Trước tình trạng này, trong các năm 2014-2017 Chính phủ đã ban hành một loạt Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong nhiều năm qua, việc kiểm tra chất lượng đối với nhiều hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục nhóm 2[1] được thực hiện theo phương thức tiền kiểm. Có nghĩa là các hàng hóa nhập khẩu này phải được kiểm tra chất lượng của cơ quan kiểm tra chất lượng có thẩm quyền và phải đạt yêu cầu của quy chuẩn tương ứng thì mới được thông quan và lưu thông trên thị trường trong nước. Việc kiểm tra này bảo đảm ngăn chặn những hàng hóa không đạt quy chuẩn trước khi đưa vào lưu thông, tuy nhiên có nhược điểm là làm kéo dài thời gian thông quan, có hàng hóa phải chờ đợi đến 30- 45 ngày mới được thông quan. Điều này gây nhiều hệ lụy cho cả các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và doanh nghiệp. Trong khi cơ quan hải quan phải chờ kết luận của cơ quan kiểm tra chất lượng mới được thông quan, kho, bãi hải quan không đủ để lưu chứa các hàng hóa này, còn các doanh nghiệp phải trả phí lưu kho bãi và lại không có hàng để đưa vào sản xuất hoặc lưu thông, ảnh hưởng tới tiến độ cung ứng cho khách hàng, đặc biệt khách hàng xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp phải hủy hợp đồng vì những chờ đợi như vậy, mặc dù hàng hóa đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn đề ra.
Trước tình trạng này, trong các năm 2014-2017 Chính phủ đã ban hành một loạt Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Và gần đây nhất là Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017. Trong đó, ngoài các vấn đề quan trọng khác, mục tiêu đến năm 2020 đối với thời gian thông quan hàng xuất khẩu phải đạt dưới 70 giờ và hàng nhập khẩu phải đạt dưới 90 giờ.
Để thực hiện các Nghị quyết trên, các Bộ đã rà soát lại các văn bản quản lý có liên quan. Riêng Bộ Khoa học và Công nghệ đã rà soát lại các thông tư liên quan đến hoạt động công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy cũng như kiểm tra chất lượng hàng hóa. Ngày 31/3/2017 Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và các phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Theo nội dung của Thông tư này, hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải công bố hợp quy sẽ phải đăng ký với cơ quan kiểm tra chất lượng và trong vòng 1 ngày cơ quan này phải xác nhận việc đăng ký. Sau đó, doanh nghiệp nhập khẩu trình giấy đăng ký kiểm tra có xác nhận của cơ quan kiểm tra chất lượng cho cơ quan hải quan làm thủ tục thông quan hàng hóa. Sau khi hàng hóa được thông quan, trong thời hạn 15 ngày doanh nghiệp nhập khẩu phải nộp hồ sơ công bố hợp quy dựa trên việc tự đánh giá hoặc kết quả chứng nhận của bên thứ 3 cho cơ quan chuyên ngành do Bộ hoặc Địa phương chỉ định. Hồ sơ bao gồm bản công bố hợp quy của doanh nghiệp và báo cáo tự đánh giá hoặc giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Quy định mang tính hậu kiểm (thông quan trước và kiểm tra chất lượng sau)của Thông tư này đã giảm bớt đáng kể thời gian thông quan hàng nhập khẩu. Thời gian để thông quan các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng phụ thuộc vào thời gian đăng ký của doanh nghiệp, thời gian xác nhận đăng ký của cơ quan kiểm tra chất lượng, thời gian doanh nghiệp nộp bản đăng ký có xác nhận của cơ quan kiểm tra chất lượng và thời gian cơ quan hải quan làm thủ tục thông quan sau khi nhận được giấy đăng ký có xác nhận của cơ quan kiểm tra chất lượng. Nếu thời gian doanh nghiệp đăng ký và thời gian doanh nghiệp nộp bản đăng ký có xác nhận của cơ quan kiểm tra chất lượng giảm đến mức tối đa, thậm chí không đáng kể, thì việc thông quan lô hàng nhập khẩu chỉ mất 2 ngày (hoặc 48 giờ), nếu không có trục trặc khác.
Về nguyên tắc, việc kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm nhập khẩu cũng sẽ được thực hiện theo phương thức hậu kiểm nêu trên kể từngày 15/5/2017 khi Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ có hiệu lực. Điều chưa rõ của Thông tư 02/2017/TT-BKHCN đối với trường hợp kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm nhập khẩu đó là doanh nghiệp có thể công bố hợp quy dựa trên việc tự đánh giá của mình hay phải dựa vào việc chứng nhận hợp quy của bên thứ 3. Điều này được làm rõ trong Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN ngày 16/6/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ (sửa đổi, bổ sung Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ). Theo đó, mũ bảo hiểm nhập khẩu thuộc danh mục nhóm 2 và phải được công bố hợp quy dựa trên việc chứng nhận hợp quy do tổ chức chứng nhận hoặc tổ chức giám định đã đăng ký hoặc được thừa nhận thực hiện.
Như vậy có thể hiểu từ nay mũ bảo hiểm nhập khẩu sẽ được thông quan trước tại cửa khẩu và việc chứng nhận hợp quy đối với các lô mũ bảo hiểm này vẫn sẽ được thực hiện bởi tổ chức chứng nhận hoặc tổ chức giám định. Tuy nhiên, không phải tất cả các tổ chức chứng nhận/giám định mà là các tổ chức “đã đăng ký” hoặc “được thừa nhận”. Để trở thành các tổ chức đã đăng ký, tổ chức chứng nhận/giám định phải thực hiện việc đăng ký theo Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp. Và để trở thành tổ chức chứng nhận/giám định được thừa nhận phải thực hiện việc thừa nhận theo Thông tư số 27/2007/TT-BKHCN ngày 31/10/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc ký kết và thực hiện các Hiệp định và Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp.
Có thể thấy các phương thức kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu đang trong tiến tiến trình cải tiến và sửa đổi theo định hướng tạo điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp được thuận lợi hơn, giảm chi phí cho các doanh nghiệp và xã hội nói chung, song vẫn bảo đảm mục tiêu quản lý của Nhà nước. Phương thức hậu kiểm, bên cạnh những phương thức khác, đối với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có mũ bảo hiểm cũng là một nỗ lực mới của các cơ quan quản lý về chất lượng nhằm hiện thực hóa định hướng này.
Thiết nghĩ sẽ là tốt hơn và kịp thời hơn cho cả thị trường và quản lý nhà nước, nếu các Bộ và Địa phương chủ động hơn trong quá trình này, thay vì chỉ thực hiện khi có chỉ đạo sát sao của Chính phủ./.
Lê Quốc Bảo và nhóm chuyên gia
[1]Danh mục nhóm 2 là Danh mục sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn do các Bộ quản lý chuyên ngành ban hành. Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy thuộc Danh mục nhóm 2 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành kèm theo Thông tư Số: 01/2009/TT-BKHCN ngày 20/3/2009.