Tiêu chuẩn

Các Tiêu chuẩn quốc gia mới được công bố trong lĩnh vực Nông nghiệp - thực phẩm

1 năm trước

Bộ TCVN ISO/TS 22002 sẽ có đủ 6 phần áp dụng cho chuỗi thực phẩm, bao gồm sản xuất bao bì thực phẩm;sản xuất thức ăn chăn nuôi; nuôi trồng; chế biến thực phẩm;vận chuyển và bảo quản; cung cấp thực phẩm.

 

Các Tiêu chuẩn quốc gia mới được công bố trong lĩnh vực Nông nghiệp - thực phẩm

Tiêu chuẩn về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm

Vấn đề chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đã và đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP) là hệ thống ngăn ngừa nhằm cung cấp sử dụng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm qua việc phân tích các mối nguy về sinh học, hoá học và vật lý vốn có trong quá trình sản xuất, từ thu mua nguyên vật liệu, xử lý, chế biến, tiêu thụ sản phẩm...

TCVN 5603thường được gọi là tiêu chuẩn HACCP, là một trong các tiêu chuẩn nền tảng về an toàn vệ sinh thực phẩm, được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở chế biến thực phẩm.

Ngày 06 tháng 04 năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 586/QĐ-BKHCN về việc công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5603:2023 Nguyên tắc chung về vệ sinh thực phẩm. Tiêu chuẩn này được xây dựng trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn CODEX CXC 1-1969, bản soát xét 2020, General principles of food hygiene, thay thế TCVN 5603:2008 (CAC/RCP 1-1969, Rev.4-2003). Trong phiên bản năm 2020 nàyđã có nhiều thay đổi.Về bố cục, nội dung tiêu chuẩn tách thành 2 chương: Chương 1 Thực hành vệ sinh tốt (GHP), Chương 2 Hệ thống phân tích mối nguy, điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), với các nội dung hướng dẫn chi tiết. Về kiểm soát mối nguy, chất gây dị ứng được đưa vào kiểm soát ngang hàng với 3 mối nguy truyền thống (sinh học, vật lý, hóa học). Tiêu chuẩn mới cũng linh hoạt trong việc áp dụng sơ đồ cây HACCP để xác định các điểm kiểm soát tới hạn (CCP).

Việc áp dụng TCVN 5603:2023 theo phiên bản cập nhật mới nhất của tiêu chuẩn Codex sẽ giúp doanh nghiệp xác định và kiểm soát các mối nguy tiềm ẩn, từ đó tiến thành khắc phục sớm, giảm được rất nhiều các rủi ro về an toàn thực phẩm.

Đồng thời với TCVN 5603:2023, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng công bố TCVN ISO/TS 22002-5:2023 về vận chuyển và bảo quản thực phẩm. Đây là tiêu chuẩn thuộc bộ tiêu chuẩn TCVN ISO/TS 22002 (ISO/TS 22002)Chương trình tiên quyết về an toàn thực phẩm. Như vậy, bộ TCVN ISO/TS 22002 sẽ có đủ 6 phần áp dụng cho chuỗi thực phẩm, bao gồm sản xuất bao bì thực phẩm;sản xuất thức ăn chăn nuôi; nuôi trồng; chế biến thực phẩm;vận chuyển và bảo quản; cung cấp thực phẩm. Đây là các tiêu chuẩn rất quan trọng hỗ trợ việc thực hiện TCVN ISO 22000:2018 Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm – Yêu cầu đối với các tổ chức trong chuỗi thực phẩm./.

Tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ

Nông nghiệp hữu cơ là phương thức canh tác tái sử dụng một cách triệt đểcác nguồn hữu cơ, hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất nông nghiệp như phân bón tổng hợp, thuốc bảo vệ thực vật, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng và các chất phụ gia trong thức ăn chăn nuôi.

Trong những năm gần đây, diện tích trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản hữu cơ tại Việt Nam không ngừng tăng lên. Các văn bản quy phạm pháp luật về nông nghiệp hữu cơ cũng đã được ban hành nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm hữu cơ.

Năm 2017-2018, Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ đã xây dựng và trình công bố bộ tiêu chuẩn quốc gia gồm 08 TCVN về nông nghiệp hữu cơ, trong đó có TCVN 11041-2:2017 về trồng trọt hữu cơ và TCVN 11041-3:2017 về chăn nuôi hữu cơ.Trong năm 2022, Ban kỹ thuật TCVN về nông nghiệp hữu cơ tiếp tục xây dựng và trình công bố05 TCVN bổ sung vào bộ tiêu chuẩn quốc giaTCVN 11041.

Trong những năm gần đây, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 6 thế giới và đứng thứ 2 châu Á về xuất khẩu mật ong. Ngành nuôi ong đang phát triển và xu hướng sản xuất mật ong hữu cơ ngày càng gia tăng. TCVN 11041-3:2017 quy định các yêu cầu đối với quá trình chăn nuôi theo phương thức hữu cơ, tập trung vào chăn nuôi gia súc và gia cầm. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này chưa có quy định cụ thể cho một số loại hình chăn nuôi đặc thù như nuôi ong.Như vậy, đối với lĩnh vực chăn nuôi, cùng với tiêu chuẩn chung TCVN 11041-3:2017 về chăn nuôi hữu cơ, sẽ có một vài tiêu chuẩn đặc thù như TCVN 11041-7:2018 về sữa hữu cơ (quá trình nuôi bò sữa và thu hoạch, sơ chế, chế biến sữa hữu cơ), TCVN 11041-9:2023 về mật ong hữu cơ.

Đối với trồng trọt hữu cơ, TCVN 11041-2:2017 quy định các yêu cầu đối với quá trình sản xuất. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này chưa có quy định cụ thể cho một số loại hình trồng trọt đặc thù như trồng nấm, trồng rau mầm. Không những là các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao mà còn có giá trị kinh tế, nấm và rau mầm hữu cơ ngày càng được người nông dân phát triển theo hướng hữu cơ trong các năm vừa qua. Đây là các sản phẩm nông nghiệp đòi hỏi các điều kiện trồng trọt nghiêm ngặt, việc sử dụng các vật liệu không hóa chất sẽ đem đến chất lượng cao cho sản phẩm. Đây cũng là các sản phẩm nằm trong nhóm rau củ quả cần phát triển hữu cơ theo đề án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên phát triển hướng đến mở rộng diện tích trồng sản phẩm hữu cơ đến năm 2030.

Nông nghiệp hữu cơ rất chú trọng đến hệ sinh thái đất, do đó không chấp nhận phương pháp thủy canh, nhưng việc trồng cây trong nhà, trong thùng xốp vẫn được chấp nhận mặc dù có mặt hạn chế so với trồng cây trong hệ đất mở. Hiện nay, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những giải pháp quan trọng để gia tăng hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích sản xuất; hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong lĩnh vực trồng trọt, các mô hình sản xuất rau hữu cơ trong nhà màng, thùng chứa ngày càng được mở rộng.

Như vậy, đối với lĩnh vực trồng trọt, cùng với tiêu chuẩn chung TCVN 11041-2:2017 về trồng trọt hữu cơ, còn có một số tiêu chuẩn đặc thù như TCVN 11041-5:2018 về gạo hữu cơ (quá trình trồng lúa và thu hoạch, sơ chế, chế biến gạo hữu cơ), TCVN 11041-6:2018 về chè hữu cơ, TCVN 11041-11:2023 về nấm hữu cơ, TCVN 11041-12:2023 về rau mầm hữu cơ và TCVN 11041-13:2023 về trồng trọt hữu cơ trong nhà màng, thùng chứa.

Bên cạnh trồng trọt và chăn nuôi thì nuôi trồng thủy sản hữu cơ cũng là một lĩnh vực được quan tâm. Với bờ biển dài 3.260 km và diện tích mặt nước khoảng 1 triệu km2, Việt Nam có tiềm năngđể phát triển ngành rong biển. Việc nuôi trồng rong biển hữu cơ cũng là hướng đi tiềm năng. TCVN 11041-3:2023 về rong biển hữu cơ đã được đề xuất xây dựng để hỗ trợ hướng sản xuất này.

Ngày 07 tháng 3 năm 2023, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký Quyết định số 317/QĐ-BKHCN về việc công bố 05 tiêu chuẩn quốc gia thuộc bộ tiêu chuẩn quốc giaTCVN 11041 (các phần từ Phần 09 đến Phần 13) đối với mật ong hữu cơ, rong biển hữu cơ, nấm hữu cơ, rau mầm hữu cơ và đối với hoạt động trồng trọt hữu cơ trong nhà màng, thùng chứa./.

 

ThS. Lê Thành Hưng, ThS.Ngô Quỳnh Hoa – Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam

 

 


Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác