Công tác chứng nhận hợp quy đối với MBH thời gian qua đã có nhiều đóng góp vào việc đảm bảo chất lượng MBH sản xuất trong nước và nhập khẩu
Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ đã đưa ra các giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông, trong đó có quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông được nhân dân đồng tình ủng hộ và thực hiện. Kết quả đã góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu số người chết và chấn thương do tai nạn giao thông. Đến nay, việc đội mũ bảo hiểm (MBH) khi điều khiển xe gắn máy trên đường đã trở thành thói quen của đa số người dân.Tuy nhiên, vấn đề gây bức xúc hiện nay trong xã hội là tình trạng MBH không đạt chất lượng được sản xuất, lưu thông trên thị trường và sử dụng khá phổ biến.
MBH là sản phẩm thuộc nhóm 2- nhóm sản phẩm có nguy cơ gây mất an toàn cao cần được quản lý nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Vì vậy, MBH sản xuất trong nước, nhập khẩu phải được chứng nhận hợp quy phù hợp với các quy định kỹ thuật trong QCVN 2:2008 cho từng kiểu mũ và phải được gắn dấu hợp quy trước khi đưa ra lưu thông phân phối trên thị trường. Việc chứng nhận hợp quy đối với MBH này phải do tổ chứng chứng nhận được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định thực hiện. Hiện nay, các tổ chức chứng nhận được chỉ định chứng nhận hợp quy MBH bao gồm: các Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1, 2, 3 (QUATEST 1, 2, 3) và Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT).
Công tác chứng nhận hợp quy đối với MBH thời gian qua đã có nhiều đóng góp vào việc đảm bảo chất lượng MBH sản xuất trong nước và nhập khẩu. Tuy nhiên hoạt động này cũng cần phải được xem xét, đánh giá để có những cải tiến cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, mang lại hiệu quả tốt hơn cho công tác quản lý chất lượng MBH trong thời gian tới. Những vấn đề còn tồn tại chính của hoạt động chứng nhận hợp quy MBH trong thời gian qua có thể gồm:
a) Việc kiểm soát, giám sát sau khi cấp chứng nhận của các tổ chức chứng nhận hợp quy MBH được chỉ định chưa được thực hiện một cách hiệu quả
Theo quy định, sau khi đã cấp giấy chứng nhận sự phù hợp cho cơ sở sản xuất MBH, tổ chức chứng nhận được chỉ định phải thực hiện việc giám sát định kỳ 6 tháng/ lần hay giám sát đột xuất khi cần thíết đối với chất lượng MBH được lấy mẫu tại cơ sở và trên thị trường. Tuy nhiên việc giám sát này còn chưa thực hiện một cách triệt để, chưa đủ mức độ cần thiết nên chưa có nhiều tác dụng, dẫn đến hiện tượng nhiều MBH đã được cấp chứng nhận hợp quy và gắn dấu CR lưu thông trên thị trường vẫn không đạt chất lượng theo quy định. Thực tế cho thấy việc đánh giá cấp chứng nhận chỉ mới là bằng chứng thể hiện cơ sở có khả năng sản xuất MBH đạt chất lượng, còn bằng chứng cho việc chất lượng MBH được duy trì ổn định như đã được cấp chứng nhận là việc MBH tiếp tục đạt chất lượng trong thời hạn có hiệu lực của Giấy chứng nhận thông qua kết quả hoạt động giám sát có hiệu quả sau chứng nhận. Việc này đòi hỏi việc giám sát sau chứng nhận phải được thực hiện thường xuyên, đầy đủ, thực chất và đúng yêu cầu theo các quy định hiện hành.
b) Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và tổ chức chứng nhận được chỉ định
Việc phối hợp, chia sẻ thông tin về vi phạm chất lượng MBH qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát MBH trên thị trường của các cơ quan quản lý các cấp có liên quan với các tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định sẽ góp phần đem lại hiệu quả đối với việc tăng cường việc giám sát cơ sở sản xuất MBH sau khi cấp chứng nhận, kịp thời có các biện pháp hay quyết định phù hợp để chấn chỉnh sự không phù hợp của MBH đã được chứng nhận.
Việc thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và tổ chức chứng nhận được chỉ định vừa không tận dụng được nguồn lực của các tổ chức vừa không đem lại hiệu quả trong việc kiểm soát MBH trên thị trường.
Trong thời gian tới, để khắc phục tình trạng MBH không đạt chất lượng lưu thông trên thị trường,và nâng cao hiệu quả và hiệu lực của hoạt động chứng nhận hợp quy MBH một số giải pháp được kiến nghị thực hiện như sau:
- Tăng cường giáo dục, tuyên truyền, quảng bá bằng nhiều biện pháp thích hợp ( trong cơ quan, trường học, khu phố, nơi công cộng, phương tiện giao thông, qua các đợt vận động…) và thường xuyên đến mọi tầng lớp trong xã hội về việc không sử dụng MBH không được chứng nhận hợp quy;
- Cung cấp thông tin rộng rãi, đầy đủ và kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người tiêu dùng biết về các loại, nhãn hiệu MBH, cơ sở sản xuất đã được chứng nhận hợp quy đạt yêu cầu chất lượng đang lưu thông trên thị trường; thông tin về MBH đã được chứng nhận hợp quy nhưng không đạt chất lượng khi lưu thông trên thị trường, MBH bị đình chỉ, thu hồi chứng nhận do không đạt yêu cầu chất lượng;
- Có quy định cụ thể hơn các yêu cầu về hoạt động đánh giá cấp chứng nhận và giám sát sau chứng nhận mà các tổ chức chứng nhận được chỉ định phải đáp ứng, cũng như việc kiểm soát thường xuyên hoạt động của các tổ chức chứng nhận được chỉ định.
- Cơ quan chỉ định tổ chức chứng nhận hợp quy cần tăng cường kiểm soát việc thực thi các quy định về đánh giá, cấp chứng nhận, giám sát sau chứng nhận của các tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định để đảm bảo tính đầy đủ, nhất quán trong việc thực hiện các quy định hiện hành trong chứng nhận hợp quy MBH. Hạn chế việc MBH của cơ sở sản xuất không được cấp Giấy chứng nhận phù hợp tại tổ chức chứng nhận này lại có thể được cấp Giấy chứng nhận phù hợp ở tổ chức khác và tiếp tục lưu thông MBH không đạt chất lượng trên thị trường;
- Tổ chức chứng nhận MBH được chỉ định phải tăng cường việc giám sát sau khi cấp chứng nhận, đặc biệt là việc giám sát sản phẩm trên thị trường và có biện pháp thích hợp, kịp thời theo quy định để loại bỏ sản phẩm MBH không đạt chất lượng khỏi thị trường. Các biện pháp xử lý phải thông tin rộng rãi cho người tiêu dùng, cơ quan quản lý được biết;
- Tăng cường việc phối hợp, chia sẻ thông tin trong công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát MBH trên thị trường theo quy định giữa các cơ quan quản lý, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng và tổ chức chứng nhận để nâng cao hiệu quả và hiệu lực trong chứng nhận hợp quy MBH;
- Thường xuyên tồ chức trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ giữa các tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định để thống nhất các vấn đề có liên quan trong quy trình đánh giá chứng nhận hợp quy MBH;
- Cơ quan quản lý chất lượng MBH ở các địa phương tăng cường việc kiểm soát các MBH chưa chứng nhận hợp quy và đã qua chứng nhận hợp quy trên địa bàn mình quản lý để theo dõi và loại bỏ MBH không đạt chất lượng, đồng thời có cơ chế phối hợp với các tổ chức chứng nhận trong việc kiểm soát này.
- Nghiên cứu xây dựng cơ chế giám sát sau chứng nhận MBH với sự tham gia rộng rải của các Tổ chức xã hội, nghề nghiệp như Câu lạc bộ các doanh nghiệp MBH , các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với MBH lưu thông trên thị trường để hiệu quả thực sự của việc chứng nhận hợp quy được duy trì và phát huy.
- Cơ quan quản lý chất lượng MBH cần xây dựng và ban hành quy chế hoạt động rõ ràng cho các tổ chức xã hội, nghề nghiệp tham gia vào hoạt động giám sát sau chứng nhận; quy chế phối hợp kiểm soát giữa các tổ chức chứng nhận và các cơ quan quản lý có liên quan.
- Tăng cường các biện pháp xử phạt đối với cơ sở sản xuất MBH không đạt chất lượng, cơ sở sản xuất MBH không thực hiện chứng nhận hợp quy hoặc đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng vẫn có MBH lưu thông không đạt chất lượng theo quy định như phạt tiền, tịch thu hàng hóa, đình chỉ sản xuất / kinh doanh. Đây là biện pháp nhằm tác động làm giảm thiểu yếu tố của MBH không đạt chất lượng trên thị trường.
- Cụ thể hóa các điều kiện sản xuất MBH quy định tại NĐ 87 vào điều kiện đánh giá cấp chứng nhận hợp quy cho cơ sở sản xuất MBH trong nước và trong các quy trình đánh giá, kiểm tra giám sát của tổ chức chứng nhận được chỉ định và của các cơ quan quản lý.
- Có kế hoạch soát xét lại tiêu chuẩn TCVN 5756:2001 (ban hành từ năm 2001) và quy chuẩn QCVN 2:2008/BKHCN (ban hành từ 2008) về MBH cho phù hợp với tình hình hiện nay theo quy định của pháp luật về Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật./.
Lê Đình Tùng và nhóm chuyên gia