Hàng hóa dịch vụ tin cậy

Đồ chơi độc gây biến dạng môi bé gái

9 năm trước

 Câu chuyện các bé bị dị ứng cơ thể do tiếp xúc với đồ chơi “Made in China” không còn là mới mẻ. Dẫu vậy, những hình ảnh môi bé gái bị biến dạng do ngậm đồ chơi Trung Quốc được chia sẻ trên facebook ngày 1/6 khiến người lớn không khỏi hốt hoảng xót xa.

Đồ chơi độc gây biến dạng môi bé gái
Đồ chơi “rẻ”, hậu quả “đắt”

Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, người thân mua tặng cháu Yến N. bộ đồ chơi nấu ăn. Khi nhận quà, cháu tỏ ra khá thích thú. Cháu mải miết chơi với bộ đồ chơi mới suốt buổi chiều cùng ngày.

Đến gần tối, người thân hoảng hốt khi phát hiện đôi môi của cháu N bỗng dưng sưng vù bất thường. Khi hỏi, cháu cho biết không làm gì khác ngoài chơi và ngậm bộ đồ chơi nấu ăn mới. Hôm đó, cháu được đưa đi khám. Bác sĩ nhận định, cháu bị dị ứng chất lạ trong bộ đồ chơi.

Mấy ngày qua, anh Nguyễn Tuấn (Biên Hòa, Đồng Nai), chú của cháu N khá lo lắng về tình trạng sức khỏe của cháu gái. Anh cho biết bộ đồ chơi gia đình mua tặng cháu N có tên Kitchen với nhiều màu sắc sặc sỡ. Chúng được mua tại một cửa hàng ven đường với giá chưa đến 100 nghìn đồng. Đến nay, môi của cháu N đã giảm sưng nhưng vẫn còn tấy đỏ.

Bé gái bị dị ứng, biến dạng môi do chơi, ngậm đồ chơi Trung Quốc kém chất lượng


Ngay khi những bức hình được chia sẻ qua mạng xã hội, đến nay đã nhận được gần 8 nghìn like và hơn 55 nghìn lượt chia sẻ. Đa số cư dân mạng tỏ ra xót xa cháu N và kêu gọi cảnh giác hơn với đồ chơi trẻ em giá rẻ.

Chị Nga (Hải Dương) bày tỏ: “Ôi, nghĩ cũng sợ từ lâu nhưng đi mua đồ chơi cho con thì cửa hàng toàn đồ Trung Quốc, biết mua ở đâu hàng chất lượng tốt được?!”

Chị Nguyễn Kim Thư (sống tại Melbourne) bức xúc: “Con gái nhỏ của mình sau khi chơi với cái bao đồ chơi Trung Quốc, tay bị nổi nốt giống như bỏng nặng, sưng và nhức lắm. Bên này bác sĩ cho nhiều thuốc bôi hay lắm nên xuống nhanh. Ngày thứ hai kinh khủng lắm mà mình không còn giữ tấm hình nào nên không up lên được”.

Trước đó, dư luận đã nhiều phen tá hỏa khi báo chí thông tin những vụ việc liên quan đến đồ chơi ưa thích của trẻ em, sản xuất và nhập khẩu từ Trung Quốc có chứa các chất độc hại như NPE (trong quần áo trẻ em) làm rối loạn và phá hủy hooc môn, hợp chất như eugenol và coumarin (trong bóng nhựa) gây dị ứng cao, hóa chất hữu cơ DEHP (trong mặt nạ) dùng để kéo dẻo nhựa, đặc biệt là Phthalates (trong thú nhún,búp bê, bóng hơi) gây vô sinh....

Bày bán lẻ, khó kiểm soát

Theo khảo sát của phóng viên, đồ chơi Trung Quốc được bày bán tràn lan trên nhiều tỉnh thành cả nước. Không chỉ được bày bán trong siêu thị, nhà sách, cửa hàng mà còn bày bán trên cả vỉa hè với giá vài chục nghìn đến cả trăm nghìn. Theo một số người bán, đồ chơi Trung Quốc rẻ hơn rất nhiều so với đồ chơi Việt Nam và nhiều nước khác, bán 1 có thể lãi 1.

Tại Hà Nội, tại các cửa hàng đồ chơi trẻ em trên tuyến phố Lương Văn Can, Hàng Mã, Tô Hiệu (Nghĩa Tân)... trở nên đông đúc vào những ngày cuối tuần. Tại đây, khó có thể tìm được những bộ đồ chơi in chữ Việt Nam vì đa phần là đồ chơi Trung Quốc.

Anh Nam (Từ Liêm) cho biết: “Tôi thường dẫn cháu đi mua đồ chơi nhưng cũng không để ý xuất xứ của đồ chơi. Nghĩ lại, có vẻ đồ chơi của các cháu tôi toàn là đồ Made in China. Nó rẻ và bắt mắt hơn, lại tinh xảo hơn, giống thật hơn”.

Tại nhiều khu chợ, PV bắt gặp cảnh đồ chơi gắn mác “made in China” được bày bán lẻ tẻ, số lượng không nhiều ở mỗi điểm bán. Trong đó, búp bê và bộ đồ nấu ăn làm bằng nhựa có giá chỉ từ 25.000 - 30.000 đồng. Các đồ chơi có giá đắt nhất là xe ô tô, súng, máy bay… bằng nhựa hoàn toàn nhưng không biết nhựa có tạp chất hay không, giá cũng chỉ vài chục ngàn đồng.

Tại TP. HCM cảnh tượng đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc xuất xứ không cụ thể được bày bán nhiều. Các chợ nổi tiếng như Chợ Lớn, chợ Tân Bình hay gần các khu công nghiệp thì sức mua lớn và số lượng hàng bày bán cũng đa dạng hơn những nơi khác.

Theo lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, tất cả các loại đồ chơi trẻ em đều trong diện phải được dán tem hợp quy CR. Tuy nhiên, các điểm bán lẻ chỉ vài bộ, vài sản phẩm đồ chơi hoặc bán rong sẽ rất khó kiểm soát chất lượng. Thậm chí, các điểm bán còn xen kẽ đồ chơi với các dụng cụ học tập, mỹ phẩm. số lượng ít, khó phát hiện.

Do khó quản lý các điểm bán lẻ, bán rong, nên các bậc phụ huynh cần phải nâng cao cảnh giác, ý thức tiêu dùng khi mua sắn quà là các đồ chơi trẻ em. Không nên ham rẻ mà mua những sản phẩm đồ chơi không nhãn mác rõ ràng, không nguồn gốc xuất xứ hoặc người bán không có địa chỉ, không có giấy phép kinh doanh.

Các đồ chơi có chất độc có thể xâm nhập vào cơ thể bằng con đường hô hấp, tiếp xúc với da, hoặc đường miệng. Với mắt thường thì không thể nhận biết được những chất độc hại này. Tuy nhiên, nếu nhựa, phụ gia, màu được sản xuất với tiêu chuẩn an toàn thì sẽ không có mùi. Do đó, phương thức đơn giản để xem xét đồ chơi có chất độc là ngửi xem có mùi lạ hay không.

Các đồ chơi đã được kiểm định, gắn tem hợp quy CR, bán ở những nơi có địa chỉ sản xuất, kinh doanh rõ ràng, người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm khi lựa chọn cho trẻ tương ứng với độ tuổi hợp lý.

Các chuyện gia cũng khuyên, khi mua đồ chơi cho trẻ các bậc cha mẹ nên đến những cửa hàng có uy tín, địa chỉ cụ thể. Nên mua đồ chơi những nhãn hiệu nổi tiếng, có bao bì, gắn mác hợp quy và dán tem hợp quy. Ngoài ra, nên xem các thông tin xuất xứ sản phẩm, cảnh báo, khuyến cáo được dán trên bao bì...

Các bài viết khác