệ khá cao, góp phần giảm tỷ lệ bị chấn thương sọ não và tử vong do tai nạn giao thông gây ra.

Tuy nhiên, mặc dù chính sách đội mũ bảo hiểm đã mang lại kết quả thiết thực, song tình trạng chất lượng mũ bảo hiểm hiện được sản xuất, sử dụng và bán trên thị trường cho người tiêu dùng vẫn còn nhiều vấn đề bất cập do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Tình hình sản xuất mũ bảo hiểm

Hiện tại, cả nước có khoảng trên 80 cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm (giảm 20% so với năm 2013). Tuy nhiên trong tổng số các doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm hiện nay, số doanh nghiệp tự sản xuất toàn bộ linh kiện và lắp ráp mũ bảo hiểm hoàn chỉnh không quá 10 doanh nghiệp, còn lại các doanh nghiệp khác, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ chỉ sản xuất vỏ mũ và mua các linh kiện khác về láp ráp mũ bảo hiểm. Vì vậy công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm rất khó khăn.

Nhiều cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm có trang thiết bị thô sơ, mặt bằng sản xuất nhỏ hẹp, chưa xây dựng quy trình kiểm soát chất lượng trong quá trình tạo sản phẩm từ đầu vào cho đến thành phẩm cuối cùng (chưa kiểm tra chất lượng nguyên liệu, vật tư, chi tiết dùng để lắp ráp mũ bảo hiểm). Vì vậy, không đảm bảo được chất lượng mũ bảo hiểm khi lắp ráp thành phẩm.

Tại một số địa phương, còn có nhiều cơ sở không hoạt động liên tục, chỉ sản xuất, lắp ráp mũ bảo hiểm khi có đơn đặt hàng, giao ngay và không để hàng hoá tồn kho. Vì vậy, khi cơ quan quản lý tiến hành lấy mẫu thử nghiệm để đánh giá chất lượng thường không có mẫu. Trong kho chủ yếu là các chi tiết dùng để lắp ráp mũ bảo hiểm như quai đeo, xốp lót mũ, vỏ mũ, kính chắn gió để tách rời, không có thành phẩm mũ bảo hiểm.

Theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm, các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm phải thực hiện việc chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ( chứng nhận hơp quy) về mũ bảo hiểm trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện việc chứng nhận hợp quy một cách thực chất và nghiêm túc chưa cao. Hầu hết các doanh nghiệp được chứng nhận hợp quy là các doanh nghiệp có quy mô lớn với đầu tư khá bài bản về nhà xưởng, thiết bị công nghệ, phương tiện kiểm nghiệm và kiểm tra chất lượng; còn lại các doanh nghiệp nhỏ với năng lực tài chính kém; sử dụng nhà ở có diện tích nhỏ làm nhà xưởng, không có máy ép nhựa ép vỏ mũ, máy tạo móp xốp; chỉ mua chi tiết hoặc cụm chi tiết để lắp ráp mũ bảo hiểm thành phẩm thì hầu như không thực hiện việc được chứng nhận hợp quy hoặc nếu có chứng nhận mức độ ổn định chất lượng mũ bảo hiểm không cao do tính hiệu quả và hiệu lực của hệ thống quản lý chất lượng.

Bên cạnh đó, việc quy định doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu được phép tự in dấu hợp quy (CR) lên mũ bảo hiểm đã tạo khe hở để một số cơ sở sản xuất đã lợi dụng vấn đề này để tự in và dán dấu hợp quy lên các sản phẩm chưa được chứng nhận hợp quy. Một số điểm lắp ráp mũ bảo hiểm không hợp pháp cũng sẽ tự in dấu hợp quy giả để dán lên mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng để lưu thông trên thị trường.

Trong thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp ngoài việc sản xuất mũ bảo hiểm đạt chất lượng phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật (đã được chứng nhận hợp quy), vẫn sản xuất và đưa ra tiêu thụ một số loại mũ bảo hiểm không phù hợp quy chuẩn để kiếm lời do sức ép cạnh tranh của thị trường và vì lợi nhuận. Thậm chí, một số cơ sở nhỏ lẻ, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vẫn sản xuất mũ có đủ 3 bộ phận như mũ bảo hiểm và làm giả chứng nhận hợp quy kèm theo để đưa ra tiêu thụ trên thị trường.

Tình hình phân phối mũ bảo hiểm

Hiện nay, việc phân phối mũ bảo hiểm trên thị trường được thực hiện thông qua các đại lý, cửa hàng bán lẻ với các quy mô khác nhau, nhưng chủ yếu là nhỏ, lẻ, nhiều khi là bày bán trên vỉa hè, lòng đường, không kinh doanh cố định, bán lẫn với các loại hàng hoá khác nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn.

Nhiều cơ sở kinh doanh không treo biển hiệu của cơ sở kinh doanh theo quy định, không niêm yết giá, hoặc niêm yết giá không đúng quy định, kinh doanh sai nội dung đăng ký.

Nhiều mũ bảo hiểm có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn, không có dấu hợp quy, không ghi nhãn hoặc ghi nhãn không đầy đủ, không ghi nhãn phụ vẫn được bày bán khá phổ biến trong các cửa hàng, điểm bán lẻ trong toàn quốc.

Việc kinh doanh lẫn lộn mũ bảo hiểm có chất lượng đạt chuẩn với mũ bảo hiểm kém chất lượng không rõ nguồn gốc, mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm nhưng không phải là mũ bảo hiểm gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng là tương đối phổ biến.

Trong một số trường hợp, một số doanh nghiệp đã nhập lậu từ biên giới các loại mũ có đủ 3 bộ phận như mũ bảo hiểm và làm giả chứng nhận hợp quy để đưa ra tiêu thụ trên thị trường.

Vẫn còn hiện tượng các tổ chức, cá nhân bày bán tràn lan mũ bảo hiểm trên vỉa hè (các tổ chức, cá nhân này không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không có hồ sơ chất lượng mũ bảo hiểm...).

Nói tóm lại, hiện trạng phân phối mũ bảo hiểm chưa đạt yêu cầu về chất lượng lượng theo quy định của QCVN 02: 2008 vẫn còn khá phổ biến trên thị trường hiện nay do rất nhiều nguyên nhân và những khó khăn khác nhau.

Tình hình chất lượng mũ bảo hiểm

Theo kết quả 5 đợt khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng (CESCON) thuộc Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ Người Tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) đối với chất lượng mũ bảo hiểm ½ và ¾ đầu (loại phổ thông) từ 2008 đến 2013, tỷ lệ mũ bảo hiểm đạt chỉ tiêu quan trọng là “Va đập và hấp thu xung động” theo quy định trong QCVN 02:2008 là rất thấp (Từ 20 % - 50%).

Cũng theo kết quả khảo sát của Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia năm 2013 tại nhiều tỉnh thành phố trong cả nước với nhiều loại mũ bảo hiểm, tỷ lệ mũ đạt chuẩn cũng còn thấp (35%).

Công tác giám sát chất lượng mũ bảo hiểm lưu thông trên thị trường còn hạn chế, chưa thực hiện được thường xuyên do gặp nhiều khó khăn về kinh phí, về tính phức tạp của các kiểu loại mũ bảo hiểm lưu thông trên thị trường.Việc phối hợp, cung cấp, chia sẻ thông tin trong công tác giám sát chất lượng mũ bảo hiểm giữa các cơ quan quản lý chức năng cũng còn nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, việc quy định doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu được phép tự in dấu hợp quy (CR) lên mũ bảo hiểm đã tạo khe hở để một số cơ sở sản xuất đã lợi dụng vấn đề này để tự in và dán dấu hợp quy lên các sản phẩm chưa được chứng nhận hợp quy. Một số điểm lắp ráp mũ bảo hiểm không hợp pháp cũng sẽ tự in dấu hợp quy giả để dán lên mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng để lưu thông trên thị trường.

Trong thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp ngoài việc sản xuất mũ bảo hiểm đạt chất lượng phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật (đã được chứng nhận hợp quy), vẫn sản xuất và đưa ra tiêu thụ một số loại mũ bảo hiểm không phù hợp quy chuẩn để kiếm lời do sức ép cạnh tranh của thị trường và vì lợi nhuận. Thậm chí, một số cơ sở nhỏ lẻ, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vẫn sản xuất mũ có đủ 3 bộ phận như mũ bảo hiểm và làm giả chứng nhận hợp quy kèm theo để đưa ra tiêu thụ trên thị trường.

Cơ sở pháp lý của việc quản lý chất lượng mũ bảo hiểm

Kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP, với sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành và cơ quan quản lý có liên quan, các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối và chất lượng mũ bảo hiểm đã được ban hành khá đầy đủ với hàng chục văn bản ở các cấp khác nhau. Trong số các văn bản/quy định trên, các văn bản có tác động trực tiếp đến việc quản lý chất lượng mũ bảo hiểm bao gồm: QCVN 02:2008/QĐ-BKHCN; QĐ số 1024/QĐ-TĐC năm 2008; TTLT số 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT; TT số 28/2012/TT-BKHCN; NĐ số 80/2013/NĐ-CP.

Qua tổng kết hoạt động thanh tra, kiểm tra của các Cơ quan quản lý chức năng theo các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, có thể nhận thấy về cơ bản các văn bản quản lý trên đã phát huy tác dụng tích cực trong những năm qua đối với việc quản lý chất lượng mũ bảo hiểm, góp phần giảm thiểu hậu quả của tai nạn giao thông ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành khá đầy đủ, kết quả khảo sát và thanh tra kiểm tra trên thị trường của một số cơ quan quản lý chức năng, tổ chức Xã hội như VINASTAS, WHO Việt Nam cho thấy tình hình chất lượng mũ bảo hiểm được sản xuất, lưu thông trên thị trường vẫn còn có nhiều bất cập do ý thức thực thi pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp, cơ quan quản lý còn chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó cũng phải nói đến ý thức chưa nghiêm túc của một số người tiêu dùng trong việc mua và đội mũ bảo hiễm đạt chất lượng để bảo vệ an toàn cho chính mình.

Trước thực trạng kinh doanh và quản lý chất lượng mũ bảo hiểm còn nhiều bất cập như đã nêu ở phần trên, nhằm đảm bảo việc cung ứng mũ bảo hiểm được sản xuất, nhập khẩu ra thị trường đạt chất lượng, đảm bảo an toàn cho người sử dụng và làm cơ sở cho việc giám sát các hoạt động trên có hiệu quả, sản phẩm mũ bảo hiểm đã được vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện với số thứ tự 217 trong phụ lục 4 của Luật Đầu tư năm 2014 vừa được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26/11/2014.

Để triển khai việc quản lý hoạt động kinh doanh mũ bảo hiểm trong thời gian tới phù hợp với Quyết định nêu trên của Quốc hội, Chính phủ đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định về các điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm để trình Chính phủ xem xét ban hành.

Mặc dù Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT do Liên Bộ Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải ký ban hành ngày 28/02/2013 đã đề cập cụ thể đến các quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy có thể một phần nào được coi như các “Điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm”, các yêu cầu trong văn bản này chưa đủ cụ thể và đủ mạnh để quản lý có hiệu quả chất lượng mũ bảo hiểm sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường. Việc xây dựng và ban hành một Nghị định của Chính phủ đối với điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm có cơ sở khoa học và thực tiễn là nhu cầu khách quan của xã hội và yêu cầu cấp bách của quản lý nhà nước đối với an toàn giao thông đường bộ và sẽ có tác động quan trọng đến việc cung cấp cho thị trường mũ bảo hiểm đạt chuẩn có chất lượng ổn định, cơ bản giải quyết được những bất cập về việc sản xuất và cung cấp mũ bảo hiểm kém chất lượng ra thị trường, góp phần giảm thiểu tỷ lệ chấn thương và tử vong của người đi mô tô, xe máy khi tham gia giao thông.

Ngày 01 tháng 7 năm 2016 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 87/2016/NĐ-CP: Quy định về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy. Để việc đưa vào áp dụng Nghị định trong thời gian tới đạt được kết quả tốt đòi hỏi các đối tượng có liên quan chính phải nghiên cứu kỹ các yêu cầu và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Nghị định về kinh doanh Mũ bảo hiểm vừa mới được Chính phủ ban hành. /.


 
Lê Đình Tùng và Nhóm chuyên gia

Các bài viết khác

Hỗ trợ Tp Hồ Chí Minh thực hiện các văn bản quản lý chất lượng MBH sau nghị định 87/CP

Hỗ trợ Tp Hồ Chí Minh thực hiện các văn bản quản lý chất lượng MBH sau nghị định 87/CP

Phương thức hậu kiểm đối với kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm nhập khẩu

Phương thức hậu kiểm đối với kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm nhập khẩu

Cơ sở và nội dung cơ bản của Dự thảo đề nghị soát xét QCVN2:2008 về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy

Cơ sở và nội dung cơ bản của Dự thảo đề nghị soát xét QCVN2:2008 về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy

Suy nghĩ về các biện pháp duy trì sự ổn định chất lượng MBH trong tình hình hiện nay

Suy nghĩ về các biện pháp duy trì sự ổn định chất lượng MBH trong tình hình hiện nay

• Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong việc đảm bảo chất lượng mũ bảo hiểm

• Giải pháp để nâng cao hiệu quả và hiệu lực của hoạt động chứng nhận hợp quy MBH

• Công tác quản lý chất lượng MBH tại Tp Hồ Chí Minh

• Vai trò của công ty cung cấp mô tô, xe máy trong việc đảm bảo chất lượng mũ bảo hiểm

• Những vấn đề trao đổi xem xét khi soát xét Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy

• Một số giải pháp thực thi Nghị định 87/2016/NĐ-CP “Quy định về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy”

• VINASTAS tham gia vào việc xây dựng và soát xét các văn bản quản lý chất lượng mũ bảo hiểm

• Hội nghị tham vấn dự thảo soát xét Quyết định số 1024/QĐ-TĐC về mũ bảo hiểm

• Hội nghị tham vấn về nội dung sửa đổi, bổ sung QCVN2:2008 về mũ bảo hiểm

• Quy định về điều kiện kinh doanh, phân phối mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy