Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, các nhà khoa học trong nước có nhiều sáng kiến, giải pháp về kỹ thuật, công nghệ, quản lý và an sinh xã hội để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh
Trong gần hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn thế giới, biến thế giới trở nên đau thương mất mát về người, kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Tại Việt Nam, đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, gây ảnh hưởng lớn về sức khỏe, đến tính mạng người dân và tổn thất nặng nề về mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và sự chỉ đạo, hành động quyết liệt của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cả nước đã phát huy tinh thần đại đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, cùng nhau quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh và những tác động bất lợi do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, các nhà khoa học trong nước có nhiều sáng kiến, giải pháp về kỹ thuật, công nghệ, quản lý và an sinh xã hội để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh như:
Ngay từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19, các cơ quan Đảng và Nhà nước đã vào cuộc kịp thời và có các chỉ đạo quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh. Thời gian qua, Việt Nam đã trở thành biểu mẫu, hình ảnh tốt trong đánh giá, nhìn nhận của bạn bè quốc tế, là một trong số ít các quốc gia vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế thành công. Điều này đã thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước cùng toàn thể nhân dân Việt Nam trong việc kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và đưa đất nước trở lại bình thường để phát triển theo mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra
Việt Nam đã thành công trong nghiên cứu cơ bản về virus nCoV: Ngay sau khi phát hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên vào Việt Nam, chúng ta đã chứng minh khả năng lây truyền dễ dàng từ người sang người của virus nCoV. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã nuôi cấy và phân lập thành công nCoV trong phòng thí nghiệm, đưa Việt Nam là quốc gia thứ tư trên thế giới nuôi cấy và phân lập thành công loại vi rút này. Qua đó, giúp các cơ quan chức năng có câu trả lời chính xác về nguồn gốc, cơ chế gây bệnh, tính sinh miễn dịch của virus này với tế bào chủ, là cơ sở lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp và là tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển vắc xin phòng, chống nCoV trong bối cảnh mối liên kết nghiên cứu khoa học bị đứt gãy do đại dịch.
Việt Nam là một trong 5 nước đầu tiên nghiên cứu thành công và phát triển bộ kít chẩn đoán SARS-CoV-2, bao gồm kít kháng nguyên và kít kháng thể. Bộ kit xét nghiệm nhanh đã chứng minh Việt Nam là một trong những quốc gia có bộ xét nghiệm đầu tiên không chỉ sử dụng trong nước mà còn cung cấp cho thế giới (trên 20 nước).
Chỉ trong thời gian ngắn, các nhà khoa học trong các doanh nghiệp của Việt Nam đã phát triển và đánh giá trên lâm sàng thành công 03 loại máy thở phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 (máy thở Eliciae MV20 của Công ty Metran; máy thở VFS-410 và máy thở VFS-510 của Tập đoàn VinGroup); nghiên cứu, phát triển máy thở oxy cao áp HFNC dùng cho bệnh nhân bắt đầu trở nặng thay vì dùng máy thở hiện đại; nghiên cứu hệ thống cung cấp khí nén trung tâm và tạo oxy từ khí trời cho bệnh viện dã chiến.
Nghiên cứu phát triển vắc xin Covid-19: Đến nay, cả nước có 02 nhà sản xuất đang nghiên cứu vắc xin phòng Covid-19, trong đó: Công tư Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba (vắc xin Nanocovax); Viện Vắc xin và sinh phẩm Nha Trang đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 (vắc xin COVIVAC). Các kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy các vắc xin do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu rất khả quan và có khả năng chống lại cả các biến chủng mới của Covid-19.
Nhiều cơ quan, đơn vị nghiên cứu, chế tạo thuốc và các sản phẩm hỗ trợ phòng chống Covid-19: Viện Công nghệ sinh học nghiên cứu chế phẩm thảo dược ức chế virus SARS-CoV-2 và hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19; Viện Hóa học vừa thông báo đã nghiên cứu thành công phương pháp mới trong việc tổng hợp thuốc Favipiravir điều trị SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm; Điều trị Covid bằng công nghệ Laser.
Các thiết bị công nghệ hỗ trợ phòng chống Covid-19: Nhóm phát triển Trung tâm Ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp khoa học - công nghệ, Viện Ứng dụng công nghệ (Bộ KH&CN) nghiên cứu thành công áo hạ nhiệt ACG, được coi là một giải pháp giúp các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19 thoát khỏi tình trạng bị sốc nhiệt và lả nhiệt khi phải mặc bộ đồ bảo hộ (PPE) làm việc trong thời tiết nóng bức khắc nghiệt; Học viện Kỹ thuật Quân sự đã nghiên cứu, chế tạo hệ thống robot hỗ trợ y tế có các tính năng hiện đại có thể hoạt động theo nhóm trong khu vực cách ly để thay thế, hỗ trợ nhân viên y tế các công việc phục vụ, chăm sóc bệnh nhân, người nghi nhiễm và rất nhiều các sản phẩm KH&CN khác.
Hiện nay, các sản phẩm do các nhà KH&CN Việt Nam sáng chế đã và đang góp phần tích cực vào việc ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi đại dịch Covid-19.