Hiện nay, việc sản xuất và sử dụng nhựa, đặc biệt là nhựa sử dụng một lần đang ngày càng trở nên không bền vững đến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa gây ảnh hưởng tiêu cực ngày càng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và sức khỏe của chúng ta.
Ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL, Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Ban hành tiêu chuẩn cụ thể cho các sản phẩm đồ nhựa và túi nilon thân thiện với môi trường
Hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa của Chính phủ và Ngày Quyền Người tiêu dùng Thế giới (15/3) của Tổ chức người tiêu dùng Quốc tế (CI) với chủ đề “Ngăn ngừa ô nhiễm nhựa”. Nhằm nâng cao nhận thức xã hội về sản xuất và tiêu dùng nhựa bền vững góp phần bảo vệ môi trường và cộng đồng. Để giải quyết vấn đề này, nhiều tổ chức quốc tế, khu vực và quốc gia trên thế giới đang có nhiều hoạt động đa dạng nhằm chung tay giảm thiểu ô nhiễm nhựa trên phạm vi toàn cầu, Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức Hội thảo “Sản xuất và sử dụng bao bì nhựa thân thiện với môi trường”.
Phát biểu tại Hội thảo “Sản xuất và sử dụng bao bì nhựa thân thiện với môi trường”, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam, ông Trần Văn Vinh nhấn mạnh, nhựa và các sản phẩm đồ nhựa hiện nay đang là vật dụng hết sức hữu ích, tiện lợi trong cuộc sống của con người. Tuy nhiên, có một thực tế là việc tiêu thụ, sản xuất đồ nhựa của các nước trên thế giới đặc biệt là việc nhựa sử dụng một lần chưa bền vững và hợp lý dẫn đến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn cầu.
“Ô nhiễm nhựa ảnh hưởng đến hệ sinh thái, sức khỏe của chúng ta và đang là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà cả hành tinh phải đối mặt. Điều này đặc biệt quan trọng khi chúng ta tiếp tục thấy được những tác động của ô nhiễm nhựa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tiếp diễn. Cụ thể là sự gia tăng sử dụng các sản phẩm dùng một lần như khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ y tế…”, ông Trần Văn Vinh cho hay.
Tại Việt Nam, ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có thư kêu gọi toàn xã hội chung tay hành động giải quyết các vấn đề về rác thải nhựa. Ngày 20/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý nhựa đã qua sử dụng nhằm giảm thiểu phát thải nhựa ra môi trường.
Hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp nghiệp sản xuất kinh doanh, các tổ chức nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước giới thiệu, trao đổi kinh nghiệm và thảo luận các vấn đề liên quan đến sản xuất, kinh doanh, sử dụng đồ nhựa và quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; sản xuất, sử dụng bao bì nhựa theo hướng thân thiện môi trường, các giải pháp tiêu chuẩn để quản lý nhựa trong thời gian tới.
"Chúng ta sẽ phải ban hành tiêu chuẩn cụ thể cho các sản phẩm đồ nhựa và túi nilon để có thể sử dụng sản phẩm nhựa, túi thân thiện với môi trường. Đây cũng là giải pháp mà sắp tới chúng ta cần quan tâm và định hướng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng cùng tập trung vào vấn đề này. Chúng ta cũng cần có những cơ chế chính sách để khuyến khích sản xuất sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường, túi nilon thân thiện với môi trường”, ông Trần Văn Vinh nhấn mạnh.
Phát triển nhựa bền vững trong nền kinh tế tuần hoàn với mô hình 7R
Cùng phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam cho biết, mục tiêu bảo vệ môi trường trước những tác động tiêu cực của chất thải nhựa, cần thiết phải có các giải pháp quản lý tổng hợp từ chính sách, quy hoạch phát triển sản phẩm nhựa; giáo dục, tuyên truyền hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, tăng cường tái sử dụng và tái chế chất thải nhựa. Các giải pháp công nghệ - kỹ thuật là rất cần thiết, cần được khuyến khích, đầu tư, tạo điều kiện để có được các kết quả áp dụng vào thực tế.
Ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam chia sẻ
Phát triển nhựa bền vững trong nền kinh tế tuần hoàn với mô hình 7R, thông tin về vấn đề này, ông Trần Văn Học, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam cho rằng, trong nền kinh tế tuần hoàn, hoạt động về xử lý chất thải nhựa sẽ được giảm áp lực đi rất nhiều so với nền kinh tế tuyến tính do các hoạt động theo mô hình 7R đem lại các hiệu quả tích cực.
Mô hình 7R trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nhựa bao gồm: Rethink (thay đổi tư duy); Refuse (từ chối); Reduce (giảm); Reuse (tái sử dụng); Recycle (tái chế); Repair (Sửa chữa) và Replace (thay thế).
Theo đó, rethink (thay đổi tư duy) - người tiêu dùng có thể thay đổi tư duy về nhận thực đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên và tác động của chất thải nhựa đối với môi trường để thực hiện việc cân nhắc kiểm soát/phân loại rác thải nhựa, lựa chọn sử dụng các sản phẩm nhựa gia dụng và mỹ phẩm thiết yếu một cách bền vững hơn.
Ông Trần Văn Học, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ Thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam thông tin về mô hình 7R trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nhựa
Refuse (từ chối) – người tiêu dùng có thể từ chối các mặt hàng được đóng góp gói quá mức hoặc đóng gói bằng bao bì nhựa, từ chối chấp nhận hoặc hỗ trợ cho các sản phẩm, công ty gây hại cho môi trường, từ chối túi nilon của cửa hàng mà túi sử dụng nhiều lần của mình khi mua hàng.
Reduce (giảm) – người tiêu dùng chủ động giảm mức sử dụng năng lượng, sử dụng nước cùng với việc giảm rác thải, chất thải nhựa, nhựa.
Reuse (tái sử dụng) – người tiêu dùng có nhiều cách sử dụng các loại đồ vật dùng nhựa còn sử dụng được hoặc chia sẻ nó với người khác khi không cần.
Recycle (tái chế) – người tiêu dùng có thể tìm hiểu vật liệu nào có thể tái chế, thu gom, xử lý, phân loại rác thải nhựa để đưa đi tái chế, tham gia các chương trinhg tái chế do các tổ chức, cá nhân chủ trì.
Repair (sửa chữa) – sửa chữa hoặc thay linh kiện các vật dụng bị vỡ, hỏng để dùng lại và kéo dài tuổi thọ là một cách khác để giảm tiêu thụ vật liệu và tài nguyên thiên nhiên. Trước khi định vứt bỏ một món đồ, hãy xem xét các cách mà nó có thể được tái sử dụng hoặc sửa chữa.
Replace (thay thế) – có thể dử dụng các vật liệu thay thế cho nhựa ở những chỗ có thể hoặc thay thế các đồ nhựa sử dụng một lần bằng các sản phẩm có thể tái sử dụng là cách người tiêu dùng có thể làm để thực hiện Replace.
Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn với trọng tâm là sử dụng tài nguyên thiên nhiên có trách nhiệm và quản lý chất thải nhựa hiệu quả là vấn đề đang được các cấp, các ngành ở Việt Nam rất coi trọng và theo đuổi chiến lược phát triển bền vững dài hạn. Tuy nhiên, với yêu cầu phải xử lý chất thải không thể tái chế và nhu cầu về các công nghệ, thiết bị hỗ trợ cho hoạt động thu hồi, thu gom, phân loại, phân tách, phục hồi tài nguyên và sản xuất ra các sản phẩm nhựa tái chế vẫn là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam.
Đại diện doanh nghiệp sản xuất nhựa tham luận tại hội thảo, TS.Bùi Đức Trung, tập đoàn An Phát Holding nêu: "Hiện nay, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể đối với sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn ở nước ta còn khá hạn chế, mới chỉ có quy định TCVN13114:2020 cho vật liệu có khả năng tạo composite. Còn các sản phẩm phân giã oxo chưa có tiêu chuẩn cụ thể khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn với các sản phẩm phân hủy sinh học".
"Vì vậy, đại diện những doanh nghiệp sản xuất nhựa đề xuất Tổng cục Đo lường Chất lượng rà soát các TCVN hiện hành về các quy định liên quan đến sản phẩm từ nhựa phân rã, qua đó đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật, định nghĩa rõ ràng về sản phẩm, hàng hóa từ nhựa phân rã xox. Đồng thời kiến nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ khuyến khích nhân dân sử dụng các sản phẩm nhựa phân hủy sinh học bởi giá của nhựa phân hủy sinh học cao hơn giá nhựa thông thường, TS.Bùi Đức Trung cho hay.
Hồng Liên