Hàng hóa dịch vụ tin cậy

Luật Bảo vệ người tiêu dùng: Thiếu văn bản thực thi

10 năm trước

Trải qua 3 năm thực hiện, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đem lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để Luật này thực sự đi vào cuộc sống, cần phải tạo tính minh bạch hơn trong các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, để bộ phận chức năng có thể hoạt động một cách hiệu quả nhất.

Luật Bảo vệ người tiêu dùng: Thiếu văn bản thực thi
Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo “Nhìn lại ba năm thực thi luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” do Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư châu Âu phối hợp với Cục Quản lý Cạnh tranh, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa tổ chức tại Hà Nội.

Nhiều kết quả tích cực...

Ông Cao Xuân Quảng - Trưởng phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) - Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD được Quốc hội khóa 12 thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 17/11/2010 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2011. Sau 3 năm có hiệu lực, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh, bảo vệ tốt quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể có liên quan, trong đó trọng tâm là quyền và lợi ích hợp pháp của NTD.

Theo thông tin của ông Quảng, sau khi Luật Bảo về quyền lợi NTD đi vào hoạt động, hàng năm, toàn quốc có hàng chục nghìn vụ vi phạm pháp luật liên quan đến NTD được tiếp nhận và xử lý.

Cụ thể, năm 2013 đã có 90.279 vụ việc bị phát hiện, trong đó có 25.869 vụ việc được xử lý. Các hành vi vi phạm bị phát hiện và xử lý chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực như an toàn thực phẩm, đo lường, sở hữu trí tuệ, quảng cáo… Hàng hóa liên quan phần lớn là hàng thực phẩm, điện tử, mỹ phẩm.

Ghi nhận những kết quả này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vinastas cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã tạo được sự chuyển biến đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh. Nhận thức được trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, NTD là yếu tố cốt lõi để giúp doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thành công và trụ vững trên thị trường cho nên doanh nghiệp đã có ý thức cao trong việc chủ động bảo vệ quyền lợi NTD.

Đối với các vụ khiếu nại, tố cáo, doanh nghiệp cũng rất thiện chí và cầu thị trong việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo. Một số DN tiêu biểu đã có những đóng góp tích cực trong thời gian qua là Vinamilk, TH Truemilk, Mobifone, Unilever, Tôn Hoa Sen…

Riêng về số vụ khiếu nại, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vinastas cũng cho biết, con số này ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2012 tăng lên 2% so với năm 2011, thì năm 2013 con số này đã tăng lên 8% so với năm 2012.

Mặc dù số vụ khiếu nại có phần tăng lên, nhưng vẫn chưa phản ánh đúng thực tế. Vì những lý do khác nhau, trong đó nhiều người tiêu dùng bị thiệt hại nhưng thường bỏ qua hoặc không biết khiếu nại ở đâu.

... nhiều văn bản còn hạn chế

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, từ đầu năm đến nay, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã tiếp nhận trên 1.000 vụ việc liên quan đến xâm hại quyền lợi người tiêu dùng; trong đó đã xử lý thành công trên 75% vụ việc. Trong số chưa thành công có một phần lỗi từ người tiêu dùng mua hàng nhưng không lấy hóa đơn, không đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng và một phần khác do phía doanh nghiệp thiếu thiện chí.

Cũng theo ông Hùng, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã trao cho Hội quyền về khởi kiện trước tòa, tức là thay mặt NTD thực hiện việc khởi kiện. Tuy nhiên, khoản chi phí thực hiện việc hầu tòa lại do phía hội bỏ ra. “Hội Bảo vệ quyền lợi NTD là tổ chức hoạt động phi lợi nhuận. Khoản chi phí phục vụ cho việc khởi kiện hoàn toàn không nhỏ, chính vì vậy hội không đủ chi phí để lo việc này” - ông Hùng cho hay.

Liên quan đến quản lý Nhà nước, ông Hùng cũng cho biết, theo quy định của Luật (điều 25 và 26) cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD cấp hiệu là nơi giải quyết, xử lý và trả lời NTD và tổ chức xã hội về những yêu cầu bảo vệ NTD trong những trường hợp phát hiện hành vi vi phạm. Tuy nhiên, cho đến nay ở cấp huyện, việc giao cho cơ quan nào phụ trách là tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng nơi, nên không có sự thống nhất, thậm chí chưa có bộ phận chuyên trách.

Trong khi đó, theo ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, để Luật thực sự đi vào cuộc sống cần phải tạo tính minh bạch của các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng kể cả trong các quy định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch với người tiêu dùng nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo chia sẻ của ông Trần Việt Hùng, cho rằng đến nay Luật Bảo vệ quyền lợi NTD vẫn chưa phát huy được vai trò trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và còn có những vấn đề bất cập như chậm trễ trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Một số quy định đề ra trong Luật chưa được cụ thể hóa và thực hiện nghiêm túc; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng còn yếu kém...

Các bài viết khác