Doanh nghiệp

Doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trẻ em: Loay hoay tìm hướng đi

10 năm trước

Nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái đã có nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trong nước vẫn đang loay hoay tìm hướng đi.

Doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trẻ em: Loay hoay tìm hướng đi
Sau hàng loạt những bê bối liên quan đến các chất độc gây ngứa, viêm da, thậm chí có thể gây ung thư, điển hình như chất độc phthalates - chất được dùng làm tăng độ dẻo, bền của đồ nhựa có khả năng gây biến đổi hoóc-môn, ảnh hưởng đến hệ sinh sản..., đồ chơi Trung Quốc đã bị nhiều người tiêu dùng Việt Nam quay lưng.

Dù càng ngày càng có thêm lòng tin của người tiêu dùng, nhưng để có thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc, mặt hàng đồ chơi trẻ em Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Một mặt phải đối đầu với “ông lớn” Trung Quốc, mặt khác vấp phải sự cạnh tranh không lành mạnh của nhiều cơ sở sản xuất trong nước. Các cơ sở này không cần gây dựng thương hiệu, đầu tư mẫu mã, mà chỉ “chớp” lấy những mẫu hàng bán chạy của các đơn vị có thương hiệu rồi làm nhái, làm ẩu, bán với giá rẻ mong kiếm lời.

Nhược điểm dễ thấy nhất là, các doanh nghiệp sản phẩm đồ chơi trẻ em trong nước thường ít đầu tư về khâu thiết kế, công nghệ sản xuất để thay đổi mẫu mã, nâng cao tính năng hoạt động. Tuy nhiên, theo đại diện một doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ chơi trẻ em có tiếng ở Hà Nội, xu hướng mua đồ chơi cho trẻ em của người tiêu dùng đã có nhiều thay đổi. Họ không đánh giá và chọn mua sản phẩm theo mẫu mã, mà tìm những sản phẩm an toàn, có tính giáo dục và giải trí cao. Chính vì vậy, các loại đồ chơi sản xuất bằng gỗ từ các doanh nghiệp trong nước thời gian qua được tiêu thụ khá tốt.

“Hiện tại, việc cạnh tranh bằng mẫu mã không còn là ưu tiên hàng đầu của mặt hàng đồ chơi trẻ em nữa. Do đó, cơ hội để các doanh nghiệp trong nước phát triển là khá lớn”, đại diện doanh nghiệp này nói. Song đây mới chỉ là xu hướng ở các đô thị, thành phố, khi các bậc cha mẹ có nhiều thông tin và khả năng tài chính tốt. Còn ở khu vực nông thôn, nhiều người vẫn còn chưa có đủ thông tin và khả năng tài chính có hạn. Bên cạnh đó, đồ chơi Trung Quốc giá rẻ vẫn có sức hấp dẫn nhất định với không ít người, nhất là ở nông thôn.

Trước thực trạng này, nhiều doanh nghiệp vẫn đang loay hoay tìm hướng đi. Giám đốc một công ty sản xuất đồ chơi lâu năm tại Hà Nội cho hay, hiện lượng hàng hóa của công ty ông bị tồn đọng khá lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vốn lưu động; một số đại lý của công ty cũng yêu cầu trả lại hàng vì bán chậm và sẽ nhập hàng hóa của công ty khác để kinh doanh.

Nhiều cổ đông cho rằng, dù công ty đã có kinh nghiệm và quen thuộc thị trường đồ chơi trẻ em, nhưng nếu muốn tiếp tục phát triển trong lĩnh vực này, thì cần thay đổi phương thức kinh doanh. Song cũng có một số ý kiến đề xuất công ty nên từ bỏ hoạt động sản xuất, mà chuyển sang hoạt động thương mại, nhập khẩu và phân phối đồ chơi giá rẻ. Với cách này, công ty vẫn tận dụng được mạng lưới khách hàng và đơn vị phân phối đồ chơi của mình để cạnh tranh.

Thế nhưng, CEO không chấp nhận phương án ngừng sản xuất, vì nếu làm như vậy, nhiều lao động sẽ mất việc làm, thương hiệu mà công ty gây dựng bao lâu nay cũng sẽ dần lụi tàn. Quan trọng hơn, theo CEO, phần lớn loại đồ chơi ngoại giá rẻ không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và xã hội. CEO đề nghị nên giữ nguyên hoạt động sản xuất, nhưng phải nghiên cứu lại thị trường, định vị lại sản phẩm, kênh phân phối và mô hình kinh doanh để đảm bảo sức cạnh tranh và duy trì thị phần cho công ty.

Để thực hiện được kế hoạch của CEO, công ty cần phải có thời gian và các cổ đông phải đầu tư thêm vốn. Trong khi đó, tình hình tài chính của công ty chưa cho phép. Liệu trong trường hợp này, CEO có nên cân nhắc đến việc thực hiện đồng thời cả hai giải pháp? Đó là nhập khẩu một số lượng vừa đủ hàng ngoại giá rẻ từ Trung Quốc, đồng thời vẫn không từ bỏ hoạt động sản xuất nhằm giữ được thương hiệu, lao động không bị thất nghiệp. CEO sẽ bước vào cuộc tranh luận hết sức căng thẳng với các cổ đông để có được giải pháp đồng thuận nhất cho vấn đề này.

Theo Vũ Anh - baodautu.vn


Các bài viết khác

Đặt niềm tin bảo vệ người tiêu dùng thông qua tiêu chuẩn- Góc nhìn từ nước ngoài

Đặt niềm tin bảo vệ người tiêu dùng thông qua tiêu chuẩn- Góc nhìn từ nước ngoài

Áp dụng tiêu chuẩn FSSC 22000 giúp doanh nghiệp kiểm soát mối nguy mất an toàn thực phẩm

Áp dụng tiêu chuẩn FSSC 22000 giúp doanh nghiệp kiểm soát mối nguy mất an toàn thực phẩm

Các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam sẽ được tôn vinh

Các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam sẽ được tôn vinh

Quy tắc ứng xử về kinh doanh có trách nhiệm với môi trường cho ngành cà phê và rau quả ở Việt Nam

Quy tắc ứng xử về kinh doanh có trách nhiệm với môi trường cho ngành cà phê và rau quả ở Việt Nam

• Tiêu chuẩn – công cụ kết nối ‘nhà máy ảo’ và ‘nhà máy thực’ trong sản xuất thông minh

• Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn hội nhập

• Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030

• Bộ Tiêu chuẩn quốc gia bánh trung thu: Cần thiết cho người tiêu dùng

• Tiêu chuẩn ISO 45001 – Công cụ quản lý làm giảm các yếu tố rủi ro ảnh hưởng tới sức khỏe và nghê nghiệp

• Doanh nghiệp không trả lời khiếu nại của người tiêu dùng sẽ bị xử phạt!

• Doanh nghiệp Đà Nẵng chung tay bảo vệ người tiêu dùng

• Nâng cao chất lượng, khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam

• FrieslandCampina Việt Nam trao tặng 4800 suất sữa cho ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam

• Bị "tố" nhập nguyên liệu whey protein từ Trung Quốc: Vinamilk phản pháo