Quy chuẩn

Ăn rau thế nào cho đúng cách

11 năm trước

Rau củ là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của mỗi gia đình, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên nếu ăn rau không đúng cách cũng có thể gây thừa đạm.

Ăn rau thế nào cho đúng cách



Bác sĩ Bùi Yên Trình (Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM) chia sẻ: Hầu hết các loại bệnh thường gặp, là gánh nặng cho bệnh nhân và cả thầy thuốc hiện nay như các bệnh về tiêu hóa, tim mạch, đường huyết hay xương khớp... thường xuất phát từ chế độ ăn uống của bệnh nhân chưa hợp lý. Vì thế, mỗi người nên là một bác sĩ dinh dưỡng của chính mình để kiểm soát và dung nạp lượng thức ăn vừa đủ. Chẳng hạn, ai cũng nghĩ, ăn rau lành, có lợi, không “bổ ngang” cũng “bổ dọc” nhưng thực tế điều này không phải lúc nào cũng đúng.

Có một số loại rau củ cung cấp nhiều đạm thực vật như loại rau mầm họ đậu và nấm. Với người bình thường, một bữa ăn đủ nguồn đạm từ thịt cá lại cộng thêm nguồn đạm dồi dào từ rau mầm, có thể dẫn đến dư chất đạm. Nếu lượng đạm dư thừa tích tụ hàng ngày, thì nguy cơ bệnh gút là khó tránh khỏi. Bạn cần chú ý, nếu lượng rau mầm nhiều trong một bữa ăn thì phải giảm lượng thịt cá để điều tiết lượng đạm vào cơ thể. Với người ăn chay, bữa ăn chỉ dùng tinh bột, rau củ hoặc trứng sữa, do chủ quan nên không đề phòng lượng đạm dồi dào từ đậu, sữa và rau củ như nấm, nên có nguy cơ bị bệnh béo phì hay dư đạm, thậm chí người ăn chay cũng có thể mắc bệnh gút. Vì thế, người ăn chay hay ăn mặn đều không nên lạm dụng các loại rau củ nhiều đạm mà phải cân đối lượng đạm hàng ngày tùy theo tuổi và thể trạng cơ thể.

Trái khổ qua và măng cũng là loại rau quả mà bác sĩ Đông y khuyên hạn chế dùng. Không thể phủ nhận công dụng của trái khổ qua đối với một số bệnh lý. Ở một số nước châu Á, trái khổ qua vừa làm thức ăn vừa làm thuốc, tác dụng hạ đường huyết của trái khổ qua dẫn đến một số tác hại: giảm khả năng sinh sản, có hại với phụ nữ mang thai. Việc làm hạ đường nhanh ở người bệnh tiểu đường cũng có thể dẫn đến nguy hiểm hoặc gây rối loạn tiêu hóa. Khổ qua là món mà phụ nữ mang thai nên “đoạn tuyệt”. Món măng cũng chứa nhiều độc chất, dù rất ngon miệng. Măng tươi chứa nhiều chất gây hại hơn măng khô và măng ngâm nên khi chế biến, người ta phải ngâm măng thật kỹ. Người khỏe ăn măng không sao, nhưng chỉ cần cơ thể yếu như người đang cảm cúm nhẹ, ăn măng vào dễ “đổ bệnh”. Đặc biệt với người đau xương khớp, người có vết thương hay mới phẫu thuật, việc ăn măng sẽ gây đau nhức, thậm chí mưng mủ ở vết thương.

Trong sinh hoạt hàng ngày, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành (tương chao, giá đỗ, đậu hủ, sữa đậu nành) rất phổ biến, dùng cho mọi đối tượng nam - nữ, trẻ già, là món “hạ nhiệt” cho phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh. Y học chứng minh đậu nành có tác dụng đối với hormone nữ nên sẽ là món “khắc tinh” của nam giới. Đặc biệt, có hai loại rau củ nguy hiểm với sức khỏe con người mà ít ai để ý, đó là củ khoai tây đã bị mọc mầm (lớp vỏ ngoài thường có màu xanh) và trái cà chua còn xanh (vỏ ngoài chưa chín đỏ, không được dùng khi còn sống). Hai củ quả này đều chứa chất gây hại cho sức khỏe có thể dẫn đến ngộ độc.

Ngoài ra nấu ăn ngon, trình bày đẹp đẽ chưa đủ mà các món ăn còn cần phải được kết hợp đúng cách. Có những loại thực phẩm không thể ăn cùng một lúc đươc vì tương khắc với nhau, có thể gây những phản ứng không tốt cho sức khỏe đôi khi còn nguy hại đến tính mạng như: Rau cần, cà rốt kị gan động vật; các rau quả chứa nhiều vitamin C kỵ với dưa chuột, sữa, và các loại động vật có vỏ sống dưới nước; củ cải trắng kỵ lê, táo, nho; cà rốt, rau câu, rau cải kỵ với dấm; sữa đậu nành, đậu phụ kỵ rau chân vịt, mật ong,…Rau là món ăn lành mạnh nhưng nên phối hợp một cách phong phú và khoa học trong thực đơn, không nên lạm dụng một vài món, dễ gây mất cân bằng dinh dưỡng và có thể... “khổ vì rau”.
 
PV


Các bài viết khác