Thị trường

Yêu cầu mới đối với phát triển Hệ thống tiêu chuẩn Quốc gia ở Việt Nam

4 năm trước

Nhằm đáp ứng kịp thời sự phát triển không ngừng của sản xuất, kinh doanh, cũng như góp phần thuận lợi hóa thương mại trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với những hiệp định tự do thương mại thế hệ mới vừa được ký kết, cần có giải pháp cải tiến và nâng cao trình độ khoa học-công nghệ của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) nói chung, cũng như tăng cường hài hoà TCVN với các tiêu chuẩn quốc tế (TCQT), tiêu chuẩn khu vực (TCKV) ...

Yêu cầu mới đối với phát triển Hệ thống tiêu chuẩn Quốc gia ở Việt Nam

Thương mại thế giới ngày càng phát triển cùng với sự phát triển của sản xuất và tiêu dùng. Nếu trước đây các hoạt động giao dịch chủ yếu là các sản phẩm hữu hình, thì ngày nay ngày càng nhiều sản phẩm dịch vụ, phi vật thể. Các thể nhân trên thị trường giao dịch cũng gia tăng về số lượng và quy mô, thực hiện kinh doanh thương mại theo hướng chuyên ngành và đa ngành. Các phương thức giao dịch cũng ngày càng hiện đại, nhiều dịch vụ thương mại mới ra đời. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến đầu tư, hợp tác chuyển giao công nghệ, thuận lợi hóa thủ tục hải quan... trong quan hệ hợp tác giữa các quốc gia, các nhà sản xuất và phân phối cũng được đẩy mạnh. Chính vì vậy, trong các chủ trương, chính sách của Việt Nam đã có định hướng về phát triển tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ thương mại quốc tế như sau:

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ số 103/NQ-CP ngày 05/12/2016 đã nêu Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ Công Thương và bộ, ngành liên quan đề xuất phương án rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để xây dựng hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Trong Quyết định 1137/QĐ-TTg ngày 03/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cũng đã nêu rõ giải pháp nâng cao chất lượng đối với sản phẩm xuất khẩu: “Đẩy nhanh việc xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu, bao gồm tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn môi trường”.

Trong Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 19/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực cũng đã yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ “Xây dựng và hoàn thiện các quy định, tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu, phù hợp với cam kết và quy định quốc tế”.

Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo cũng đã nêu Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành: “Xây dựng, ban hành kịp thời, đầy đủ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, quản lý quy trình sản xuất, dịch vụ”.

Đứng trước bối cảnh hội nhập quốc tế hàng rào quan thuế ngày càng được dỡ bỏ và đích của nó sẽ về mức từ 0 - 5%. Ngược lại, nhiều hàng rào phi thuế quan như: các biện pháp phòng vệ trong thương mại, các quy định về giữ gìn môi trường sinh thái, vệ sinh an toàn thực phẩm, về xuất xứ hàng hóa, yêu cầu về an sinh xã hội, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động… sẽ được dựng lên dày đặc và sẽ khó vượt qua, cùng với xu hướng phát triển kinh tế xanh, sản phẩm tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường, các tiêu chuẩn cao được đặt ra, việc phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ở Việt Nam cần có các yêu cầu mới để đáp ứng sự phát triển bền vững: kinh tế, môi trường và xã hội, cụ thể:

- Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến hệ thống tiêu chuẩn quốc gia nhằm thực thi có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sẽ ký kết, tận dụng cơ hội và phòng ngừa, giảm thiểu các thách thức do tranh chấp quốc tế, nhất là tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế. 

- Căn cứ vào yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia có trọng tâm và trọng điểm đáp ứng với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, để đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia có thể phát huy hiệu quả cao nhất khi đưa vào áp dụng.

- Hài hòa tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế cần đảm bảo tính hợp lý, có chọn lọc để vừa hạn chế những tác động tiêu cực do việc hài hòa tiêu chuẩn gây ra, vừa đảm bảo cập nhật với tiến bộ của khoa học - công nghệ.

- Chú trọng xây dựng, phát triển tiềm lực tiêu chuẩn hóa, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực trẻ và thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao nhằm phát triển năng lực nội sinh của đất nước trong phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia.

- Đẩy mạnh, đổi mới cách thức, biện pháp thông tin, tuyên truyền về hoạt động tiêu chuẩn hóa, đảm bảo khả năng tiếp cận thông tin cũng như cung cấp thông tin kịp thời cho các bên liên quan.

Để đáp ứng được các phương hướng nêu trên trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế, cần phải nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn quốc gia và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia theo các mục tiêu sau:

- Mở rộng độ bao quát của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, nhằm đáp ứng tốt hơn mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng;

- Nghiên cứu giảm thiểu tỷ lệ tiêu chuẩn quốc gia xây dựng theo phương pháp không tương đương với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực;

- Rà soát hệ thống tiêu chuẩn quốc gia theo đúng quy định, đảm bảo cập nhật với tiến bộ của khoa học - công nghệ và đáp ứng các yêu cầu FTA thế hệ mới;

- Tăng cường sự tham gia vào hoạt động của các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu, đặc biệt là Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) và Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC) song song với việc phát triển các mối quan hệ song phương với các tổ chức tiêu chuẩn hàng đầu của nước ngoài khác, như Hiệp hội thử nghiệm và vật liệu Hoa Kỳ (ASTM), Viện Tiêu chuẩn quốc gia Hoa Kỳ (ANSI),...;

- Triển khai quy hoạch, lập kế hoạch và tổ chức xây dựng một số nhóm tiêu chuẩn chiến lược phục vụ phát triển kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng (nhóm tiêu chuẩn trong lĩnh vực Đô thị thông minh, Tiết kiệm năng lượng, An toàn thực phẩm, Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, các Hệ thống quản lý);

- Đối với các Bộ, ngành khi xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia chuyên ngành phải bám sát vào các định hướng quy hoạch phát triển ngành;

- Huy động sự tham gia của các thành phần xã hội, đặc biệt là các tổ chức khoa học, giáo dục và đào tạo, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế để đáp ứng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ hội nhập quốc tế trong phát triển hệ thống tiêu chuẩn  quốc gia;

- Phát triển cổng thông tin doanh nghiệp, trang tin thông tin cảnh báo về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Việc thực hiện tốt những mục tiêu nêu trên sẽ góp phần cải tiến và nâng cao trình độ khoa học - công nghệ của hệ thống TCVN nói chung cũng như tăng cường hài hoà TCVN với các TCQT, TCKV cả về phương pháp luận xây dựng tiêu chuẩn lẫn nội dung và hình thức của các tiêu chuẩn tương đương để góp phần giảm bớt và tiến tới xoá bỏ những rào cản kỹ thuật không cần thiết trong thương mại, xây dựng những hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết./.

 

TS. Ngô Thị Ngọc Hà, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam

 

 


Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác