Trung ương Hội

Tình trạng tôn gian, kém chất lượng tràn lan thị trường

9 năm trước

Nhằm hưởng ứng Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái Việt Nam (29/11), Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam phối hợp với Thời báo kinh tế Việt Nam tổ chức hội thảo “Tình trạng tôn gian, kém chất lượng nhập khẩu hậu quả và giải pháp”.

Tình trạng tôn gian, kém chất lượng tràn lan thị trường
 Thống kê 9 tháng đầu năm, các nhà sản xuất tôn, thép chỉ tiêu thụ được 2.268.000 tấn. Trong khi đó, khối lượng NK - tiêu thụ tại thị trường trong nước là 1.078.000 tấn. Như vậy, tôn NK chiếm tới 32,2% thị trường trong nước.

PGS. TS. Vũ Đình Hòe, Phó tổng biên tập Thời Báo Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Những năm gần đây, tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái xuất hiện ngày càng nhiều, với thủ đoạn tinh vi, trong đó có lĩnh vực tôn mạ màu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động SXKD của các DN chân chính, làm mất lòng tin của NTD, làm xấu đi hình ảnh quốc gia”.

Do tính ưu việt của tôn thép mạ, đặc biệt là tôn sơn phủ màu, ngày càng được NTD sử dụng rộng rãi. Từ năm 2010 đến nay, hàng năm, mặt hàng này tăng từ 10 - 30% về mức độ tiêu thụ.

Đặc điểm của mặt hàng tôn mạ và tôn sơn phủ màu là khó xác định chất lượng, độ dày của tôn. Vì thế, sự hiểu biết của NTD về mặt hàng này còn hạn chế. Đây chính là cơ hội cho những hành vi gian lận để trục lợi, NTD bị “móc túi” mà không hay biết!

Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, sản xuất tôn thép mạ và phủ màu là phân khúc quan trọng của ngành thép, với tốc độ tăng trưởng nhanh (17%/năm), tính cạnh tranh cao, là sản phẩm XK chủ yếu của ngành thép (năm 2014 chiếm 30% kim ngạch XK của ngành thép). Những dấu hiệu nhận biết tôn giả, tôn kém chất lượng như in nhãn mác giả, nhái thương hiệu của các nhà sản xuất có uy tín, gian lận độ dày tôn, độ dày lớp mạ, bán hàng không có hóa đơn, không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chia sẻ, có lẽ chỉ những người trong ngành mới biết rất rõ rằng, tôn mạ của Trung Quốc không bảo đảm về độ dày tiêu chuẩn và chất lượng mạ kém, lại có giá rẻ do được hỗ trợ về chính sách thuế. Đây là một áp lực lớn đối với doanh nghiệp sản xuất mạ trong nước.

Trước tình trạng tôn gian, kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường, gây ảnh hưởng tới quyền lợi trực tiếp của NTD cũng như các DN làm ăn chân chính, ông Vũ Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tôn Hoa Sen đã chỉ rõ những hành vi gian lận trong mặt hàng này như gian lận về độ dày tấm tôn (còn gọi là độ dem), là độ dày thực tế của tấm tôn thấp hơn so với độ dày mà nhà sản xuất công bố, được thể hiện ở dòng in trên bề mặt tấm tôn; gian lận về lớp mạ, là lượng mạ không đủ so với công bố của nhà sản xuất, chất lượng mạ không bảo đảm sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của tấm tôn…

Ông Thanh kiến nghị, cần có chế tài mạnh để kiểm tra nghiêm ngặt - xử lý triệt để đối với các cơ sở SXKD gian dối, kiếm lời bất chính, bảo đảm quyền lợi cho NTD và các DN làm ăn chân chính. Về phía DN, cần tổ chức những hoạt động tuyên truyền, phổ biến cho NTD cách phân biệt giữa tôn chính hãng và tôn kém chất lượng, tôn giả, tôn nhái, cũng như nhận biết các hình thức gian lận thương mại đang diễn ra phổ biến trên thị trường hiện nay.

Đồng thời, cần ban hành bộ tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng tôn thép, vì tình trạng hàng NK giá rẻ gia tăng đột biến trong những năm gần đây (trong đó tôn NK Trung Quốc chiếm tới 90% lượng tôn NK vào Việt Nam) đe dọa nghiêm trọng đến nền sản xuất trong nước.

Ông Hùng đề xuất: “Cần bảo đảm quyền được an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản là quyền hàng đầu trong 8 quyền của người tiêu dùng khi sử dụng hàng hóa. Đối với mặt hàng tôn, thép, nhất là tôn thép xây dựng có liên quan đến chất lượng công trình, an toàn cho người sử dụng, vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải tiếp tục kiểm tra trên diện rộng để kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi gian lận để trục lợi bất chính”.

Các bài viết khác