Tổng giám đốc Công ty G. - đang làm đại diện cho hàng chục nhãn hiệu thời trang cao cấp tại Việt Nam (đề nghị không nêu tên) cho biết, đối với các nhãn hiệu túi xách hàng hiệu thì luôn có mã số (series number) nằm ở bên trong sản phẩm. Khách có thể vào website của hãng để coi có trùng hợp mã số. Nếu có thể, khách hàng có thể gọi điện tới tận hãng qua số dịch vụ khách hàng để hỏi về mã số của túi xách mà mình vừa mua và hãng sẽ trả lời ngay lập tức. Một cách khác là chụp hình mã số của sản phẩm gửi mail tới hãng để nhờ xác nhận.
Nhưng với quần áo hàng hiệu lại thường không có mã số thì có thể kiểm tra bằng cách nào? “Bị làm nhái, giả nhiều nhất là áo thun, quần jeans. Nếu đã làm giả rồi thì khách khó có thể kiểm tra phát hiện. Điều này phụ thuộc vào đạo đức kinh doanh mà thôi”, vị tổng giám đốc nói. Vị này cũng lưu ý nếu khách hàng nghi ngờ chất lượng sản phẩm, muốn gửi hàng qua hãng ở nước ngoài kiểm tra thì cần phải làm giấy xác nhận có chữ ký người bán hàng, đóng gói và niêm phong sản phẩm. Làm như vậy nhằm tránh chuyện cửa hàng từ chối sản phẩm trong trường hợp đó là hàng giả, nhái. Nếu khách chỉ lấy hóa đơn thôi thì không đủ để chứng minh đã mua sản phẩm ở cửa hàng đó trong trường hợp xảy ra tranh chấp.
Người tiêu dùng khi chọn hàng hiệu thời trang cao cấp, nhất là túi xách cần phải xem có mã số hay không (series number) - Ảnh: Đức Nguyễn.
Dùng hàng nhái là tội phạm
Ở nhiều nước phát triển, những chiến dịch chống hàng nhái, hàng giả đang được phát huy mạnh mẽ. Thậm chí việc sở hữu hàng nhái đồ hiệu cũng có thể bị liệt vào dạng tội phạm. Pháp hiện là nước duy nhất trên thế giới xem việc sở hữu sản phẩm nhái, chẳng hạn như túi xách giả hàng hiệu, là hành vi phạm tội, có thể bị phạt tù đến 3 năm và 300.000 euro tiền phạt. Còn tại ở những nước thuộc EU khác, HQ có thể tịch thu bất cứ thứ gì hành khách mang trên người mà họ cho rằng là hàng giả hiệu, dù đó là quần áo, mắt kính, mỹ phẩm, hàng da, kèm theo mức phạt có thể lên đến gấp đôi giá trị món đồ.
Tại Mỹ, theo Fox News, Phòng Thương mại quốc tế công bố dữ liệu cho thấy tình trạng hàng giả, hàng nhái đã gây tổn thất hơn 1.000 tỉ USD cho thế giới trong năm ngoái.
Đức Nguyễn - TN