Trung ương Hội

Nhiều bất cập trong minh bạch thông tin sản phẩm hàng hóa

9 năm trước

 Hưởng ứng ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới, sáng 23-4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) và kênh truyền hình O2TV phối hợp tổ chức Hội thảo "Dinh dưỡng lành mạnh và quyền được thông tin của người tiêu dùng".

Nhiều bất cập trong minh bạch thông tin sản phẩm hàng hóa
Hội thảo có sự tham gia của đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, các chuyên gia về chất lượng hàng hóa, dinh dưỡng, cùng đại diện các Hội tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng (NTD) địa phương.

Thông tin cung cấp không rõ ràng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, ở nước ta hiện nay, vấn đề minh bạch thông tin của sản phẩm hàng hóa, trong đó có thực phẩm còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng quyền được thông tin của NTD bị xâm hại.

Việc ghi nhãn hàng hóa, thông tin về nguồn gốc xuất xứ, cung cấp hóa đơn, chứng từ, cảnh báo về sản phẩm... đang được thực hiện tốt tại các siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng, cửa hiệu theo phương thức kinh doanh mới. Nhưng những thông tin này chưa được đáp ứng về chất lượng, thông tin cung cấp không rõ ràng, không đầy đủ dễ gây nhầm lẫn, hiểu nhầm.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế mà các doanh nghiệp gặp phải trong việc cung cấp thông tin cho NTD: Quảng cáo trên truyền hình gần đây thường có dấu hiệu sai phạm như thiếu tên, địa chỉ liên hệ của người bán hàng; hình ảnh minh họa, tên gọi của sản phẩm dễ gây nhầm lẫn với các hàng hóa khác; thông tin về chất lượng hàng hóa bị thổi phồng so với sự thật...

Ngoài ra, còn một số thực trạng khác vẫn đang tiếp diễn trong doanh nghiệp như: Giá thu thực tế cao hơn giá niêm yết; thông tin không được kiểm chứng rõ ràng; không có hướng dẫn đầy đủ về việc bảo quản, bảo hành. Ngoài ra, vấn nạn tin nhắn, thư điện tử lừa đảo hoặc việc để cho các nội dung quảng cáo liên tục phát trên các sóng truyền hình có một phần trách nhiệm liên đới của bên thứ 3.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam cho biết, quyền được thông tin là 1 trong 8 quyền của NTD theo bản hướng dẫn về bảo vệ NTD do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 9-4-1985. Theo đó, NTD có quyền được cung cấp những thông tin cần thiết về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Trên thế giới, quyền được thông tin của NTD rất được chú trọng, cụ thể, đưa nội dung giáo dục về tiêu dùng như tiêu dùng tiết kiệm, tiêu dùng bền vững vào trường học. Một số nước như Hàn Quốc, Mỹ còn lập ra tuần lễ quốc gia về NTD để thu hút sự quan tâm của toàn xã hội về những chủ đề như: Năng lượng, thực phẩm biến đổi gen, gian lận trong thương mại điện tử.

Ông Cao Xuân Quảng, Trưởng ban Bảo vệ NTD, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) nhận định, nhằm đảm bảo quyền lợi của NTD Việt Nam, luật bảo vệ quyền lợi NTD đã đưa ra nhiều quy định trong đó có trách nhiệm cung cấp thông tin cho NTD của doanh nghiệp: Ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật; Niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm kinh doanh; Cảnh báo khả năng hàng hóa có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của NTD và các biện pháp phòng ngừa...

Về phía các cơ quan nhà nước, họ cần phải tăng cường công tác tuyên truyền về quyền được cung cấp thông tin của NTD; Khuyến khích và thúc đẩy phát triển các trung tâm tư vấn cho NTD; Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD, đặc biệt hành vi vi phạm cung cấp thông tin cho NTD.

Ngoài ra, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã xây dựng hệ thống tiếp nhận, phản ánh, xử lý khiếu nại của NTD, liên kết với các tổng đài của cơ quan, tổ chức bảo vệ NTD địa phương để kịp thời tiếp nhận và xử lý các phản ánh, khiếu nại của NTD.
 

Các bài viết khác