Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015 vừa được Chính phủ ban hành đã yêu cầu Bộ Công thương trong năm 2015 phải thực hiện tốt Chương trình hành động thực hiện Chiến lược nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030.
Tập trung mở rộng thị trường
“Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Đề án phát triển thị trường nước ngoài đến năm 2020, Đề án các biện pháp quản lý nhập khẩu đến năm 2020 phù hợp với các cam kết quốc tế” – Nghị Quyết nêu rõ.
Nghị Quyết cũng yêu cầu Bộ Công Thương, thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu. Mở rộng thị trường, khai thác tốt những thị trường hiện có và những thị trường tiềm năng để xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng và giá trị kim ngạch cao.
Tập trung quyết liệt tháo gỡ rào cản về thị trường; chủ động, tích cực tham gia đàm phán các hiệp định tự do thương mại (FTA) và các thỏa thuận thương mại khác theo hướng thúc đẩy mở cửa thị trường cho các loại nông, lâm, thủy sản của Việt Nam; bảo hộ hợp lý các ngành còn khó khăn; xây dựng phương án đàm phán cụ thể với từng nước, phối hợp với các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài để tháo gỡ rào cản thương mại;
Bên cạnh đó, phải đổi mới và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tổ chức kết nối thị trường cả trong và ngoài nước; tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường để định hướng sản xuất đến tất cả các ngành, phân ngành; kiểm soát dung lượng thị trường, quản lý điều tiết sản xuất kinh doanh; đồng thời cung cấp thông tin đồng bộ, kịp thời đến đối tượng sản xuất, kinh doanh.
Trong khuôn khổ các hiệp định đã ký kết, áp dụng các biện pháp thuế quan và phi thuế quan hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu, các mặt hàng trong nước đã sản xuất được để kích thích sản xuất và tiêu thụ hàng nội địa.
Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương phải có giải pháp khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa. Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu; không để quá phụ thuộc vào một thị trường. Có các giải pháp hiệu quả để từng bước khắc phục tình trạng nhập siêu lớn từ một số thị trường.
Tăng cường kiểm soát để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Nghị Quyết cũng yêu cầu Bộ Công Thương phải tăng cường công tác quản lý điều hành, theo dõi sát diễn biến thị trường, có biện pháp điều tiết kịp thời, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là các thời điểm lễ, Tết.
Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ của Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2014 – 2020, Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia.
Phát triển hệ thống phân phối, các hoạt động kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển mạnh thị trường hàng hóa trong nước, giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu. Khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Tăng cường công tác quản lý thị trường, bảo đảm môi trường cạnh tranh, kiểm soát độc quyền, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Khánh Nhi (lược ghi)