Theo thống kê của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), tính đến đầu năm 2018, mỗi năm có đến 340 triệu vụ tai nạn lao động; 160 triệu nạn nhân mắc các bệnh nghề nghiệp và hơn 650 nghìn ca tử vong vì các chất độc hại. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố tại Báo cáo về tình hình an toàn lao động năm 2019, toàn quốc đã xảy ra 8.150 vụ tai nạn lao động làm 8.327 người bị nạn, số người chết gần 1.000 người.
Tại Việt Nam, nhằm giảm thiểu tai nạn lao động, tại hội nghị Tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện dự án 3 Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp – việc làm và an toàn lao động năm 2019, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tham gia tích cực, cũng như cần có sự đồng thuận của người sử dụng lao động và người lao động để dự án đạt được nhiều kết quả thiết thực trong năm 2020. ISO 45001 cũng là một trong những công cụ được các tổ chức/doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và thực hiện. Nó cung cấp một khuôn khổ để tăng cường sự an toàn, giảm thiểu rủi ro tại nơi làm việc và tạo môi trường làm việc lành mạnh.
ISO 45001 được áp dụng cho tất cả các tổ chức, không phân biệt quy mô, lĩnh vực hoạt động. Nó được thiết kế để lồng ghép vào trong quá trình kinh doanh hiện đang được thực hiện trong tổ chức/doanh nghiệp. ISO 45001 được xây dựng với cấu trúc tương tự như các tiêu chuẩn hệ thống quản lý ISO khác, như ISO 9001 (hệ thống quản lý chất lượng) và ISO 14001 (hệ thống quản lý môi trường),… và có thể tích hợp hợp với các hệ thống đó.
Những lợi ích cho tổ chức/doanh nghiệp khi áp dụng ISO 45001 là gì? Áp dụng ISO 45001 cho phép các tổ chức đưa vào sử dụng hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (OH&S). Điều này sẽ giúp họ quản lý rủi ro OH&S và cải thiện hiệu quả hệ thống bằng cách phát triển và thực hiện các chính sách và mục tiêu hiệu quả. Những lợi ích tiềm năng khi áp dụng tiêu chuẩn bao gồm: giảm sự cố tại nơi làm việc; giảm sự vắng mặt và tăng doanh thu của nhân viên, dẫn đến tăng năng suất; giảm chi phí bảo hiểm; tạo ra văn hóa an toàn và sức khỏe, theo đó nhân viên được khuyến khích đóng vai trò tích cực trong hệ thống OH&S của chính họ; cam kết của lãnh đạo được củng cố để chủ động cải thiện hiệu quả của hệ thống, cũng như khả năng đáp ứng các yêu cầu, quy định của pháp luật; gia tăng thương hiệu, danh tiếng của tổ chức/doanh nghiệp và cuối cùng là tạo niềm tin, tinh thần cho người lao động an tâm làm việc.
Tổ chức/doanh nghiệp áp dụng thành công hệ thống quản lý OH&S hay không, phụ thuộc rất nhiều vào sự lãnh đạo, cam kết, cũng như sự tham gia của tất cả các cấp và bộ phận chức năng trong tổ chức/doanh nghiệp. Việc thực hiện và duy trì hệ thống quản lý OH&S, hiệu lực và khả năng của hệ thống trong việc đạt được kết quả dự kiến phụ thuộc vào một số các yếu tổ chính như: lãnh đạo cao nhất xây dựng, dẫn dắt và thúc đẩy văn hóa trong tổ chức hỗ trợ các đầu ra dự kiến của hệ thống; việc trao đổi thông tin cũng như sự tham vấn và tham gia của người lao động, cùng với việc phân bổ nguồn lực cần thiết để duy trì hệ thống. Chính sách OH&S phải được thiết lập và xây dựng các mục tiêu, định hướng chiến lược tổng thể của tổ chức. Tiếp đó, các quá trình phải có hiệu lực để nhận diện mối nguy, kiểm soát các rủi ro và tận dụng các cơ hội OH&S. Cuối cùng là liên tục theo dõi và đánh giá kết quả thực hiện hệ thống quản lý OH&S để cải tiến kết quả thực hiện. Việc thực hiện thành công tiêu chuẩn ISO 45001 có thể được thể hiện qua việc mang lại sự đảm bảo cho người lao động và các bên quan tâm khác rằng hệ thống quản lý OH&S có hiệu lực được thiết lập phù hợp.
Vậy, để xem xét triển khai ISO 45001 có hiệu lực, hiệu quả, dưới đây là một số bước tổ chức/doanh nghiệp có thể bắt đầu:
1. Thực hiện phân tích bối cảnh của tổ chức/doanh nghiệp có liên quan đến OH&S (chẳng hạn như các bên quan tâm) cũng như các yếu tố bên trong và bên ngoài có thể ảnh hưởng đến tổ chức/doanh nghiệp mình.
2. Thiết lập phạm vi của hệ thống, xem xét những gì tổ chức/doanh nghiệp muốn hệ thống quản lý của mình đạt được.
3. Đặt chính sách và mục tiêu OH&S của tổ chức/doanh nghiệp.
4. Xác định khung thời gian mà tổ chức/doanh nghiệp muốn triển khai hệ thống của mình và lên kế hoạch làm thế nào để đạt được nó.
5. Xác định bất kỳ năng lực hoặc lỗ hỗng tài nguyên nào cần giải quyết trước khi tổ chức/doanh nghiệp có thể thực hiện.
Với hiện trạng về vấn đề an toàn lao động ở Việt Nam hiện nay thì việc áp dụng các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý như ISO 45001 là rất cần thiết và cấp bách. Để đánh giá, giám sát việc thực hiện có hiệu lực các yêu cầu của ISO 45001 có hiệu quả thì vai trò của các Tổ chức chứng nhận hệ thống rất quan trọng.
Quy trình chứng nhận hệ thống ISO 45001 có thể là: Bước 1: Đăng ký chứng nhận; Bước 2: Xem xét yêu cầu; Bước 3: Xem xét hợp đồng và lập kế hoạch chuẩn bị đánh giá; Bước 4: Xây dựng kế hoạch và chương trình đánh giá; Bước 5: Đánh giá giai đoạn 1; Bước 6: Đánh giá giai đoạn 2; Bước 7: Theo dõi hành động khắc phục (nếu có); Bước 8: Thẩm xét hồ sơ đánh giá; Bước 9: Ra quyết định chứng nhận; Bước 10: Đánh giá giám sát định kỳ mỗi năm 1 lần; Bước 11: Đánh giá chứng nhận lại trước khi hết hiệu lực chứng nhận 3 năm.
Thực tế ISO 45001 là tiêu chuẩn quốc tế thay thế OHSAS 18001, tiêu chuẩn về an toàn sức khỏe nghề nghiệp tại nơi làm việc. Ở nước ta đã có nhiều doanh nghiệp xây dựng và áp dụng trong thực tiễn OHSAS 18001. Các tổ chức/ doanh nghiệp đã được chứng nhận OHSAS 18001 có ba năm kể từ 2018 để chuyển đổi sang tiêu chuẩn mới ISO 45001. Để chuyển đổi, tổ chức/doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các điều khoản của ISO 45001:2018; sau đó cần xác định các điểm còn thiếu và cần sửa đổi (nếu có) trong OHSMS để đáp ứng yêu cầu mới của tiêu chuẩn; xây dựng kế hoạch chuyển đổi; đảm bảo nguồn lực và đào tạo nhận thức; cập nhật OHSMS hiện có để đáp ứng các yêu cầu mới và thực hiện xác nhận hiệu lực của hệ thống (đánh giá nội bộ, xem xét của lãnh đạo, báo cáo các chỉ số giám sát và đo lường,…); liên hệ với tổ chức chứng nhận để thực hiện đánh giá chuyển đổi theo ISO 45001:2018. Trong quá trình chuyển đổi có thể liên hệ với các tổ chức tư vẫn để được hướng dẫn chi tiết.
Hiện nay, trên thế giới có hàng vạn tổ chức/ doanh nghiệp được cấp chứng chỉ ISO 45001. Ở nước ta cũng có khoảng hơn 100 doanh nghiệp đã xây dựng và áp dụng ISO 45001. Trong khuôn khổ Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, khoảng 20 doanh nghiệp đang được tư vấn, hướng dẫn triển khai xây dựng và áp dụng ISO 45001. Hy vọng sau khi nhiệm vụ này hoàn thành sẽ giúp triển khai nhân rộng việc áp dụng ISO 45001 vào các doanh nghiệp khác.
Để hỗ trợ các tổ chức/doanh nghiệp trong việc xây dựng, áp dụng và duy trì hiệu lực hệ thống quản lý OH&S trên diện rộng, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trong khuôn khổ dự án 3 “Tăng cường an toàn, vệ sinh lao động”, nên có các giải pháp đẩy mạnh việc áp dụng và hỗ trợ các tổ chức/ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý theo ISO 45001, cũng như tăng cường mở các lớp huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động hỗ trợ người lao động, đặc biệt đối với người lao động đang làm việc trong các ngành nghề có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, công việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm.
Cùng với đó, để tạo điều kiện cho các tổ chức chứng nhận tại Việt Nam nâng cao năng lực và đạt được các chuẩn mực quốc tế, cũng như tạo niềm tin đối với các khách hàng quốc tế, đề nghị các các cơ quan hữu quan có hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể hơn về việc thừa nhận lẫn nhau kết quả chứng nhận hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (OH&S) – ISO 45001 trong thời gian tới./.
Theo chatluongvacuocsong.vn