Doanh nghiệp

Tiêu chuẩn – công cụ kết nối ‘nhà máy ảo’ và ‘nhà máy thực’ trong sản xuất thông minh

3 năm trước

Nguyên lý của sản xuất thông minh là khi chúng ta xây dựng một hệ thống sản xuất “nhà máy thực” thì sẽ xây dựng một hệ thống sản xuất “nhà máy ảo”. Trong đó, tiêu chuẩn là công cụ để 2 nhà máy này kết nối với nhau.

Tiêu chuẩn – công cụ kết nối ‘nhà máy ảo’ và ‘nhà máy thực’ trong sản xuất thông minh

Nhiều lợi ích to lớn

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực, thúc đẩy quá trình sản xuất tiến tới sản xuất thông minh làm thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa.

Trong đó, sản xuất thông minh (Smart Manufacturing) là việc áp dụng sự tiên tiến của công nghệ thông tin tới mọi khía cạnh trong chu trình sản xuất hiện đại nhằm nâng cao năng suất, tạo ra các sản phẩm mới và chất lượng cao, tạo ra lực lượng lao động am hiểu công nghệ, tiết kiệm thời gian cũng như chi phí và bảo vệ môi trường. Hay nói cách khác, sản xuất thông minh chính là sự kết hợp giữa công nghệ thông tin (IT) và công nghệ vận hành (OT) nhằm tối ưu hóa năng suất của quy trình sản xuất, đáp ứng sự biến đổi năng động trong thị trường.

Không những vậy, sản xuất thông minh còn giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể, thống nhất thông tin và quản lý quy trình, đảm bảo con người, máy móc, tài sản, bộ chuyển mạch hay thiết bị nhận được đúng thông tin, định dạng và đúng thời điểm.

Theo nghiên cứu, sản xuất thông minh sẽ tác động đến giảm chi phí tồn kho từ 30 – 40%. Đây được xem là lợi ích lớn nhất mà sản xuất thông minh mang lại cho doanh nghiệp bên cạnh các lợi ích như giảm giá thành, giảm chi phí hậu cần, chi phí bảo trì, quản lý chất lượng…

Liên kết dựa trên tiêu chuẩn

Trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn), TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) cho biết, nguyên lý của sản xuất thông minh là khi chúng ta có hệ thống sản xuất nhà máy thực thì sẽ xây dựng một hệ thống sản xuất nhà máy ảo. Từ hệ thống sản xuất nhà máy thực, chúng ta thu lượm các dữ liệu, đẩy lên môi trường đám mây và sử dụng các dữ liệu đó, đưa lên nhà máy ảo nhằm xây dựng thành các giải pháp trên nhà máy ảo, giúp chúng ta quản lý thông minh nhà máy thực. Như vậy, trong mô hình sản xuất thông minh, chúng ta có “nhà máy ảo” và “nhà máy thực”. Vậy hai nhà máy này kết nối với nhau như thế nào?

Trả lời câu hỏi trên, TS. Hà Minh Hiệp cho biết, “tiêu chuẩn” chính là các công cụ để giúp cho “nhà máy ảo” kết nối “nhà máy thực”. Chúng ta có thể nhận thấy, nếu doanh nghiệp không sử dụng các tiêu chuẩn để kết nối, thì hệ thống sản xuất nhà máy thông minh của doanh nghiệp dù có xây dựng đi chăng nữa cũng không liên kết được với các hệ thống nhà máy thông minh khác. Do đó, khi chúng ta xây dựng hệ thống sản xuất nhà máy thông minh dựa trên các tiêu chuẩn, công cụ của thế giới đồng nghĩa với việc có thể kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

TS. Hà Minh Hiệp cho biết, trong 2 năm vừa qua, Tổng cục TCĐLCL đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp về sản xuất thông minh. Đồng thời, Tổng cục cũng đề ra những kế hoạch giúp đỡ doanh nghiệp tiếp cận sản xuất thông minh sâu hơn trong thời gian tới.

“Trước khi tiến đến sản xuất thông minh, doanh nghiệp phải áp dụng tốt các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất như ISO, 5S, Kaizen… Đây là những hệ thống quản lý, công cụ đã được Tổng cục TCĐLCL cũng như các Bộ, ngành hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chương trình nhà nước, đặc biệt là Chương trình 712. Đó là bước đầu tiên doanh nghiệp phải làm. Chúng ta không thể từ doanh nghiệp chưa áp dụng, chưa có nhận thức về các công cụ cải tiến năng suất mà có thể tiến ngay đến sản xuất thông minh được.”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Ông Hiệp cũng thông tin thêm, hệ sinh thái sản xuất thông minh là một trong những nhiệm vụ mà Tổng cục hướng tới triển khai trong thời gian tới. Trong hệ sinh thái vừa đòi hỏi doanh nghiệp tự có kế hoạch chuyển đổi sản xuất, vừa cần có sự hỗ trợ, chia sẻ, cộng tác từ doanh nghiệp khác (đặc biệt là doanh nghiệp tư vấn, giải pháp) để hướng tới sản xuất thông minh.

Có thể nói, cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại cho doanh nghiệp Việt Nam là rất rõ rệt, tuy nhiên, đầu tư công nghệ theo hướng 4.0 đòi hỏi vốn lớn, chi phí đầu tư cao. Đây là khó khăn hàng đầu đối với doanh nghiệp Việt Nam, vốn chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực kinh tế thấp.

Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi tập trung đánh giá thực trạng và mức độ sẵn sàng tiếp cận và tham gia của doanh nghiệp Việt Nam, nhưng tin rằng với sự vào cuộc của Chính phủ và các bộ ngành, các vấn đề về thể chế, chính sách sẽ được tháo gỡ để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, hướng tới sản xuất thông minh nhằm tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế Việt Nam.

 

Theo tcvn.gov.vn

 

 


Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác