Khi đang bị bệnh sởi không nên dùng các loại gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu, quế, hành tây, tỏi, cà ri…., hạn chế các thức ăn chứa nhiều chất béo no, nội tạng động vật. Tuyệt đối tránh, không dùng các thức ăn mà đã bị dị ứng hoặc các thức ăn lạ. Hạn chế cách chế biến chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn nướng, xông khói, … không có lợi cho người bệnh sởi.
Ngoài ra, khi chăm sóc trẻ bị sởi cần đảm bảo khẩu phần ăn hàng ngày với các món ăn hợp khẩu vị nhưng thức ăn cần được cắt thái hoặc xay nhỏ hơn, chế biến mềm hơn, lỏng hơn so với lúc chưa bị bệnh, thay đổi món ăn và chia làm nhiều bữa nhỏ để giúp cho quá trình ăn nhai tốt hơn, ăn ngon miệng hơn và dễ tiêu hóa hơn.
Cần cho trẻ uống đủ nước, nhất là trong giai đoạn trẻ đang sốt, nôn, tiêu chảy. Có thể cho trẻ uống nước quả như nước cam, nước bưởi, nước chanh và các loại nước quả, sinh tố khác. Khi trẻ sốt cao, nôn và tiêu chảy cần cho trẻ uống dung dịch ORESOL để bù nước và điện giải theo hướng dẫn.
Khi đã mắc sởi, không chỉ cần thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý mà còn cần uống vitamin A theo qui định và bổ sung các vi chất khác như vitamin C, kẽm, selen… giúp tăng cường miễn dịch. Trong quá trình điều trị bệnh sởi, nếu trẻ bị suy dinh dưỡng nặng sẽ cần được áp dụng chế độ điều trị suy dinh dưỡng.
Sau khi trẻ đã khỏi bệnh, cần cho trẻ ăn nhiều hơn trong giai đoạn hồi phục ít nhất là 2 tuần để trẻ có thể nhanh chóng trở về tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe bình thường.
Để dự phòng tránh mắc bệnh sởi, mọi trẻ em đều cần được tiêm vắc sởi đầy đủ theo hướng dẫn của chuyên môn đồng thời uống bổ sung vitamin A liều cao 6 tháng một lần đối với trẻ dưới 5 tuổi theo chiến dịch của chương trình vitamin A do Viện Dinh dưỡng - Bộ Y tế tổ chức.