Tiêu chuẩn

Tiêu chuẩn trang bị phương tiện PCCC quán karaoke

1 năm trước

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy lớn tại các quán hát karaoke gây thiệt hại lớn về người và tài sản, nguyên nhân chính là do hệ thống phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của các quán hát chưa đạt tiêu chuẩn. Vậy tiêu chuẩn về trang bị, bố trí phương tiện, hệ thống PCCC tại quán hát karaoke như thế nào?

Tiêu chuẩn trang bị phương tiện PCCC quán karaoke

Hiện nay, việc trang bị, bố trí phương tiện, hệ thống PCCC tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke thực hiện theo quy định tại các văn bản như: Thông tư số 147/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Công an quy định biện pháp bảo đảm an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; TCVN 7336:2021 - PCCC - hệ thống chữa cháy tự động bằng nước, bọt - yêu cầu thiết kế và lắp đặt; TCVN 5738:2021 - PCCC - Hệ thống báo cháy tự động - Yêu cầu kỹ thuật; TCVN 3890:2009 - Về phương tiện PCCC cho nhà và công trình - trang bị, bố trí, kiểm tra và bảo dưỡng...

Cụ thể tại Phụ lục trang bị phương tiện PCCC đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường ban hành kèm theo Thông tư số 147/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Công an quy định như sau:

Hệ thống họng nước chữa cháy bên trong nhà: Công trình có khối tích từ 1.500 m3 trở lên hoặc cao từ 3 tầng trở lên hoặc bố trí trong tầng hầm phải trang bị hệ thống họng nước chữa cháy bên trong nhà. Hệ thống này phải thường xuyên có nước được duy trì áp suất đảm bảo yêu cầu chữa cháy.

Hệ thống báo cháy tự động: Công trình có diện tích từ 200 m2 trở lên hoặc có khối tích từ 1.000 m3 trở lên phải trang bị hệ thống báo cháy tự động. Hệ thống báo cháy tự động phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật theo quy định của TCVN 5738:2021, điều khiển, giám sát các hệ thống liên quan như thang máy, hệ thống chống tụ khói, hệ thống chữa cháy...

Trong đó lưu ý chuông báo cháy phải được trang bị ở hành lang tầng và bên trong các gian phòng hát; hệ thống báo cháy phải kết nối liên động với hệ thống điện, hệ thống âm thanh tại các phòng hát để bảo đảm tự động ngắt âm thanh trong trường hợp có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Hệ thống chữa cháy tự động: Công trình phải trang bị hệ thống chữa cháy tự động thuộc một trong các trường hợp sau:

- Nhà khung thép mái tôn có diện tích từ 1.200 m2 trở lên;

- Nhà cao đến 02 tầng có diện tích từ 3.500 m2 trở lên;

- Nhà cao từ 03 tầng trở lên;

- Bố trí bên trong tầng hầm.

Hệ thống chữa cháy tự động bằng nước Sprinkler phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật theo quy định của TCVN 7336:2021, cường độ chữa cháy, diện tích chữa cháy, lưu lượng tối thiểu của hệ thống đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường được tính theo cơ sở nguy cơ cháy nhóm 2; khi các gian phòng được ngăn cháy với nhau và ngăn cháy với hành lang bằng tường ngăn cháy loại 1 thì cho phép căn cứ diện tích của gian phòng lớn nhất để tính toán; thời gian chữa cháy tối thiểu 60 phút; hệ thống chữa cháy bằng nước phải có họng chờ lắp đặt ở ngoài nhà để tiếp nước từ xe bơm hoặc máy bơm chữa cháy di động vào mạng đường ống theo từng vùng phục vụ chữa cháy.

Bình chữa cháy: Công trình không phụ thuộc quy mô phải trang bị tối thiểu 1 bình/50 m2, trong đó: Bình bột có khối lượng chất chữa cháy tối thiểu 6 kg hoặc bình khí có khối lượng chất chữa cháy tối thiểu 6 kg hoặc bình chữa cháy gốc nước có khối tích chất chữa cháy tối thiểu 6 lít (có dự phòng 10% tổng số bình trang bị trong công trình).

Phương tiện cứu người: Công trình cao từ 25 m trở lên và diện tích lớn hơn 50 m2 trên một tầng phải trang bị tối thiểu 01 bộ dây thoát hiểm tự cứu hoặc ống tụt.

Phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn: Công trình không phụ thuộc quy mô phải trang bị phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn trên lối, đường thoát nạn và trong từng gian phòng;

Phương tiện, dụng cụ phá dỡ thô sơ: Công trình không phụ thuộc quy mô phải trang bị tối thiểu 01 bộ, bao gồm: Kìm cộng lực có chiều dài tối thiểu 600 mm, cắt được sắt có đường kính tối thiểu 10 mm; búa thép có khối lượng đầu búa 2 kg; xà beng được làm bằng thép, bề mặt sơn tĩnh điện, có chiều dài tối thiểu 750 mm, có 02 đầu (01 đầu dẹt và 01 đầu cong để nâng, bẩy vật nặng). Các phương tiện được đặt tại phòng trực điều khiển chống cháy hoặc tại khu vực lễ tân tại tầng 1.

Mặt nạ lọc độc: Công trình không phụ thuộc quy mô đều phải trang bị mặt nạ lọc độc tại tất cả các tầng nhà. Số lượng mặt nạ trên một tầng được tính toán theo số người có mặt đồng thời trong phòng có diện tích lớn nhất của tầng đó với định mức 01 chiếc/người.

Hệ thống chống tụ khói: Bố trí, trang bị bảo đảm theo các quy định tại Phụ lục D QCVN 06:2021/BXD và TCVN 5687:2010 "Thông gió điều hòa không khí - Tiêu chuẩn thiết kế”.

Ngoài ra, cơ sở kinh doanh karaoke còn phải đảm bảo các điều kiện về khoảng cách an toàn PCCC và giao thông phục vụ chữa cháy như:

Phải bảo đảm có khoảng cách an toàn PCCC với các công trình khác theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, trong đó cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường bố trí liền kề với các công trình khác thì tường ngoài tiếp giáp với công trình đó là tường ngăn cháy loại 1 (REI 150) đối với nhà có bậc chịu lửa I, II, III và là tường ngăn cháy loại 2 (REI 45) đối với nhà có bậc chịu lửa IV. Khoảng cách từ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường tới trường học thực hiện theo Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.

Hệ thống giao thông, bãi đỗ phục vụ cho phương tiện chữa cháy cơ giới hoạt động, lối vào từ trên cao của công trình phải bảo đảm theo quy định của Mục 6 QCVN 06:2021/BXD.

 

 


Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác