Dự án RD7-0289

Một số giải pháp thực thi Nghị định 87/2016/NĐ-CP “Quy định về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy”

6 năm trước

Ngày 1/7/2016 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 87/2016/NĐ-CP “Quy định điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, quy định cụ thể và chặt chẽ hơn các điều kiện sản xuất mũ bảo hiểm nhằm hạn chế tình trạng sản xuất và đưa ra thị trường các loại mũ giả mạo mũ bảo hiểm, mũ bảo hiểm không đạt chuẩn.

Một số giải pháp thực thi Nghị định 87/2016/NĐ-CP “Quy định về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy”

Sự cần thiết phải ban hành Nghị định số 87/2016/NĐ-CP

Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đã triển khai nhiều biện pháp để giảm thiểu tỷ lệ thương vong do tai nạn giao thông đối với người đi mô tô, xe máy song trong những năm gần đây, tại nước ta, số ca chấn thương sọ não do tai nạn giao thông có phần tăng lên, chiếm 50% so với tổng các chấn thương khác. Trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO), nếu người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm (MBH) đảm bảo chất lượng, đúng cách có thể làm giảm được 70% việc chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Điều này cho thấy chất lượng của mũ bảo hiểm và cách sử dụng MBH của người dân rất đáng được quan tâm để có biện pháp quản lý triệt để.

Để triển khai thực hiện Nghị định số 32/2007/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 28/4/2008 về một số giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, trong nhiều năm qua các Bộ, ngành có liên quan đã ban hành nhiều văn bản để quản lý chất lượng MBH trong sản xuất, lưu thông và sử dụng, cụ thể:

- Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2:2008/BKHCN về MBH cho người đi mô tô, xe máy kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BKHCN và có hiệu lực từ ngày 15/11/2008;

- Ngày 06/8/2008, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã ban hành Quyết định số 1024/QĐ-TĐC về việc ban hành hướng dẫn chứng nhận hợp quy MBH cho người đi mô tô, xe máy.

- Ngày 28/02/2013 liên Bộ Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Công an, Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT “Quy đinh về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dung MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy”.

- Ngày 19/07/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2013/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng hàng hoá”

 Như vậy có thể thấy rằng, cho đến thời điểm hiện tại, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng MBH là tương đối đầy đủ từ quy định về chất lượng, quy định về quản lý trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối MBH, trách nhiệm của người sử dụng, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, các tổ chức quần chúng trong hệ thống chính trị đến các chế tài xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, trong thực tế chất lượng MBH được sản xuất và lưu thông trên thị trường còn nhiều bất cập. Tình trạng MBH giá rẻ, kém chất lượng, mũ giả mũ bảo hiểm được lưu thông trên thị trường vẫn còn là hiện tượng phổ biến. Ví dụ,  tại thành phố Hồ Chí Minh, việc bày bán mũ bảo hiểm kém chất lượng, giá rẻ tràn lan trên một số vỉa hè vào buổi chiều tối, ngoài giờ hành chính diễn ra hàng ngày. Phần lớn nguồn gốc của các loại mũ này là từ các cơ sở sản xuất trái phép ở ngoại thành không đủ điều kiện sản xuất và lắp ráp MBH thực hiện. Riêng 3 tháng đầu năm 2017, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã tịch thu, tiêu hủy 1.547 chiếc MBH vi phạm, xử phạt 37.800.000 đồng.

Trước thực tế này, ngày 1/7/2016 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 87/2016/NĐ-CP “Quy định điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, quy định cụ thể và chặt chẽ hơn các điều kiện sản xuất mũ bảo hiểm nhằm hạn chế tình trạng sản xuất và đưa ra thị trường các loại mũ giả mạo mũ bảo hiểm, mũ bảo hiểm không đạt chuẩn. Nghị định này là hành lang pháp lý cho các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất,  phân phối, nhập khẩu  mũ bảo hiểm hướng tới thị trường cạnh tranh lành mạnh. Đặc biệt, người đi mô tô, xe máy có thêm nhiều cơ hội lựa chọn và sử dụng mũ bảo hiểm đạt chất lượng, góp phần giảm thiểu rủi ro cho người tham gia giao thông cũng như tiết kiệm chi phí xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Một số biện pháp triển khai thực hiện NĐ 87/2016/NĐ-CP (Nghị định 87)

Vừa qua, tại các Hội thảo triển khai thực hiện Nghị định 87 tại TP. Hồ Chí Minh, các biện pháp cụ thể để thực hiện nội dung quy định trong Nghị định 87 một cách hiệu quả đã được các bên có liên quan đề xuất và thảo luận. 

Theo quy định của Nghị định 87, doanh nghiệp sản xuất MBH phải có hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn TCVN/ISO 9001; phải có địa điểm sản xuất với địa chỉ rõ ràng. Trang thiết bị của dây chuyền phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật sản xuất MBH có chất lượng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.v.v…. Để đáp ứng được các quy định này, trước thời gian có hiệu lực của Nghị định, các doanh nghiệp sản xuất MBH phải rà soát, điều chỉnh lại hoạt động sản xuất cho phù hợp với quy định. Quá trình này làm nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc đã được nêu ra để thảo luận tại Hội thảo.

Nhiều ý kiến của các doanh nghiệp sản xuất  cho rằng, việc đầu tư ban đầu cho một số loại thiết bị theo yêu cầu của Nghị định đòi hỏi chi phí lớn song không khai thác hết năng lực thiết bị sẽ gây ra lãng phí. Vì vậy giải pháp tăng cường việc quản lý chất lượng sản phẩm MBH và liên kết để gia công một số bộ phận quan trọng của MBH trên các thiết bi đắt tiền là phương án được khuyến cáo xem xét thực hiện. Điều cần thiết nhất phải thực hiện là tăng cường việc kiểm soát của các bên có liên quan để đảm bảo chất lượng đầu ra đáp ứng  yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật đối với MBH.

Đại diện  Câu lạc bộ các Nhà sản xuất MBH TPHCM  cho rằng, điều quan trọng là nghị định có được triển khai tốt để giải quyết tận gốc vấn đề hay không. “Nếu nghị định được thực thi một cách công tâm, sòng phẳng, dẹp được nạn mũ giả thì doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư dây chuyển sản xuất và việc thắt chặt điều kiện kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp chân chính yên tâm đầu tư phát triển”.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa miền Nam - cho rằng, tuy Nghị định 87 đã quy định khá chặt chẽ từ khâu sản xuất đến phân phối sản phẩm theo một chuỗi, cơ quan quản lý vẫn cần chú trọng biện pháp kiểm tra quá trình sản xuất, đảm bảo điều kiện đầu vào và đầu ra; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để thông tin về nghị định đến toàn xã hội, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng.

Nhiều ý kiến cho rằng, xử lý cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH kém chất lượng chỉ giải quyết được một phần vấn đề. Điều quan trọng là người tham gia giao thông phải tự có ý thức bảo vệ bản thân. Không ít người vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của mũ bảo hiểm đạt chuẩn và vẫn chọn sản phẩm kém chất lượng với chi phí thấp để đối phó với lực lượng chức năng. Trong khi đó, cảnh sát giao thông hiện chỉ xử phạt những người không đội mũ bảo hiểm và đội mũ không cài quai. Chính vì thế, rất cần có một quy chế răn đe, xử lý người dùng sản phẩm kém chất lượng, từ đó bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, khuyến khích, cổ vũ cho việc dùng MBH đạt chuẩn. Việc tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân hiểu rõ tác hại của việc sử dụng MBH không đạt chuẩn hoặc đội MBH không đúng cách; tăng cường kiểm tra, xử lý kiên quyết những nơi kinh doanh, sản xuất  mũ giả MBH cũng là những biện pháp cấp bách cần thực hiện ngay trong thời gian tới.

Một trong những biện pháp quan trọng được đề xuất trong Hội thảo là khắc phục các nguyên nhân chính làm cho MBH không đạt chuẩn theo quy định. Những nguyên nhân chính này có thể bao gồm:

- Chưa có biện pháp có hiệu quả để nâng cao được ý thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn và sử dụng MBH đạt chuẩn;

-Thiếu sự quan tâm thường xuyên của  cơ quan quản lý và các cấp chính quyền để tạo ra áp lực đối với việc sản xuất, mua bán và sử dụng MBH kém chất lượng. Đặc biệt là việc thực thi pháp luật chưa nghiêm minh, chưa triệt để; chưa  thực hiện thường xuyên việc thanh tra, kiểm tra  và  xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến chất lượng MBH.

- Việc quản lý không hiệu quả hoạt động lưu thông  các loại MBH không đạt chuẩn, mũ giả MBH trên thị trường đã không khuyến khích được các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính, tạo cơ hội cho các loại mũ này tồn tại và phát triển

- Việc áp dụng một cách thực chất Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 trong sản xuất MBH còn chưa được quán triệt một cách đầy đủ trong các doanh nghiệp sản xuất MBH nhằm đảm bảo sự phù hợp từ nguồn mua vật tư, nguyên liệu đầu vào; đầu tư trang, thiết bị và hướng dẫn vận hành thiết bị; đào tạo nhân sự … cho  đến việc đưa ra thị trường sản phẩm đạt chất lượng quy định và làm hài lòng khách hàng. Chưa thực hiện được tiêu chí “làm đúng ngay từ đầu” trong quản lý chất lượng là cơ sở quan trọng để đảm bảo ổn định chất lượng MBH sản xuất và lưu thông.

- Nhận thức về giá trị thương hiệu sản phẩm của  doanh nghiệp sản xuất MBH còn nhiều hạn chế

Hy vọng sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng để Nghị định 87/2016/NĐ-CP thực sự đi vào đời sống sẽ giải quyết từ gốc vấn đề về chất lượng MBH nhằm giảm tỷ lệ chấn thương do tai nạn giao thông cho người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy trong thời gian tới.

Tin tưởng rằng với sự nổ lực của các doanh nghiệp sản xuất MBH nhằm thực hiện tốt những quy định có liên quan trong  Nghị định 87, sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền, sự quan tâm của dư luận xã hội cùng với sự ủng hộ tỉnh táo của người tiêu dùng,  Nghị định này sẽ được thực  hiện  tốt trong thời gian tới./.

Lê Đình Tùng và nhóm chuyên gia                                                          

 

 

 

Tags: Nghị định 87/2016/NĐ-CP chất lượng MBH sản xuất MBH người tiêu dùng

Các bài viết khác

Hỗ trợ Tp Hồ Chí Minh thực hiện các văn bản quản lý chất lượng MBH sau nghị định 87/CP

Hỗ trợ Tp Hồ Chí Minh thực hiện các văn bản quản lý chất lượng MBH sau nghị định 87/CP

Phương thức hậu kiểm đối với kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm nhập khẩu

Phương thức hậu kiểm đối với kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm nhập khẩu

Cơ sở và nội dung cơ bản của Dự thảo đề nghị soát xét QCVN2:2008 về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy

Cơ sở và nội dung cơ bản của Dự thảo đề nghị soát xét QCVN2:2008 về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy

Suy nghĩ về các biện pháp duy trì sự ổn định chất lượng MBH trong tình hình hiện nay

Suy nghĩ về các biện pháp duy trì sự ổn định chất lượng MBH trong tình hình hiện nay

• Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong việc đảm bảo chất lượng mũ bảo hiểm

• Giải pháp để nâng cao hiệu quả và hiệu lực của hoạt động chứng nhận hợp quy MBH

• Công tác quản lý chất lượng MBH tại Tp Hồ Chí Minh

• Vai trò của công ty cung cấp mô tô, xe máy trong việc đảm bảo chất lượng mũ bảo hiểm

• Những vấn đề trao đổi xem xét khi soát xét Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy

• VINASTAS tham gia vào việc xây dựng và soát xét các văn bản quản lý chất lượng mũ bảo hiểm

• Hội nghị tham vấn dự thảo soát xét Quyết định số 1024/QĐ-TĐC về mũ bảo hiểm

• Hội nghị tham vấn về nội dung sửa đổi, bổ sung QCVN2:2008 về mũ bảo hiểm

• Quy định về điều kiện kinh doanh, phân phối mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy

• Vài nét về tình hình kinh doanh mũ bảo hiểm