Trung ương Hội

Dinh dưỡng lành mạnh - Chủ đề Ngày quyền NTD thế giới 2015

9 năm trước

Chủ đề của Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới (WCRD) năm 2015 do Quốc tế người tiêu dùng (CI) đưa ra là: “Dinh dưỡng lành mạnh”.

Dinh dưỡng lành mạnh - Chủ đề Ngày quyền NTD thế giới 2015
Lý do chọn chủ đề này, theo CI là vì chế độ ăn uống không lành mạnh liên quan đến bốn trong mười nguyên nhân gây tử vong lớn nhất trên toàn thế giới: thừa cân và béo phì, huyết áp cao, đường huyết cao và cholesterol cao. Chi phí béo phì được ước tính trị giá 2 nghìn tỷ USD mỗi năm. Đã đến lúc thế giới phải nhận ra cái giá của chế độ ăn không lành mạnh. Tất cả mọi người tiêu dùng có quyền có thực phẩm không chỉ để ăn, mà thực phẩm phải lành mạnh. Một hiệp ước liên kết toàn cầu sẽ đảm bảo cho người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận thực phẩm lành mạnh và dẫn đến một hệ thống thực phẩm bền vững, công bằng hơn. Sự gia tăng các bệnh liên quan đến chế độ ăn uống như béo phì, tiểu đường, bệnh tim và một số bệnh ung thư đại diện cho một cuộc khủng hoảng y tế công cộng quốc tế lớn. Số lượng những người thừa cân và béo phì tiếp tục tăng, cho đến nay, không một quốc gia đơn lẻ nào đã thành công trong việc đảo ngược sự gia tăng này. Các tác động của chế độ ăn không lành mạnh lên sức khỏe hiện nay vượt quá tác động do hút thuốc lá. Các tác động của bệnh béo phì lên GDP toàn cầu tương đương với chi phí của chiến tranh, bạo lực súng đạn và khủng bố. Đây là một vấn đề có ảnh hưởng đến mọi người trong thế giới phát triển và đang phát triển, với sự tăng nhanh nhất xảy ra ở miền Nam toàn cầu. Người tiêu dùng và sự lựa chọn của người tiêu dùng là trung tâm để giải quyết vấn đề này. Tính khả dụng và khả năng chi trả của các loại thực phẩm không lành mạnh, việc thực hành tiếp thị của các công ty thực phẩm quốc tế lớn và sự thiếu thông tin cập nhật làm cho người tiêu dùng ngày càng khó lựa chọn một chế độ ăn uống lành mạnh.

Tại Đại hội đồng Y tế thế giới tháng 5 năm 2014, CI đã đưa ra lời kêu gọi cho một Công ước toàn cầu về chế độ ăn uống lành mạnh và công bố một loạt các kiến nghị cho các quốc gia thành viên xem xét. Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới sẽ là bước thúc đẩy tiếp theo trong nỗ lực đảm bảo sự ủng hộ của các Quốc gia Thành viên cho Công ước toàn cầu và sự thông qua cuối cùng bản Công ước bởi WHO.

Ở nước ta, Nhà nước đã ban hành hệ thống pháp luật, trong đó có Luật An toàn thực phẩm. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm; Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng; về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và nhiều chương trình cụ thể khác, nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng thực phẩm; đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Sau những năm triển khai thực hiện đã thu nhiều kết quả.

Tuy nhiên, an toàn thực phẩm vẫn là mối quan tâm của toàn xã hội. Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra, có vụ dẫn đến tử vong. An toàn thực phẩm trước hết phụ thuộc vào nguồn thực phẩm cung ứng trên thị trường. Bên cạnh những thực phẩm bảo đảm chất lượng, người tiêu dùng đang phải đối mặt với những thực phẩm không an toàn do tồn dư hóa chất, vi khuẩn độc hại và tác nhân khác, từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu. Quá trình từ sản xuất đến tiêu dùng, an toàn thực phẩm không chỉ phụ thuộc vào sản xuất, chế biến, vận chuyển, bảo quản, kinh doanh, kiểm tra, kiểm soát mà còn phụ thuộc vào chính người tiêu dùng. Việc tiêu dùng không hợp lý sẽ dẫn đến những hậu quả không mong muốn đối với sức khỏe. Tình trạng lạm dụng rượu, bia, thuốc lá là một điển hình.

Để hưởng ứng chủ đề do CI đưa ra và từ thực tế Việt Nam, Trung ương Hội chọn chủ đề Ngày 15/3/2015 là “Dinh dưỡng lành mạnh”.

Các Hội tỉnh, thành phố, các Tổ chức trực thuộc căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, đơn vị để tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới năm nay hiệu quả, thiết thực, góp phần vào việc đẩy mạnh thực thi luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở nước ta./.

Các bài viết khác