Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, “Cơ quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật tổ chức rà soát quy chuẩn kỹ thuật định kỳ năm năm một lần hoặc sớm hơn khi cần thiết, kể từ ngày ban hành”. Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia
QCVN2:2008/BKHCN về Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy (sau đây viết tắt là QCVN2:2008) được Bộ Khoa học và Công nghệ banhành năm 2008 cho đến nay đã được 9 năm nên việc rà soát là cần thiết theo quy định trên của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Nhiều nội dung quy định của QCVN2:2008 được viện dẫn từ các tiêu chuẩn quốc gia và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan được ban hành trước đây nay đã và đang được soát xét, vì vậy chúng cần được sửa đổi bổ sung cho phù hợp với các tiêu chuẩn và văn bản đã và đang thay đổi này.
Gần đây nhất, Nghị định số 87/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm đã được chính phủ ban hành ngày 1/7/2016 quy định cụ thể về điều kiện đối với việc sản xuất, nhập khẩu và lưu thông mũ bảo hiểm là những quy định quan trọng có ảnh hưởng đến nội dung quản lý chất lượng mũ bảo hiểm cần được xem xét quán triệt trong nội dung dự thảo đề nghị soát xét QCVN2:2008 một cách thích hợp.
Trong khuôn khổ dự án VNMXX Rd7-0289 về “Tham gia đóng góp vào việc soát xét và xây dựng các văn bản quản lý chủ chốt nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu lực của quản lý chất lượng mũ bảo hiểm” do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) chủ trì thực hiện, Hiệp hội An toàn Đường bộ Toàn cầu (GRSP) quản lý với sự tài trợ của Quỹ Bloomberg Philanthrophies, VINASTAS đã phối hợp với các chuyên gia của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Tổng cục TĐC) và các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai việc nghiên cứu xây dựng dự thảo đề nghị soát xét QCVN2:2008 trong năm 2016 và 2017 để trình các cơ quan quản lý chức năng (Tổng cục TĐC, Bộ Khoa học và Công nghệ) xem xét.
Trong quá trình xây dựng dự thảo đề nghị soát xét QCVN2:2008, VINASTAS đã :
- Phối hợp chặt chẽ với việc soát xét TCVN5756:2001 về mũ bảo hiểm, tiến hành xây dựng Dự thảo đề nghị soát xét QCVN 2:2008 song song với việc xây dựng Dự thảo soát xét TCVN 5756 :2001;
- Thực hiện viện dẫn các điều khoản có liên quan của TCVN trong QCVN theo thông lệ quốc tế, không trích dẫn nội dung cụ thể của TCVN vào QCVN;
- Đảm bảo tính khoa học và khả thi của dư thảo đề nghị soát xét QCVN2:2008 thông qua việc lấy mẫu, thử nghiệm theo các chỉ tiêu kỹ thuật và phương pháp thử quy định trong dự thảo để kiểm tra tính khả thi;
- Bám sát và đảm bảo đáp ứng các yêu cầu quản lý cập nhật có liên quan quy định trong các VBQPPL đã được soát xét hoặc mới ban hành (NĐ 87/2017, TT 28/2012, TT02/2017…) ;
- Xử lý tối đa các quy định quản lý có thể chưa rõ ràng trong quản lý chất lượng mũ bảo hiểm sản xuất trong nước và nhập khẩu, đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử của WTO.
Trên cơ sở nghiên cứu đánh giá những bất cập, sự chưa phù hợp của nội dung QCVN2:2008 so với yêu cầu và sự thay đổi của các văn bản quản lý nhà nước có liên quan, xử lý tiếp thu các ý kiến góp ý tham vấn của các chuyên gia, và các bên liên quan, dự thảo đề nghị soát xét QCVN2:2008 lần 4 (sau đây viết tắt là DT4 SX QCVN2) đang được đưa ra xem xét, góp ý tại Hội thảo với sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan được tổ chức tại Hà nội và thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 6 và 7/2017.
Nội dung cơ bản của dự thảo 4 SX QCVN2 được thể hiện trong bố cục và các nội dung được sửa đổi, bổ sung so với QCVN:2008 như sau:
Dự thảo 4 SX QCVN2 đã thay đổi về cách sắp xếp các phần và quy định số điều trong đó giảm 01 phần và tăng 05 điều (quy định về quản lý và trách nhiệm của tổ chức cá nhân) so với QCVN2:2008.
a) Trong phần “Quy định chung” của DT 4 SX QCVN2, đã sửa đổi, bổ sung nội dung các quy định về phạm vi, đối tượng áp dụng đồng thời sửa đổi và chuyển nội dung phân loại sang phần Quy định kỹ thuật.
b) Trong phần “Quy định kỹ thuật” của DT 4 SX QCVN2, đã thay đổi hoàn toàn cấu trúc, trong đó ghép phần quy định các chỉ tiêu kỹ thuật và phương pháp thử vào làm một với các điều khoản cụ thể về loại, kết cấu, cỡ, thông số và kích thước cơ bản; các yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử theo hướng viện dẫn các điều khoản tương ứng của TCVN 5756:2017 và quy định bổ sung kích thước của lưỡi trai (nếu có).
Ngoài ra trong phần này cũng quy định chi tiết hơn về ghi nhãn và thể hiện dấu hợp quy với các nội dung bám sát theo quy định của NĐ 43/2017 về ghi nhãn mới ban hành,
c) Trong phần “Quy định quản lý” của DT 4 SX QCVN2, đã thay đổi cấu trúc và nội dung quy định với 06 điều (so với 04 điều của QCVN2:2008), trong đó đã làm rõ các yêu cầu quản lý cụ thể cho mũ sản xuất trong nước và mũ nhập khẩu phù hợp với quy định của các văn bản quản lý có liên quan mới soát xét hoặc ban hành, thể hiện sự không phân biệt đối xử một cách rõ ràng hơn so với QCVN2:2008, cụ thể:
- Điều quy định về việc phải chứng nhận hợp quy đối với cả mũ sản xuất trong nước và mũ nhập khẩu;
- Điều quy định về việc chứng nhận hợp quy quy đối với mũ sản xuất trong nước và mũ nhập khẩu phải do tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định theo quy định của các văn bản quản lý hiện hành (Thông tư số 09/2009/TT-BKHCN, Thông tư số 26/2013/TT-BKHCN);
- Điều quy định về các phương thức đánh giá sự phù hợp và nguyên tắc sử dụng trong chứng nhận hợp quy phải tuân thủ theo các quy định của các văn bản quản lý hiện hành (Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN);
- Điều quy định về việc công bố hợp quy của mũ sản xuất trong nước phải thực hiện theo quy định của Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN;
- Điều quy định về việc phải đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với mũ nhập khẩu theo quy định của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN;
- Điều quy định về yêu cầu đối với việc phân phối mũ bảo hiểm trên thị trường đáp ứng các yêu cầu của QCVN và kiểm tra nhà nước về chất lượng theo quy đinh của pháp luật hiện hành.
d) Trong phần “Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân” của DT 4 SX QCVN2, đã thay đổi cấu trúc và nội dung quy định với 06 điều (so với 02 điều của QCVN2:2008). Việc bổ sung thêm nhiều điều khoản quản lý có liên quan đến việc đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả của quản lý chất lượng mũ bảo hiểm trong các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành hoặc sửa đổi gần đây, cụ thể:
- Điều quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu mũ phải công bố hợp quy phù hợp với QCVN và tiêu chuẩn do doanh nghiệp đã công bố áp dụng;
- Điều quy đinh về trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất mũ phải thực hiện chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy theo quy định của QCVN và chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về điều kiện sản xuất mũ theo NĐ 87;
- Điều quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp nhập khẩu mũ phải thực hiện việc chứng nhận hợp quy và đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với mũ nhập khẩu theo quy định hiện hành;
- Điều quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân phân phối mũ (doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hộ gia đình) phải đáp ứng các quy định kỹ thuật và quy định quản lý trong QCVN, công khai tên, địa chỉ của mình và lưu giữ bản sao giấy chứng nhận hợp quy làm bằng chứng;
- Điều quy định về trách nhiệm của tổ chức chứng nhận hợp quy theo các quy định của văn bản quản lý hiện hành (Thông tư số 09/2009/TT-BKHCN, Thông tư số 26/2013/TT-BKHCN) và nguyên tắc chấp nhận kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận nước ngoài theo các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau kết quả chứng nhận của các tổ chức chứng nhận theo quy định hiện hành;
- Điều khoản quy định về trách nhiệm của các Bộ, Ngành và UBND các cấp về việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý liên quan theo quy định tại các văn bản hiện hành.
e) Trong phần “Tổ chức thực hiện” của DT 4 SX QCVN2, đã bổ sung thêm quy định trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn viện dẫn tại Quy chuẩn kỹ thuật này có sửa đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản mới./.
Trần Văn Học và các chuyên gia