Hàng hóa dịch vụ tin cậy

Giá xăng dầu giảm: Cần động thái “mạnh” để bảo vệ người tiêu dùng

10 năm trước

Hành vi gian lận về giá xăng dầu là đáng lên án, phải xử lý nghiêm thì mới có thể bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng.

Giá xăng dầu giảm: Cần động thái “mạnh” để bảo vệ người tiêu dùng
Mấy tháng qua, xăng dầu liên tục giảm giá. Ngay trong ngày 7/1, giá xăng dầu bán lẻ lại được điều chỉnh giảm nhẹ. Cụ thể: giá xăng giảm 310 đồng/lít, còn 17.570 đồng/lít. Dầu diezen giảm 360 đồng/lít, còn 16.630 đồng/lít, dầu hỏa giảm 290 đồng/lít, giá bán lẻ chỉ còn 17.110 đồng/lít. Với công bố giảm giá xăng, các doanh nghiệp kinh doanh sẽ chốt đồng hồ, niêm yết giá mới theo thời gian quy định.

Tuy nhiên ở một số nơi, nhất là khu vực nông thôn, xuất hiện tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu, khi các cây xăng mập mờ giá bán. Đó chỉ là chuyện nhỏ. Người tiêu dùng còn gánh chịu những thiệt hại lớn hơn, khi cước vận tải “lừng khừng” giảm chậm.

Trong thời điểm giá xăng dầu tăng liên tục, người dân nhiều địa phương từng chứng kiến cảnh các cây xăng đồng loạt treo biển “Mất điện- ngừng phục vụ”, trong khi điện không hề bị cắt, bởi các cây xăng găm hàng, chờ giờ tăng giá. Dạo này, khi giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh giảm, thì ở một số địa phương, nhất là khu vực nông thôn, tại các trạm xăng lẻ, xuất hiện tình trạng gian lận tinh vi và khá âm thầm, người tiêu dùng khó phát hiện. Đó là việc giá không được điều chỉnh ngay theo thời gian quy định trong quyết định điều chỉnh giá xăng dầu.

Nói âm thầm, tinh vi là bởi các nhân viên, chủ cây xăng nắm được tâm lý của người tiêu dùng, khi đổ xăng, chỉ nhìn số tiền đã được hiển thị trên cột bơm xăng, không để ý giá của 1 lít xăng. Với sự chênh lệch vài trăm đồng, hoặc như lần điều chỉnh mạnh nhất gần đây là 2.000 đồng, thì người tiêu dùng cũng khó nhận ra mức thay đổi về giá xăng, khi chỉ nhìn vào đồng hồ hiển thị, nơi mức giá cũ chưa được điều chỉnh. Với cây xăng gian lận, “tích tiểu thành đại” nhờ số lượng bán ra, và thời gian trì hoãn giảm giá kéo dài, thì cũng được khoản kha khá, nhân viên chia chác với nhau. Hành vi gian lận này vừa qua đã bị người tiêu dùng phát giác, cơ quan chức năng cũng vào cuộc xử lý, qua các đợt kiểm tra liên ngành, đột xuất.

Có thể người tiêu dùng chỉ mất vài trăm đồng, đến vài nghìn đồng một lần đổ xăng, nhưng cách kinh doanh này không thể chấp nhận. Nhiều người có thể coi đó là chuyện nhỏ, chuyện vặt, nhưng đây thực sự là hành vi móc túi người tiêu dùng công khai, trắng trợn. Người dân khu vực nông thôn, nơi cách xa các trung tâm huyện lỵ, nơi thông tin có thể chưa tới kịp thời, sẽ lại thiệt thòi trong tiêu dùng khi giá cả và chất lượng hàng hóa thiếu sự kiểm soát.

Hành vi gian lận về giá xăng dầu như đã nêu là đáng lên án, phải xử lý nghiêm. Nhưng còn chuyện khác, đáng lên án hơn nhiều là việc giá các dịch vụ vận tải điều chỉnh rất chậm, vô cùng chậm so với giá đầu vào đã được giảm sâu thời gian qua. Hiện tượng này khiến chi phí logistic- vận chuyển, lưu thông của cả nền kinh tế vẫn ở mức rất cao, khiến cả xã hội tiếp tục chịu phí tổn lớn, trong khi phần lợi chỉ rơi vào một nhóm ngành, doanh nghiệp.

Dẫu biết rằng, việc điều chỉnh giảm giá phải có độ trễ, theo tín hiệu thị trường, theo các mối quan hệ cung-cầu, nhưng “trễ quá” hóa hại.

Các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra, trong xu hướng giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, thì đây chính là lúc nền kinh tế được hưởng lợi, với điều kiện biết cách thích ứng, điều tiết. Biết cách điều tiết ở đây, có nghĩa là các loại hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng trực tiếp, hoặc gián tiếp từ giá xăng dầu, theo tín hiệu thị trường, sẽ phải nhanh chóng điều chỉnh giảm giá ở mức độ phù hợp, sẽ có lợi cho cả nền kinh tế, bởi tăng sức cầu, tăng sức cạnh tranh về hàng hóa và dịch vụ.

Các ngành chức năng, cụ thể là Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn yêu cầu kiểm soát giá cước vận tải, nhưng xem ra, chưa thấy chuyển động rõ nét. Công việc trước mắt, phải kiên quyết với doanh nghiệp, thực hiện nghiêm túc các quy định về đăng ký giá cước vận tải, kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp. Thậm chí, cần chỉ đích danh, công khai tên doanh nghiệp vận tải nào lừng khừng, không điều chỉnh giảm giá cước trên các phương tiện truyền thông địa phương, để người tiêu dùng được biết, để họ bày tỏ thái độ, dùng quyền chọn-hoặc không chọn dịch vụ, thậm chí tẩy chay doanh nghiệp.

Vậy mới nói, bảo vệ người tiêu dùng thời xăng dầu giảm giá, cần những động thái “mạnh” từ cơ quan chức năng./.

Theo VOV

Các bài viết khác