Tiêu chuẩn

Bác Hồ với ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

4 năm trước

Bác Hồ, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người không chỉ quan tâm đến việc giành độc lập, tự do cho dân tộc, mà còn luôn quan tâm đến việc xây dựng đất nước, sao cho dân giàu, nước mạnh. Người luôn quan tâm sâu sát chỉ đạo xây dựng và phát triển tất cả các lĩnh vực hoạt động của đất nước. Hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng cũng vậy, luôn được Đảng, Nhà nước và Bác quan tâm.

Bác Hồ với ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Ngày 20/01/1950, cách đây hơn 70 năm, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta còn đang trong giai đoạn cam go, ác liệt, Bác đã ký Sắc lệnh số 8/SL quy định thống nhất đo lường ở nước ta theo Hệ mét. Đó là sự nhìn nhận vô cùng sáng suốt của Bác đối với một lĩnh vực chuyên ngành nhưng lại liên quan mật thiết tới sản xuất và đời sống của đông đảo Nhân dân, cũng như trong quan hệ giao thương, hợp tác khoa học-công nghệ với các nước.  Có thể khẳng định Sắc lệnh 8/SL được Bác trực tiếp xem xét và ký  ban hành chính là nền tảng pháp lý vững chắc cho hệ thống đo lường của nước ta, là điểm xuất phát giúp ngành đo lường giải quyết tốt các yêu cầu về đo lường, quản lý đo lường ở nước ta hiện nay.

Ngoài ra, một thực tế hiển hiện trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác là Bác thường sử dụng các số liệu, đơn vị đo lường  trong các bài viết, bài phát biểu để minh chứng cho luận điểm của mình. Vì vậy lời nói, tác phẩm của Người luôn sinh động, lôi cuốn, thuyết phục lạ thường và làm người đọc, người nghe thấy rõ hơn, cụ thể hơn, thấm thía hơn để rồi làm theo lời Bác. Trong quá trình tìm đường cứu nước, Người đã đặt chân lên nhiều nước nhiều châu lục, tìm con đường đấu tranh giành độc lập cho tổ quốc, tự do cho nhân dân, giải phóng các dân tộc khỏi áp bức, bóc lột. Trong những phương thức đấu tranh, Người đặc biệt quan tâm dùng ngòi bút của mình vạch trần bộ mặt thật của đế quốc, thực dân, bè lũ tay sai qua các bài báo, các yêu sách đòi quyền tự do cho dân An Nam và các dân tộc bị áp bức. Trong những bài viết, bài nói của người, luôn đầy ắp các thông tin về số liệu đo lường làm cơ sở đấu tranh chính trị, dẫn dắt số liệu theo hệ chuẩn làm cơ sở cho những so sánh đắt giá của mình để rồi vạch trần bộ mặt thật của chủ nghĩa thực dân, buộc chúng bằng chứng cứ, luận điểm sắt đá không thể chối cãi được.

Hơn 85 năm trước, khi còn hoạt động ở nước ngoài, trong bài báo ”Tình cảnh nông dân Việt nam” viết bằng tiếng Pháp đăng trên báo “Đời sống công nhân” (La vie ouvriere) xuất bản ở Paris ngày 04/01/1924, trong khi tố cáo thực dân thuộc địa Pháp gian dối chuyển ruộng xấu thành ruộng tốt, rút ngắn đơn vị đo lường để tăng thu thuế bóc lột nông dân, Bác đã viết: “Như thế vẫn chưa hết, người ta còn tăng diện tích ruộng đất một cách giả tạo bằng cách rút ngắn đơn vị đo đạc. Bằng cách đó, thuế lập tức tăng lên, nơi thì một phần ba, nơi thì hai phần ba”. Sau khi đất nước giành được độc lập, mặc dù bận trăm công ngàn việc, Bác thường lưu ý độ chuẩn xác trong việc xác định đơn vị đo lường để đảm bảo tính công bằng. Trong một lần nói về diện tích và sản lượng, Người lưu ý: “Định diện tích và sản lượng cho thật đúng là cốt để đồng bào, nông dân đóng góp cho công bằng, hợp lý, do đó mà giúp sức vào việc xây dựng nước nhà”.

Trong thời kỳ đầu xây dựng đất nước, mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh, đất nước còn gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn, nền sản xuất hàng hoá còn chậm phát triển, nhưng Bác rất quan tâm đến năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá phục vụ cho kháng chiến, cho đời sống Nhân dân. Bác rất quan tâm đến vấn đề làm thế nào để nâng cao năng suất lao động, nhưng những sản phẩm, hàng hoá phục vụ cho cuộc sống thiết yếu phải đảm bảo chất lượng. Tại Đại hội chiến sĩ thi đua ngành công nghiệp năm 1962, Bác đã nhấn mạnh: "Phải thi đua làm nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Nhiều, nhanh tức là cần. Tốt, rẻ là kiệm. Cần kiệm tức là phải tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm".

Phát biểu khai mạc Đại hội liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 3 ngày 04/5/1962, Người nói “... Muốn phát triển sức sản xuất thì trước hết phải nâng cao năng suất lao động. Nâng cao năng suất lao động, kết quả sẽ nhiều và nhanh. Nhưng nếu sản xuất ra nhiều mà phẩm chất kém thì sẽ gây ra nhiều lãng phí cho Nhà nước, cho Nhân dân. Vì vậy, khi sản xuất phải đảm bảo chất lượng cho tốt. Nếu sản xuất ra nhiều và tốt nhưng giá quá đắt, ít người mua được thì hàng hoá sẽ ứ đọng, sản xuất bế tắc và không nâng cao được đời sống của Nhân dân. Vì vậy, sản xuất đã tốt lại phải rẻ. Muốn đạt được mục đích đó thì phải ra sức tiết kiệm”.

Người đã từng viết bài đăng trên báo Nhân Dân số 3176, ra ngày 05/12/1962. Mở đầu bài báo Người viết: “Việc to cũng như việc nhỏ, Đảng và Chính phủ ta đều lo phục vụ lợi ích của Nhân dân. Đối với các thứ hàng hoá cần dùng hàng ngày cũng vậy. Cán bộ và công nhân ta nói chung đều thấm nhuần tinh thần đó và cố gắng sản xuất hàng hoá cho tốt”. Tiếp theo đó, Bác đã nêu ra hàng loạt ví dụ về hàng hoá kém chất lượng làm ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng, như:

“- Kim khâu to quá, khi khâu hay làm đứt chỉ;

- Đinh quá xấu, người ta mua 500 cân , thì non nửa đã không dùng được;

- Xe đạp thống nhất có cái mới đi được 30 km đã xộc xệch;

- Khăn mặt, có cái dùng một tháng đã rách;

- Áo đi mưa,  mặc dăm lần đã đứt cúc;

- Ủng đi mưa, chỉ dùng được vài tháng;

 - Áo may sẵn cho trẻ con, mới mặc một buổi thì 3 khuy đã rơi mất;

- Bút máy Trường Sơn, có cái dùng được vài tháng thì thân bút đã nứt;

- Bút chì Hồng Hà, thường hay gãy, không vót được;

- Dép da Minh Tân, khâu dối, mấy nghìn đôi bị ứ đọng không bán được;

- Vở học sinh, gạch dòng xiêu vẹo, bị mực hoen ố, loại ra 10 vạn tập;

- Giường bán mỗi cái 70 đồng, nhưng mua về lắp vào không được, lỗ đục nhỏ mà mộng lại to;

- Bàn ghế đóng không đúng quy cách, cán bộ mậu dịch cứ nhận.”

Với tất cả những khuyết điểm của hàng hoá nói trên, cuối bài báo, Bác đã chỉ rõ: “Những khuyết điểm nói trên đã trái hẳn với chính sách của Đảng và Chính phủ. Đã làm thiệt hại đến lợi ích của Nhân dân. Nguyên nhân là vì một số cán bộ, công nhân và xã viên hợp tác xã thủ công nghiệp thiếu tinh thần trách nhiệm, chỉ chạy theo số lượng, làm ẩu, làm dối”.

Ở nước ta đã từng có nơi, có lúc xảy ra tình trạng hàng hoá bày mẫu thì tốt nhưng sản phẩm, hàng hoá bán cho Nhân dân lại không được như bày mẫu, chất lượng kém. Không ưa thói giả tạo, hình thức đó, Bác nhắc nhở và phê bình trong buổi nói chuyên tại Hội chợ triển lãm hàng thủ công nghiệp, tiểu công nghiệp ngày 21/01/1958: “Người sản xuất phải thực thà sản xuất hàng tốt cho đồng bào dùng, không nên làm trưng bày tốt mà hàng sản xuất thì xấu”.

Trong những lần tiếp theo, mỗi khi có dịp, Bác lại nhắc nhở cán bộ, công nhân chú trọng đến chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Tại Hội nghị của Bộ Công nghiệp nặng, ngày 31/12/1964 Bác đã phê bình: “.... công tác quản lý còn kém, nhất là quản lý kỹ thuật, chất lượng sản phẩm còn kém", " Phải thi đua làm nhiều, làm nhanh, tốt, rẻ. Nhiều, nhanh tức là cần. Tốt, rẻ tức là kiệm . Cần kiệm tức là phải tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm”.

Trong báo cáo của Bác tại hội nghị chính trị đặc biệt ngày 27-28/3/1964 Người nói: “Trong các xí nghiệp, công trường và các cơ sở kinh tế khác, công nhân và cán bộ ta với ý thức làm chủ tập thể đang hăng hái thi đua lao động, phát huy sáng kiến, ra sức thực hiện từng bước cuộc cách mạng kỹ thuật, nhằm tăng năng suất lao động, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Hiện nay, khắp nơi sôi nổi chuẩn bị tiến hành cuộc vận động "ba xây ba chống":ra sức nâng cao ý thức trách nhiệm, cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật, tẩy trừ nạn tham ô, lãng phí, quan liêu. Các cuộc vận động có ý nghĩa cách mạng ấy nhằm sản xuất nhiều nhanh tốt rẻ, hoàn thành tốt kế hoạch của Nhà nước, nhất định sẽ tạo ra một sự chuyển biến mạnh mẽ trong nền kinh tế quốc dân, góp phần quan trọng vào việc tiến hành từng bước công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và nâng cao hơn nữa đời sống của Nhân dân ta”.  Có đoạn Người viết: “Chúng ta phấn khởi trước những thành tích lớn đã đạt được. Song chúng ta cũng phải thấy rõ những khó khăn lớn trên bước đường phát triển của cách mạng và những khuyết điểm, nhược điểm mà chúng ta cần phải ra sức khắc phục. Thí dụ: trình độ quản lý kinh tế còn kém, tinh thần trách nhiệm chưa thật cao, chất lượng sản phẩm chưa thật tốt, tệ quan liêu, lãng phí, tham ô còn nhiều”(Văn kiện Đảng toàn tập - Tập 25, năm 1964).

Trong bài nói chuyện tại Đại hội thi đua 3 điểm cao  “Năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều”  toàn Miền Bắc, ngày 12/02/1965, Bác lại nhắc nhở: “Phong trào thường chạy theo số lượng, ít chú trọng tới chất lượng”, “Phải đẩy mạnh thi đua, cải tiến quản lý kỹ thuật, quản lý lao động và quản lý vật tư”, “Phải hết sức bảo đảm chất lượng và thực hành tiết kiệm”.

Với tiêu chuẩn, Bác là người hiểu rõ về vai trò, sự cần thiết phải có và tuân thủ. Trong bài nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy cơ khí Hà Nội ngày 02/02/1960, Bác nói: “...Trong năm qua, nhà máy còn có một số khuyết điểm về các mặt như sử dụng vật liệu, dụng cụ không đúng tiêu chuẩn, thường vượt quá mức đã định, một số bộ phận máy móc làm ra chất lượng còn kém; chưa đúng quy cách; tỉ lệ người gián tiếp sản xuất còn quá cao. Như vậy là còn lãng phí rất nhiều. Nguyên nhân là do quản lý kỹ thuật, quản lý kinh tế còn yếu, kỷ luật lao động, tinh thần trách nhiệm và ý thức bảo vệ của công còn kém...” (Báo Nhân Dân, số 2148, ngày 04/02/1960. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 10, trang 51). Tương tự trong rất nhiều bài nói chuyện của Bác, Bác đã đề cập đến tiêu chuẩn, đó là bài nói chuyện của Bác tại Đại hội công đoàn toàn quốc lần thứ II ngày 27/2/1961, bài nói chuyện với đồng bào tỉnh Quảng Ninh ngày 02/02/1965,... Đảng, Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Bác cũng đã quan tâm  rất sớm đến  công tác tiêu chuẩn, cụ thể như Thông tri số 15-TT/TW về việc tăng cường lãnh đạo hoàn thành tốt công tác xây dựng chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật ở các xí nghiệp, công trường ngày 13/01/1961 và nhiều văn bản khác.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Bác, ngày 04/4/1962, Viện Đo lường và Tiêu chuẩn trực thuộc Uỷ ban Khoa học nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) được thành lập theo Nghị định số 43-CP của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) với chức năng và nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó là nghiên cứu, phát triển hoạt động tiêu chuẩn hóa và đo lường ở nước ta, nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc một cách tốt nhất. Tiếp đó ngày 24/8/1963, Hội đồng Chính phủ đã ban hành hai Nghị định số 123-CP và Nghị định số 124-CP về ban hành các điều lệ tạm thời về nghiên cứu, xây dựng, xét duyệt, ban hành và quản lý các tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp và các quy trình, quy phạm kỹ thuật dùng trong sản xuất công nghiệp. Các Nghị định nói trên là cơ sở pháp lý quan trọng đầu tiên cho hoạt động về tiêu chuẩn hoá của nước ta.

Những lời Bác dạy về tiêu chuẩn, đo lường, năng suất, chất lượng dù đã cách đây hơn nửa thế kỷ vẫn còn mang tính thời sự và chúng ta đang học tập làm theo.

Không phụ lòng Bác, những thế hệ sau này đã không ngừng phấn đấu xây dựng và phát triển hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng lớn mạnh phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế./.

 

Theo chatluongvacuocsong.vn

 


Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác