Tiêu chuẩn

Kỷ niệm 54 năm Ngày Tiêu chuẩn Thế giới: Tiêu chuẩn phục vụ các Mục tiêu phát triển bền vững - Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn

1 tháng trước

Chiều ngày 14/10, tại Hà Nội, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia) tổ chức Lễ kỷ niệm 54 năm Ngày Tiêu chuẩn Thế giới (14/10/1970-14/10/2024) với chủ đề “Tiêu chuẩn phục vụ các Mục tiêu phát triển bền vững – Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn” với tiêu điểm là Mục tiêu phát triển bền vững số 9 – công nghiệp, đổi mới và hạ tầng bền vững trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI).

Kỷ niệm 54 năm Ngày Tiêu chuẩn Thế giới: Tiêu chuẩn phục vụ các Mục tiêu phát triển bền vững - Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn

Tham dự buổi lễ  có TS. Hà Minh Hiệp, Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia; ông Phùng Mạnh Trường, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam; ông Ngô Quý Việt, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; ông Vũ Văn Diện, nguyên Phó Tổng cục trưởng; lãnh đạo, cán bộ các đơn vị trực thuộc Ủy ban cùng các doanh nghiệp liên quan.

TS. Hà Minh Hiệp, Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia

Về phía Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam có ông Phó Đức Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký tham dự.

Ông Phó Đức Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam (Người ngồi giữa)

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Phùng Mạnh Trường khẳng định, mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc được xây dựng dựa trên và thay thế “Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ”, bắt đầu từ đầu thế kỷ 21, với nỗ lực toàn cầu không chỉ chống đói nghèo mà còn tập trung vào bình đẳng giới và quyền con người cho tất cả mọi người. Các mục tiêu phát triển bền vững bao gồm cả ba khía cạnh của phát triển bền vững về môi trường, kinh tế và xã hội trong bối cảnh con người, quan hệ đối tác, hòa bình, thịnh vượng và hành tinh.

Người tiêu dùng, chính phủ, nhà sản xuất và doanh nghiệp đều nhận rõ tác động của các hành động của mình và tầm quan trọng của tính bền vững. Các tiêu chuẩn cho phép doanh nghiệp đo lường chi phí, ảnh hưởng của các hoạt động và kết quả đạt được của mình. Điều này cuối cùng thúc đẩy doanh nghiệp, linh hoạt, nhạy bén và có trách nhiệm hơn, tuân thủ chặt chẽ hơn các nguyên tắc thúc đẩy tính bền vững.

Đồng thời, tiêu chuẩn cho phép chuyển các mục tiêu phát triển bền vững thành mục tiêu hoạt động có thể đạt được. Do đó, tiêu chuẩn được sử dụng như một khuôn khổ để triển khai và đạt được sự bền vững. Việc triển khai và thành công của các mục tiêu phát triển bền vững sẽ dựa vào tất cả các bên liên quan, bao gồm cả các cộng đồng những người làm công tác tiêu chuẩn hóa. Các tiêu chuẩn góp phần truyền tải nhanh chóng sự đổi mới, công nghệ mới và thúc đẩy thương mại toàn cầu, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, nhà cung cấp dịch vụ và chính phủ trên toàn thế giới.

Vì tiêu chuẩn được xem là công cụ tự nguyện và cung cấp các thực hành tốt nhất được chia sẻ rộng rãi, dựa trên sự đồng thuận của nhiều bên liên quan nên tiêu chuẩn cung cấp cơ sở nền tảng cho sự đổi mới phát triển và là công cụ quan trọng giúp ngành công nghiệp, người tiêu dùng và chính phủ đóng góp vào việc đạt được tất cả mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Phùng Mạnh Trường, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam

“Hàng năm, vào ngày 14 tháng 10, Ủy ban Kỹ thuật Điện quốc tế (IEC), Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) cùng nhau vinh danh những nỗ lực hợp tác của các chuyên gia trên toàn thế giới, những người đóng góp vào sự phát triển của các tiêu chuẩn quốc tế. Năm nay, chúng tôi rất vui mừng được tập trung vào vai trò của cộng đồng những người hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa trong việc tạo ra các tiêu chuẩn AI an toàn và bền vững.

Mục tiêu phát triển bền vững về công nghiệp, đổi mới sáng tạo và cơ sở hạ tầng tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng phục hồi, thúc đẩy công nghiệp hóa toàn diện và bền vững, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo. AI có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các Mục tiêu phát triển bền vững bằng cách đẩy nhanh tiến độ, cải thiện hiệu quả và đưa ra các giải pháp sáng tạo cho các thách thức toàn cầu.

Tiêu chuẩn chính là xương sống của tiến bộ toàn cầu. Tiêu chuẩn đảm bảo khả năng tương tác, an ninh và tính bền vững, thúc đẩy sự hợp tác toàn cầu để đẩy nhanh đổi mới thông qua AI. Cùng nhau, chúng ta có thể xây dựng một thế giới nơi cơ sở hạ tầng phục hồi, tăng trưởng công nghiệp bền vững và đổi mới tiên tiến – được thúc đẩy bởi trí tuệ nhân tạo và được hỗ trợ bởi các tiêu chuẩn quốc tế – thúc đẩy chuyển đổi kinh tế, ngày nay và cho các thế hệ tương lai”, ông Trường nhấn mạnh.

Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu được lắng nghe 3 bài tham luận của các chuyên gia xoay quanh vấn đề tiêu chuẩn phát triển bền vững, cụ thể: Bà Trần Thị Ngọc Anh – Trưởng phòng chứng nhận hệ thống, Trung tâm QUACERT với bài trình bày Tiến trình Trung hòa cacbon theo ISO 14068-1:2023 tại Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia; Bà Màn Thùy Giang – Trưởng phòng chứng nhận, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam với bài trình bày TCVN ISO 18091:2020 (ISO 18091:2019) hỗ trợ địa phương thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; Bà Huỳnh Thị Mỹ – Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam với bài trình bày Tổng quan ngành Nhựa Việt Nam và xu hướng phát triển bền vững.

Các chia sẻ nhận được sự quan tâm sâu sắc của các vị khách mời, nhiều câu hỏi được đặt ra và giải đáp ngay tại chương trình. Trong đó, nhiều doanh nghiệp cho biết, với quy mô của mình doanh nghiệp cần tiến hành kiểm kê khí nhà kính theo quy định của pháp luật, và Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia là đơn vị đầu ngành uy tín, đáp ứng được mọi yêu cầu từ phía doanh nghiệp mang đến sự tin tưởng và yên tâm cho doanh nghiệp. 

 

 


Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác