Quy chuẩn

Bảo vệ người tiêu dùng: “Tay không bắt giặc”

11 năm trước

Sau 2 năm triển khai thực thi Luật Bảo vệ người tiêu dùng (BVNTD), nhiều tổ chức BVNTD ra đời và làm được nhiều việc. Thế nhưng, một đại biểu dùng từ “tay không bắt giặc” để ví von hoạt động của các tổ chức BVNTD hiện nay. 

Bảo vệ người tiêu dùng: “Tay không bắt giặc”
Tổ chức BVNTD không có nguồn thu

Ngày 11/7, nhân sự kiện hai năm triển khai thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo “Nhìn lại hai năm triển khai thực thi Luật bảo vệ quyền lời người tiêu dùng” tại TPHCM.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng: “Để có thể phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững thì bên cạnh các mục tiêu kinh tế, chúng ta cần phải thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ NTD, một tác nhân kinh tế ngày càng trở nên quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp”.

Theo báo cáo của Ban BVNTD (Cục Quản lý cạnh tranh), trong 2 năm qua, các hội BVNTD trên toàn quốc mỗi năm giải quyết được khoảng 2.000 vụ với tỉ lệ thành công là từ 80-82%. Hiện trên cả nước đã có 46 hội ở các tỉnh và 1 hội hoạt động trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, theo Ban BVNTD, các tổ chức BVNTD không có nguồn thu từ hội phí của hội viên cũng như không có nguồn thu nào ổn định. Luật BVNTD đã quy định về trách nhiệm của các tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người NTD, được giao thực hiện một số nhiệm vụ gắn với nhiệm vụ của Nhà nước và được hỗ trợ từ ngân sách. Thế nhưng, quy định này đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Chính vì không có nguồn thu nên hoạt động của các tổ chức này chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện của những con người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Điều này cũng dẫn đến hệ lụy khác là chất lượng thành viên các hội không cao.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TPHCM thẳng thắn nhận định: “Hội BVNTD được thành lập ra nhiều nhưng tính tới thời điểm hiện tại các hội này đã giúp NTD và doanh nghiệp được những gì?... Nguồn nhân lực của các Hội này còn nhiều hạn chế, đa phần các hội viên không nắm vững các quy định pháp luật nên trong nhiều trường hợp việc hòa giải, tư vấn pháp luật cho NTD chưa chính xác, chưa phù hợp với các quy định pháp luật, gây hậu quả xấu cho NTD”.

Luật chưa đi vào đời sống

Tuy nhiên, theo các đại biểu, khó khăn về kinh phí, nhân sự... chỉ là 1 phần nhỏ, cái khó nhất đối với hoạt động BVNTD hiện nay chính là Luật BVNTD không được tôn trọng.

Theo luật sự Nguyễn Văn Hậu, nhằm bảo vệ quyền lợi NTD tốt hơn, Luật BVNTD đã quy định vụ án dân sự về BVNTD khi hội đủ một số điều kiện thì được giải quyết theo thủ tục đơn giản. Tuy nhiên, suốt 2 năm qua chưa 1 vụ kiện BVNTD nào được TAND các cấp áp dụng theo điều khoản này mà đều áp dụng theo Luật Dân sự khiến NTD ngại khiếu kiện vì sợ tốn thời gian hầu tòa, phải nộp tạm ứng án phí...

Luật sự Nguyễn Văn Hậu cho rằng: “Như vậy, quy định về các vụ án khởi kiện dân sự về BVNTD giải quyết theo thủ tục đơn giản tuy đã được quy định trong Luật BVNTD nhưng vô hiệu về mặt thực tế trong hai năm kể từ ngày luật này có hiệu lực”.

Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội BVNTD TPHCM cũng đồng tình: “ Thực tế, vẫn chưa có cơ quan quản lý nhà nước nào trực tiếp đứng ra xử lý các trường hợp khiếu kiện của NTD. Ngay cả Tòa án, cụ thể các TAND quận, huyện tại TPHCM cũng chưa áp dụng việc nhận khiếu kiện của NTD theo đúng qui định của Luật BVNTD, khiến NTD đành phải ngậm đắng nuốt cay chịu thiệt thòi”.

Chính vì những quy định của Luật chưa đi vào đời sống nên thực tế quyền lợi của NTD thời gian qua vẫn thường xuyên bị xâm phạm, tổ chức BVNTD thì bất lực để doanh nghiệp thu lợi bất chính từ thiệt thòi của NTD. Luật gia Phan Thị Việt Thu cho rằng: “Nếu tình hình này tiếp tục, quyền lợi của NTD sẽ càng ngày càng bị vi phạm, bởi vì chỉ có những doanh nghiệp làm ăn chân chính mới có trách nhiệm với NTD và tôn trọng luật pháp”.
 

Các bài viết khác