Chúng ta hợp tác cùng nhau để đẩy nhanh Chương trình nghị sự 2030, với các tiêu chuẩn phục vụ các Mục tiêu Phát triển Bền vững và Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn - đó là định hướng hoạt động nhằm Kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn Thế giới 14-10.
Các Mục tiêu Phát triển Bền vững, nhằm giải quyết sự mất cân bằng xã hội, phát triển nền kinh tế bền vững và làm chậm tốc độ biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trong vòng hai năm trở lại đây và đặc biệt trong giai đoạn hiện nay cả thế giới đang phải gồng mình chống lại đại dịch Covid-19 đã làm cho các mục tiêu trên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngày nay, cuộc chiến chống Covid-19, trên bình diện mỗi quốc gia đang được điều chỉnh để vừa đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế, vừa đảm bảo chống dịch thành công.
Ở Việt Nam, những nền móng cho sự phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo tốt công tác phòng chống đại dịch Covid-19 đã được xác định. Bên cạnh việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế trong nước đa dạng và năng động, chúng ta đã và đang là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA). Có thể nói, trong vòng 20 năm trở lại đây, Đảng và Nhà nước đã tạo được nhiều cơ hội để nền kinh tế của Việt Nam phát triển và hội nhập. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế lớn đó cần có sự đóng góp lớn hơn nữa của lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng. Nhân Kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn Thế giới, xin nêu mấy nhận thức về tiêu chuẩn và nguồn nhân lực tương thích trong thời đại 4.0 dưới đây.
Trong thời đại 4.0, khả năng chuyển đổi nhanh và có hệ thống các phát hiện và ý tưởng mới thành các sản phẩm, các quy trình và dịch vụ là các yếu tố quyết định đối với khả năng cạnh tranh của mỗi nền kinh tế; quá trình số hóa đang diễn ra mạnh mẽ và làm thay đổi nhiều ngành công nghiệp và thị trường ở cấp độ cao. Bên cạnh đó, các vấn đề toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu và thay đổi nhân khẩu học cũng đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Điều này đặt ra những thách thức to lớn cho nhiều nhiều ngành sản xuất, nhiều công ty và cho toàn xã hội; tạo ra áp lực mạnh mẽ cho sự đổi mới và chuyển đổi trên toàn thế giới. Để đáp ứng được các đòi hỏi đó, tiêu chuẩn phải đóng vai trò như là chất xúc tác cho những đổi mới, và giúp đưa ra các giải pháp nhanh chóng hơn trên thị trường. Việc kết hợp các khía cạnh sáng tạo vào các tiêu chuẩn có thể mang lại thành công của thị trường. Theo đó, những đổi mới và mở rộng liên kết giữa các ngành sản xuất, làm tăng chuỗi giá trị của sản phẩm sẽ ngày càng trở nên quan trọng trong việc chiếm lĩnh thị trường và khách hàng.
Trong thời đại 4.0, cách tiếp cận thông tin chất lượng sản phẩm, cách giao tiếp mua bán sản phẩm đã thay đổi và trở nên nhanh chóng hơn bao giờ hết. Như vậy, muốn sản phẩm không bị bỏ lại phía sau, muốn chiếm lĩnh các thị trường thì việc duy trì tiêu chuẩn trong sản xuất phải là khâu then chốt. Duy trì và áp dụng tiêu chuẩn được thực hiện xuyên suốt từ nguyên liệu, máy móc, quy trình sản xuất, quy trình kiểm tra đánh giá sản phẩm, bao gói và cho đến quy trình giao bán sản phẩm. Trong các công đoạn đó, con người đóng vai trò quyết định, họ phải tương thích với tiêu chuẩn và phải đạt chuẩn trong mọi khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Bởi lẽ, tiêu chuẩn đem lại những lợi ích sau:
- Tiêu chuẩn giúp xác định các giao diện và các yêu cầu tương thích của sản phẩm nhanh nhất. Trong thế giới mạng ngày nay, các giao diện sản phẩm, thông tin về đặc tính và khả năng tương thích của sản phẩm đến với khách hàng trên phạm vi toàn cầu rất rõ ràng và nhanh chóng. Do vậy, tiêu chuẩn sẽ đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết, vì nó như là chất xúc tác gắn kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng nhanh nhất, bởi quy tắc chuẩn hàng hóa ngày nay đơn giản hơn: một tiêu chuẩn - một thử nghiệm - được chấp nhận ở mọi nơi. Sự gắn kết giữa nhà sản xuất và nhà cung cấp hàng hóa xuyên biên giới phải đảm bảo rằng, trong thời đại 4.0, sản phẩm phải đến được thị trường và người tiêu dùng nhanh nhất. Có thể nói, người nào không quan tâm đến tiêu chuẩn có thể nhanh chóng bị loại khỏi thị trường.
- Tiêu chuẩn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường. Các tiêu chuẩn là ngôn ngữ toàn cầu của công nghệ, làm giảm các rào cản kỹ thuật trong thương mại và tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển tự do của hàng hóa. Tiêu chuẩn đóng vai trò là cánh cửa và thúc đẩy xuất khẩu: Tiêu chuẩn Châu Âu (EN) mở ra khả năng tiếp cận thị trường chung Châu Âu, tiêu chuẩn quốc tế (ISO) mở ra khả năng tiếp cận thị trường thế giới.
- Tiêu chuẩn giúp tiết kiệm chi phí. Các tiêu chuẩn cho phép cải thiện hiệu quả và tiết kiệm chi phí trên tất cả các bộ phận của một công ty, từ nghiên cứu và phát triển, thiết kế quy trình, mua hàng, sản xuất, chất lượng và kỹ thuật hệ thống. Các tiêu chuẩn cũng nhằm hợp lý hóa và giảm chi phí sản xuất, do đó đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về các dịch vụ chi phí thấp, trong khi đó vẫn duy trì chất lượng hàng hóa tốt.
- Tiêu chuẩn nâng cao tính an toàn của sản phẩm. Các tiêu chuẩn xác định chất lượng và các yêu cầu tối thiểu trong sản xuất, cung cấp các giải pháp được công nhận để bảo vệ người tiêu dùng (sức khỏe, an toàn) và bảo vệ môi trường. Bằng cách tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn, nguy cơ xảy ra rủi ro được giảm thiểu một cách rõ ràng, từ đó góp phần quan trọng vào việc bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng và người lao động.
- Tiêu chuẩn giảm thiểu rủi ro trách nhiệm pháp lý của sản phẩm. Các tiêu chuẩn cung cấp các thuộc tính của một sản phẩm một cách rõ ràng, và cung cấp các nguyên tắc công nghệ sản xuất rõ ràng và được công nhận. Trong sản xuất, việc tham chiếu đến các tiêu chuẩn làm tăng tính chắc chắn về mặt pháp lý của sản phẩm. Việc tham chiếu các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn châu Âu hoặc tiêu chuẩn quốc tế ghi trong các luật, pháp lệnh và quy định của mỗi quốc gia ngày càng trở nên phổ biến nhằm điều chỉnh tiêu chuẩn cho phù hợp với tình trạng phát triển kỹ thuật mới nhất đang được đưa vào áp dụng.
Để có được các lợi ích mà tiêu chuẩn đem lại cho nền kinh tế trong thời đại 4.0, nguồn lực trong lĩnh vực này cần phải thích ứng với yêu cầu thời đại đặt ra.
Về nguồn lực con người:
Thứ nhất, họ phải có kiến thức, kỹ năng và thái độ chuẩn mực trong thực hiện triển khai và áp dụng tiêu chuẩn; họ phải có phẩm chất cá nhân trung thành, trung thực, có ý chí và khát vọng cống hiến. Trên cơ sở cọ sát, áp dụng thực tế các tiêu chuẩn hình thành nên những tư duy, ý tưởng và tầm suy nghĩ phù hợp với nền sản xuất hàng hóa mang tính toàn cầu. Trong đó hàng hóa phải kết tinh các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, an toàn sức khỏe, bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ, minh bạch thông tin hàng hóa và công nghệ sản xuất.
Thứ hai, họ phải có năng lực làm việc theo nhóm, biết phối hợp và cộng tác trong trong triển khai và áp dụng tiêu chuẩn. Làm được điều đó sẽ chống rủi ro mang tính pháp lý của sản phẩm; đảm bảo an toàn và chất lượng cho sản phẩm; tạo ra sản phẩm hàng hóa mới. Làm được như vậy sẽ từng bước phát hiện ra các yếu tố mới và nâng cấp tiêu chuẩn nhằm đáp ứng chuỗi giá trị của thị trường, tạo sự khác biệt của sản phẩm và dần nâng cấp chất lượng hàng hóa, từ chỗ chỉ có giá trị sản phẩm lõi truyền thống thành những sản phẩm thông minh, sản phẩm đạt được sự kỳ vọng ngày càng cao của người tiêu dùng. Làm được như vậy, Việt Nam mới có thể tạo ra được các sản phẩm hàng hóa mới, độc đáo của chính mình.
Thứ ba, họ luôn phải nhận thức rằng, mỗi cá nhân tự nâng cao năng lực sẽ góp phần nâng cao năng lực của tổ chức. Muốn vậy họ phải luôn được cập nhật kiến thức và công nghệ mới nhằm làm cho tiêu chuẩn luôn sống động, đổi mới và vượt trước giúp tạo ra những sản phẩm mới có giá trị tuyệt vời đối với người tiêu dùng, giúp nhà sản xuất chinh phục thị trường và người tiêu dùng.
Về nguồn lực cơ chế, chính sách:
- Nhà nước cần có cơ chế thúc đẩy, hỗ trợ mạnh hơn để các tổ chức thử nghiệm, các doanh nghiệp, các trường đại học, các viện nghiên cứu, và cả các cá nhân tích cực tham gia hơn vào hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc tế. Cơ chế tạo ra nhằm mục tiêu hoàn thiện và bổ sung thêm các tiêu chuẩn quốc gia còn thiếu, đặc biệt là các tiêu chuẩn cho hoạt động thử nghiệm, thử nghiệm mới để tránh bị động và miễm nhiễm trước rào cản thương mại. Muốn vậy các tiêu chuẩn được xây dựng phải tiếp cận được với các tiêu chuẩn quốc tế.
- Các cơ quan quản lý nhà nước cần sử dụng Tiêu chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn quốc tế được viện dẫn trong các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để thực hiện công tác quản lý nhà nước nhằm đảm bảo tính minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
- Do tính đa dạng và tính chuyên sâu của các tiêu chuẩn, nên nhà nước cần huy động đội ngũ trí thức làm việc trong các hội nghề nghiệp tham gia xây dựng tiêu chuẩn; Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam (Vinalab) là một trong số các hội đó. Hội Vinalab có hàng trăm phòng thử nghiệm, đa dạng về đối tượng thử nghiệm, nên việc tham gia xây dựng, góp ý cho tiêu chuẩn, triển khai áp dụng tiêu chuẩn có vai trò quan trọng đối với hoạt động nghề nghiệp của Hội. Bởi lẽ, Hội luôn cần có các tiêu chuẩn thử nghiệm phù hợp, kịp thời và đồng thuận nhằm góp phần đảm bảo chất lượng hàng hóa có mặt trên thị trường trong nước và quốc tế nhanh nhất. Để có những đóng góp lớn hơn trước yêu cầu của nền kinh tế hội nhập và mở cửa, Hội Vinalab mong được góp phần xây dựng chính sách, xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn thử nghiệm tương thích với tiêu chuẩn quốc tế, nhằm gắn kết nền kinh tế Việt Nam với thế giới trong thời đại 4.0.
Nhân kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn Thế giới 14 tháng 10, xin được chia sẻ một số suy nghĩ về lĩnh vực này. Xin chúc đội ngũ cán bộ, viên chức làm việc trong lĩnh vực tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công; đóng góp có hiệu quả vào sự phát triển kinh tế Việt Nam thời kỳ hội nhập toàn cầu, mở rộng tự do hóa thương mại, hướng tới sự phát triển bền vững. Hy vọng rằng tất cả chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn.
PGS.TS Đỗ Quang Huy-Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Vinalab