Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng là công cụ quản lý nhà nước có đóng góp ngày càng quan trọng vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, tổ chức, người tiêu dùng; bảo đảm công bằng và an sinh xã hội.
TS. Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo
Thực hiện chỉ thị số 38-CT/TW ngày 30/7/2024 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Sáng ngày 10/10 tại Hà Nội, Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Phổ biến Chỉ thị 38-CT/TW của Ban Bí thư và quy định mới của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng”.
Tham dự hội thảo có sự góp mặt của Đảng ủy Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia; các Ủy viên Ban Thường vụ, Ban chấp hành, các hội viên của Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam; cơ quan và doanh nghiệp liên quan, cùng với nhiều bài tham luận đánh giá thực tiễn.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam cho biết: Công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đã có bước phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng. Hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng bước đầu góp phần thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng kỹ thuật quan trọng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá, của các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế.
TS. Ngô Thị Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam giới thiệu tổng quát về Chỉ thị 38-CT/TW của Ban Bí thư
Tại hội thảo, các đại biểu đã được TS. Ngô Thị Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam giới thiệu tổng quát về Chỉ thị 38-CT/TW của Ban Bí thư trong đó Chỉ thị nêu rõ: Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng là công cụ quản lý nhà nước có đóng góp ngày càng quan trọng vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, tổ chức, người tiêu dùng; bảo đảm công bằng và an sinh xã hội. TS Hà cũng cho biết thêm, hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiến hành xây dựng kế hoạch để thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW của Ban Bí thư tới các đơn vị.
Tuy nhiên, thực tế hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và tồn tại một số hạn chế.
Cụ thể, nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người tiêu dùng về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng chưa đầy đủ, toàn diện, chưa thực sự quan tâm đến công tác này; Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách đối với tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng chưa phù hợp với thực tiễn hội nhập quốc tế hiện nay; Năng lực quản lý nhà nước, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực tham gia hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng còn nhiều hạn chế; Chưa tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hoá sản xuất tại Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn, chất lượng khắt khe của thị trường quốc tế.
Ngoài ra, công tác đầu tư và phát triển các tổ chức kỹ thuật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng còn thiếu quy hoạch, định hướng, không đồng bộ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và phối hợp của các bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ, thống nhất, các biện pháp xử lý vi phạm chưa đủ mạnh.
Để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đến năm 2030 và những năm tiếp theo, góp phần thực hiện mục tiêu trở thành nước có công nghiệp hiện đại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm của các đơn vị liên quan về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác tiêu chuẩn, đo lường.
Rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ, hội nhập quốc tế.
Toàn cảnh hội thảo
Xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng bảo đảm số lượng và chất lượng.
Tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong tổng chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ tương xứng với vị trí, vai trò.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng bảo đảm an toàn của sản phẩm, hàng hoá trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường.
Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, tuân thủ các điều ước, các thoả thuận quốc tế có liên quan mà Việt Nam tham gia.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã được các chuyên gia giới thiệu những điểm mới trong Thông tư 01/2024/TT-BKHCN quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường và Thông tư 02/2024/TT-BKHCN quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và việc áp dụng các tiêu chuẩn vào trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Ths.Phó Đức Sơn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội phổ biến Thông tư 02/2024/TT-BKHCN Quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
TS. Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội phổ biên Thông tư 01/2024/TT-BKHCN quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường
Ths. Trần Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm chứng nhận phù hợp giới thiệu việc triển khai áp dụng các Tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động đánh giá chứng nhận
Ths. Lê Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL tỉnh Hưng Yên giới thiệu kế hoạch triển khai Chỉ thị 38/CT-TW tại tỉnh Hưng Yên