Loại trừ trường hợp sản phẩm hết hạn sử dụng thì vận chuyển, bảo quan, thời tiết, nhiệt độ, ánh nắng… là những yếu tố có tác động rất lớn đến việc bảo quản thực phẩm. Thông thường, nhiệt độ nóng, ẩm khiến thức ăn dễ bị ôi, thiu. Riêng thực phẩm dạng nước như sữa thì dễ bị kết tủa, đóng váng. Do đó, nhiệt độ phòng và nơi bảo quản là yếu tố quan trọng để tránh “dị vật” hình thành trong sữa.
Thói quen vận chuyển và bảo quản sản phẩm không đúng phương pháp có thể dẫn đến hiện tượng phồng, chua với bất cứ sản phẩm sữa tươi tiệt trùng nào.Trên thực tế, thực phẩm nhanh hư hỏng hay nhiễm khuẩn là do phương pháp chế biến và bảo quản không đúng cách. Có nhiều phương pháp bảo quản thực phẩm truyền thống như ướp đường, ướp muối, ướp lạnh, làm khô, lên men, muối chua, xông khói, nấu chín… Những phương pháp này tuy có thể giúp kéo dài hạn dùng nhưng phần nào làm thay đổi tính chất sản phẩm, thời gian bảo quản cũng bị hạn chế.
Ngày nay, nhờ những phát minh khoa học, công nghệ mới, các nhà sản xuất có thể kéo dài hạn sử dụng thực phẩm hiệu quả mà không cần dùng tới chất bảo quản.Trong ngành sữa, đó là công nghệ chế biến và đóng gói tiệt trùng UHT. Công nghệ này đã được ứng dụng rộng rãi trên toàn thế giới trong hơn 60 năm qua, nó giúp loại bỏ hoàn toàn các vi sinh vật có hại, vốn là tác nhân gây hỏng sản phẩm. Tuy nhiên, khi được lưu thông và phân phối trên thị trường việc bảo quản sản phẩm đúng cách sẽ giúp ngăn chặn các tác động bất lợi từ bên ngoài sản phẩm, gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Như vậy, chất lượng của sữa tươi tiệt trùng được đảm bảo nhờ ba yêu tố: Công nghệ tiệt trùng; Bao bì tiệt trùng; và Quá trình lưu trữ bảo quản sản phẩm.
Công nghệ tiệt trùng: Nguyên tắc căn bản của công nghệ chế biến tiệt trùng UHT là gia nhiệt sản phẩm ở khoảng 136-140 độ C trong thời gian ngắn (4-6 giây) rồi làm nguội nhanh ở nhiệt độ từ 20-25 độ C. Quy trình xử lý nhiệt cực nhanh này đã giúp tiêu diệt hết vi khuẩn có hại, đồng thời giữ lại tối đa các chất dinh dưỡng và mùi vị tự nhiên của sữa. Toàn bộ quá trình từ chế biến, đóng gói đều diễn ra tự động, trong môi trường tiệt trùng hoàn toàn.
Bao bì sữa tiệt trùng được làm từ chất liệu an toàn cho phép dùng trong thực phẩm, kết cấu chắc chắn để đạm nhiệm chức năng bảo vệ tối đa chất lượng sản phẩm, ngăn tối đa sự xâm nhập và tác động của môi trường bên ngoàinhư ánh sáng, nhiệt độ …(vốn là tác nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng sữa), ngăn không cho vi khuẩn từ không khí xâm nhập vào (tác nhân gây hỏng sữa).
Điều kiện bảo quản và vận chuyển: Ở các nước phát triển, điều kiện bảo quản và vận chuyển được quan tâm hàng đầu nên hầu như chất lượng sữa được duy trì khá tốt, ít xảy ra các hiện tượng hỏng sản phẩm do các tác nhân bên ngoài. Tuy nhiên, Theo tiến sĩ Bozena Malmgren, chuyên gia Kỹ Nghệ Cao Cấp (Thụy Điển) thì ở các nước đang phát triển, điều kiện cơ sở hạ tầng, đường sá, hậu cần, bảo quản còn yếu kém, có thể diễn ra tình trạng bao bì bị vỡ, nứt, biến dạng (nhiều khi mắt thường không thấy được) vi khuẩn tái nhiễm vào sản phẩm. Hoặc việc để sữa ngoài nắng, mưa, xếp lớp sai quy định, quăng quật thùng sữa khi vận chuyển, bảo quản không đúng cách dẫn đến hộp sữa bị côn trùng gặm nhấm… cũng khiến bao bì bị hư hỏng. Điều đó giải thích vì sao tình trạng hỏng chỉ xuất hiện ở một sản phẩm hoặc một lốc đơn lẻ.
Do vậy, là một người tiêu dùng thông minh, bạn hãy lựa chọn những sản phẩm có thương hiệu, có nguồn gốc rõ ràng, không vì một vài trường hợp cá biệt mà từ chối lựa chọn những sản phẩm tốt cho bản thân và gia đình mình. Người tiêu dùng cần lưu ý khi mua các loại sữa tươi tiệt trùng bạn cần chú ý đến thời gian sản xuất hay hạn sử dụng (hãy chọn sữa có hạn sử dụng càng dài càng tốt). Ngoài ra cũng cần xem kỹ để đảm bảo hộp sữa còn nguyên vẹn, không bị méo mó, không phồng, gỉ, hoặc vết lõm, thủng lỗ. Phải chọn những cửa hàng bày bán sữa ở nơi thoáng mát, không bày trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Sữa hộp, dù có lớp áo chắc chắn, chịu lực tốt, có lớp nilông bọc bên ngoài, vi khuẩn khó xâm nhập… nhưng nếu đem phơi nắng vài ngày thì hoàn toàn có thể bị biến chất. Sữa chứa trong bịch giấy thì càng dễ hỏng hơn nữa. Vì vậy nếu đại lý bán bảo quản không tốt như đặt sữa bên ngoài hay trong nhà nhưng bị nắng trực tiếp chiếu vào; đặt quá nhiều thùng sữa chồng lên nhau hay nhiều thùng sản phẩm khác chồng lên thùng sữa; vỏ hộp, vỏ thùng sữa có dấu vết xây xát, móp méo… thì không nên mua. Về phía người tiêu dùng, trong những trường hợp phát hiện sữa có biểu hiện như trên cần liên hệ ngay vào đường dây nóng trung tâm chăm sóc khách hàng của Công ty sữa trước hết sẽ được đổi lại sản phẩm mới, sau đó là giúp các nhà sản xuất tìm ra “thủ phạm” gây hỏng sữa vì trước khi xuất xưởng, các mẫu kiểm tra đều được lưu giữ cho đến hết vòng đời sản phẩm.
Hà Thanh