Quy chuẩn

Cách vệ sinh các vật dụng chứa nhiều vi khuẩn trong nhà

10 năm trước

Bạn nên hơ thớt trên bếp gas, giảm diện tích tiếp xúc giữa tay và nắm cửa, rửa sạch tay và vệ sinh các vật dụng chứa nhiều vi khuẩn trong nhà.

Cách vệ sinh các vật dụng chứa nhiều vi khuẩn trong nhà
Tiền, khẩu trang, tay nắm cửa, bàn phím máy tính, điện thoại, remote tivi, ga trải giường, micro karaoke... là những vật dụng chứa nhiều vi khuẩn nhất. Chúng có thể xâm nhập cơ thể qua da, đường hô hấp và tiêu hóa nếu bạn không cảnh giác.

Vệ sinh điện thoại di động

Điện thoại di động là nơi trú ngụ lý tưởng của vi khuẩn. Tờ Mashables cho biết, cứ 2,54 cm2 điện thoại thì có 25.000 vi khuẩn ẩn nấp. Con số này nhiều gấp 10 lần so với bồn vệ sinh, cao hơn cả 5 vật dụng "bẩn" nhất: bồn cầu, giẻ lau bếp, bát đựng thức ăn thú cưng, màn hình điểm danh nơi công sở và tay nắm cửa.

Để loại bỏ các vi khuẩn có hại, bạn nên từ bỏ thói quen "ôm ấp" điện thoại cả ngày, thường xuyên lau chùi màn hình cảm ứng và bàn phím bằng khăn mềm.

Tiền

Tiền là kẻ truyền bệnh "ngọt ngào" nhất. Trao tay qua nhiều người, từ người bán thịt, cá cho đến chủ cửa hàng rau củ… chúng ẩn chứa hàng loạt vi khuẩn gây mụn trứng cá, tả, thương hàn… Trong các loại tiền, tiền giấy là bẩn nhất do đặc tính thấm hút và lưu giữ vi khuẩn cao. Tiền polyme chứa ít vi khuẩn hơn vì không thấm nước.

Những người thường xuyên đếm tiền như nhân viên ngân hàng, chủ kinh doanh, thu ngân... nên thường xuyên rửa tay sạch bằng các chất tẩy rửa an toàn. Đồng thời, hạn chế thói quen vừa đếm tiền, vừa đưa tay lên miệng.

Vệ sinh thớt

Một số nghiên cứu cho thấy lượng vi khuẩn ở thớt nhiều gấp 200 lần vi khuẩn trên bệ toilet. Bạn cần trang bị 2 chiếc thớt trong nhà, một chiếc để chặt, thái đồ sống và chiếc khác dành cho đồ chín. Cần cọ rửa kỹ và làm khô thớt sau khi rửa. Đối với thớt thái thực phẩm nấu chín, rau củ ăn sống... bạn có thể tẩy sạch bằng nước chanh hoặc hơ thớt trên bếp gas nóng để tiêu diệt các vi khuẩn còn sót lại.

Khẩu trang

Vi khuẩn có thể "nội xuất, ngoại nhập" vào cơ thể bạn qua chiếc khẩu trang. Đặc biệt là những loại khẩu trang không có nguồn gốc rõ ràng. Ngoài việc chọn mua khẩu trang y tế có chất lượng, thay mới hoặc giặt hàng ngày, chị em nên bỏ thói quen cất chúng trong cốp xe, ho và hắt xì khi vẫn đang đeo khẩu trang.

Vệ sinh micro hát karaoke

Kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur TP HCM mới đây phát hiện thấy, có 41.000 con nấm men trên một mẫu micro. Hai mẫu còn lại cũng phát hiện thấy sự hiện diện dày đặc của vi khuẩn. Bạn nên vệ sinh tay cầm micro, tránh đặt micro gần sát miệng mỗi lần vui hát.

Bàn chải đánh răng

Với tần suất sử dụng 2 – 3 lần một ngày và ảnh hưởng từ môi trường nhà tắm, nhà vệ sinh ẩm thấp, bàn chải chứa hàng triệu con vi khuẩn như E.coli, Candida... Bàn chải bẩn dễ gây viêm nhiễm nướu.

Vì vậy, bạn nên rửa bàn chải bằng nước nóng trước khi đánh răng, thay bàn chải mới định kỳ 3 tháng một lần.

Ga trải giường, ghế sofa

Đây là nơi hứng chịu nhiều loại vi khuẩn và có nguy cơ cao lây lan các bệnh về hô hấp, da liễu, phụ khoa... Đối với ga trải giường, chị em nên giặt thường xuyên mỗi tháng một lần, phơi khô dưới nắng. Riêng với sofa, bạn có thể dùng dung dịch tẩy rửa đối với chất liệu da, máy hút bụi với vải hoặc thuê dịch vụ giặt sofa tại nhà với giá 200.000 - 400.000 đồng.

Các vật dụng ít được vệ sinh khác

Bàn phím máy tính lâu ngày không vệ sinh có lượng vi khuẩn nhiều gấp 5 lần bồn cầu toilet và vượt quá 150 lần mức cho phép trên cơ thể người. Ngoài ra, tay nắm cửa, vòi nước, tay nắm cầu thang, công tắc đèn, nút bấm thang máy, remote tivi... cũng tích tụ nhiều mầm bệnh qua thời gian.
Hầu hết lượng vi khuẩn đều đi vào cơ thể qua đôi bàn tay. Bên cạnh việc vệ sinh các vật dụng thường bị "bỏ bê" này, bạn nên giữ nguyên tắc rửa sạch tay sau khi cầm nắm và trước khi ăn.


Các bài viết khác