Quy chuẩn

Thương mại điện tử: Nhiều rủi ro và thiệt thòi cho NTD

12 năm trước

Thông tin và quảng cáo về doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ thông qua: website, email, SMS, vô tuyến truyền hình và đài phát thanh, mà người mua, khách hàng không tiếp cận trực tiếp với doanh nghiêp, người kinh doanh, cũng như hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đó cung cấp.

Thương mại điện tử: Nhiều rủi ro và thiệt thòi cho NTD
Việc đặt mua hàng hóa, dịch vụ được thực hiện thông qua website, thư điện tử, SMS, fax, hoặc gọi điện đến số điện thoại do doanh nghiệp cung cấp.

Việc giao hàng cho khách hàng được thực hiện bằng việc công ty chuyển trực tiếp đến người mua; hoặc thực hiện thông qua công ty chuyển phát.

Việc thanh toán tiền hàng được doanh nghiệp yêu cầu: chuyển tiền vào tài khoản chỉ định (của doanh nghiệp, hay cá nhân) trước khi giao hàng, hoặc thanh toán trực tiếp cho người đưa hàng (người do công ty bán hàng ủy nhiệm, hoặc người chuyển phát hàng).

Nhiều rủi do và thiệt thòi cho người tiêu dùng khi tham gia mua hàng của nhiều công ty kinh doanh “điện tử”:

Bà Đỗ Thị Diệu Thúy, Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội mua hàng của Công ty CP nhãn hiệu quốc tế BrandsFavor, phòng 1311, tầng 13, Kumho Asiana Plaza, 39 Lê Duẩn, Q.1, TP.HCM, bán hàng qua mạng. Bán kính nhãn hiệu Egon von Furstenberg sunglasses, Model EF3221 C4 của Ý rởm. Đã yêu cầu BrandsFavor hoàn trả lại tiền. Chỉ sau nhiều lần đề nghị và khiếu nại BrandsFavor mới thực hiện trả tiền, nhưng không có giải trình về nguồn gốc loại kính đã bán cho khách hàng.

Kém may mắn hơn bà Thúy, ông Nguyễn Xuân Hiệp, công an tỉnh Bắc Ninh, mua qua mạng đồng hồ Lancaster cũng của công ty Thương hiệu quốc tế BrandsFavor. Khi giao hàng thì sản phẩm bị xớc mặt, sản phẩm thì không đúng về chất lượng. Cũng khiếu nại nhiều lần, cuối cùng vì quá mệt mỏi chấp nhận nhận lại chỉ một nửa số tiền.

Bà Lý Hiền Nhu, Q.9, TP.HCM mua hàng của Công ty TNHH Đông Dương An, 301 Trần Hưng Đạo, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM. Công ty bán hàng qua mạng http://kittyworld.com.vn, công bố hàng chính hãng từ Nhật, Mỹ, nhưng thực khi nhận lại là hàng nhái nhãn mác Kitty World, chất lượng tồi, không an toàn. Địa chỉ công ty công bố ở 301 Trần Hưng Đạo, Q.1, Văn phòng ở 57-59 Hồ Tùng Mậu, P. Bến Nghé, Q.1, thực tế ở số nhà 107, chung cư Tân Sơn Nhì, hẻm 80, đường Ba Vân, P.14, Q. Tân Bình. Qua khiếu nại bà Nhu cho rằng đây là một công ty lừa đảo.

Anh Hà Hữu Lịch, TX Bắc Kạn, Bắc Kạn, mua điện thoại của công ty CPTM Thành Phương, số nhà 20 ngõ 97 Nguyễn Ngọc Nại, Thanh Xuân, Hà Nội, quảng cáo bán hàng qua kênh VTC10. Khi quảng cáo, điện thoại chất lượng giống Iphone 4, nhưng khi bán thì là điện thoại chỉ nghe nói thông thường, kém chất lượng, có xuất xứ TQ. Bán hàng không hóa đơn chứng từ, nhãn mác, không địa chỉ rõ ràng, chỉ khi người mua nhận hàng, trước khi trả tiền yêu cầu cung cấp địa chỉ thì công ty mới cung cấp. Khi khiếu nại, yêu cầu trả lại tiền, bà Hoàng Thị Loan, đại diện công ty có thái độ từ chối, lẩn tránh. Nhưng với thái độ rõ ràng của VPTVKN công ty buộc chấp nhận thanh toán lại tiền, nhưng yều cầu người khiếu nại mang hàng đến trả lại tận nơi. Người khiếu nại chấp nhận, nhờ VPTVKN hỗ trợ chuyển hàng cho Công ty CPTM Thành Phương. Công ty đã nhận lại sản phẩm và trả lại tiền cho anh Lịch.

Anh Nguyễn Hồng Thái, khu 8 Đại Thịnh- Mê Linh – Hà Nội mua điện thoại rada của Công ty TNHH Kim Ngọc Châu, 275A Khuông Việt, P.Phú Trung, Q. Tân Bình, quảng cáo trên kênh Today TV. Khi quảng cáo có nhiều tính năng tốt, nhưng khi đặt mua và sử dụng sản phẩm không như quảng cáo và gọi điện thoại bảo hành thì không trả lời.

Ông Nguyễn Hữu Hải, thị trấn Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn mua điện thoại qua trang web của Trung tâm di dộng online. Điện thoại di động Sam Sung Galaxy N 7000 bán qua công ty chuyển phát nhanh Tín Thành. Khi đặt mua là hàng sách tay Hàn Quốc nhưng sau khi trả tiền và nhận hàng thì hàng lại là hàng Trung Quốc. Đã chuyển thông tin khiếu nại cho công ty chuyển phát nhanh Tín Thành xem xét hỗ trợ giải quyết. Khiếu nại nhiều và mệt mỏi cuối cùng ông Hải cũng đành chấp nhận chịu thiệt thòi.

Anh Trần Trung, Vũ Thạnh, Đống Đa, Hà Nội mua sản phẩm đàn thương hiệu Manuel Rodriguez Norman Rodriguez Jr.Flameco Guitar; nhà cung ứng Music123 tại Mỹ, nhà sản xuất Manuel Rodriguez qua web: Ebay.vn – Công ty CP giải pháp phần mềm Hòa Bình. Khi nhận hàng, đàn bị lỗi rất nặng. Khi khiếu nại, nhà cung ứng bên Mỹ đồng ý hoàn trả 100% sồ tiền hàng và chi phí vận chuyển trong nước Mỹ cho anh Trung. Tuy nhiên, eBay không hoàn trả chi phí dịch vụ (386,1USD). Ngoài ra NTD con chịu thiệt 6.000.000 đồng gửi đàn trả lại người bán.

Anh Phạm Duy Tân, Tuệ Tĩnh, TP. Hải Dương, 0977537372 mua điện thoại qua mạng giá 3,6 triệu Công ty TNHH Đức Minh – Đức Minh Mobile. Đã thanh toán qua chuyển khoản nhưng nhận được điện thoại không phải hàng đặt mua mà là hàng nhái có xuất sứ từ Trung Quốc có giá trị thấp hơn rất nhiều so với tiền mua. Đã gọi lại cho công ty nhưng không liên lạc được, công ty có dấu hiệu lừa đảo.

Anh Bùi Anh Đức, Hà Nội, mua nước hoa nhãn hiệu Euphoria theo trang website nhóm của 168 group. Nước hoa dởm, chưa mở nắp nhưng bên trong nước hoa toàn bụi, đất và những chất sơ giống như sợi vải. Khiếu nại không thấy ai trả lời.

Chị Nguyễn Thị Thảo Nguyên, Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh, mua 8 Voucher nghỉ dưỡng tại Bàu Mai Resort - Phan Thiết của công ty qua Website: nhommua.com. với giá trị là 4.720.000đ. Nhân viên công ty nhommua.com đã giao hàng và nhận đủ số tiền của khách hàng, nhưng khi chị Thảo gọi điện đặt phòng, Resort từ chối không nhận thanh toán từ 8 voucher trên của chi Thảo.

Anh Nguyễn Mai Lâm, Quế võ, Bắc Ninh, mua điện thoại Samsung S330 của công ty Thesun, 106/B8, Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân Bắc, Hà Nội, quảng cáo bán hàng trên VTC3. Điện thoại quảng cáo có máy ảnh 8MP, hệ điều hành Android 4.0 và có chương trình khuyến mại tặng tai nghe Bluetooth và một thẻ nhớ 4Gb. Bán giá rất đắt 2.599.000 đồng. Thực tế nhận hàng: Điện thoại không giấy tờ xuất xứ, không hóa đơn bán hàng, máy ảnh 0,3Mp, không tai nghe, không thẻ nhớ, hàng là hàng TQ, giá điện thoại tương tự chỉ 1.000.000 đồng.

Và còn rất nhiều các thí dụ khác nữa cho chúng ta thấy tổng hợp những biểu hiện của cách kinh doanh “Thương mại điện tử” do các công ty kiểu này tiến hành là:

Giấy tờ liên quan đến nguồn gốc xuất sứ, chất lượng hàng hóa thường không đầy đủ, không rõ ràng. Hàng hóa được cung cấp hầu hết không như quảng cáo và thông tin. Chất lượng hàng hóa kém, là hàng giả, hàng nhái, xuất sứ Trung quốc;

Chứng từ bán hàng (hóa đơn bán hàng) thường không có, không đúng theo qui định của pháp luật, hoặc không đầy đủ.

Khi khiếu nại, bằng mọi cách công ty lẩn tránh, từ chối. Nếu buộc phải nhận lại hàng, công ty tìm mọi cách trì hoãn gây mệt mỏi và thiệt hại lớn cho NTD;

Người viết bài này qua thực tế tiếp nhận, tư vấn hỗ trợ giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng mong muốn gửi kiến nghị đến các nhà quản lý nhà nước, nhà cung cấp dịch vụ điện tử trung gian và người tiêu dùng:
Nhà nước cần xây dựng và thực thi các biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động thương mại điện tử;

Các nhà cung cấp dịch vụ trung gian: nhà mạng, TV, đài phát thanh, cũng phải tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm về các thông tin đưa đến cho NTD;

Người tiêu dùng hãy thận trọng, tìm hiểu thật kỹ về hàng hóa và doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Khi tham gia giao dịch và trước khi nhận hàng, phải biết chắc hàng hóa đó có nguồn gốc xuất sứ, chất lượng đích thực như mong muốn. Quá trình giao nhận yêu cầu doanh nghiệp cung cấp đầy đủ chứng từ hàng hóa và hóa đơn bán hàng theo quy định. Tránh tự mình chuốc thiệt hại cho bản thân.


Các bài viết khác