Thị trường

“Hàng mua rồi miễn đổi trả lại” là chiêu kinh doanh sai lầm

10 năm trước

 Người tiêu dùng quá quen thuộc với khẩu hiệu “Hàng mua rồi miễn đổi trả lại”, nhưng đây đang là phương thức bán hàng sai lầm của các đơn vị kinh doanh.

“Hàng mua rồi miễn đổi trả lại” là chiêu kinh doanh sai lầm
Ảnh minh họa

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nói như vậy để chỉ ra một thực trạng: Dịch vụ sau bán hàng của các đơn vị kinh doanh vẫn còn quá yếu kém. Dù đây là vấn đề chưa bao giờ hết “nóng” đối với người tiêu dùng.

Theo ông Phú, hàng hóa có thể bị sót lỗi, khuyết trong quá trình sản xuất nhưng dịch vụ chăm sóc khách hàng sau đó phải được tiến hành đầy đủ để làm hài lòng người tiêu dùng.

Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường bán lẻ thì ngày càng khốc liệt, khi người tiêu dùng có tâm lý chọn những hàng chất lượng tương đương nhưng giá rẻ hơn.

Bên cạnh đó, thời gian qua trên thị trường xuất hiện rất nhiều thông tin về hàng hóa kém chất lượng với các phản ánh của người tiêu dùng về một số mặt hàng như chả cá, sữa, hoa quả…
Siêu thị bán lẻ hiện đại mọc lên ngày càng nhiều nhưng bán hàng quá hạn sử dụng, hay hạn sử dụng vẫn còn nhưng mở ra sản phẩm bên trong không thể sử dụng được…Những thông tin này khiến người tiêu dùng không biết đặt niềm tin vào đâu.

Vì vậy, nếu doanh nghiệp không quan tâm đúng mức đến việc giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng, làm tốt dịch vụ sau bán hàng thì việc xây dựng thương hiệu trước đó sẽ “đổ ra sông ra bể”.

Tại hội thảo “Nâng cao lòng tin của người tiêu dùng và uy tín doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của thị trường nội địa”, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng cho rằng các doanh nghiệp cần đảm bảo đầy đủ các quyền của người tiêu dùng như: được an toàn, được thông tin, được bồi thường…

Để thị trường nội địa trở nên tin cậy hơn với người tiêu dùng thì cần sự tham gia của 3 phía là các doanh nghiệp sản xuất và phân phối bán lẻ, cơ quan quản lý nhà nước và chính người tiêu dùng.

Theo luật sư Dương Công Thành, nếu chỉ là gặp vấn đề với các hàng tiêu dùng bình thường, chi phí khởi kiện quá lớn, thời gian kéo dài… khiến người tiêu dùng quá nản để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Trên tình hình thực tế, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, nhiều doanh nghiệp lớn đã thể hiện trách nhiệm cao trong việc giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp vì làm ăn chộp giật nên đã bỏ mặc các vấn đề khiếu nại của người tiêu dùng.

Cùng quan điểm với các chuyên gia trong vấn đề phải giải quyết tốt các khiếu nại của người tiêu dùng và các dịch vụ sau bán hàng, bà Loan cho rằng, khiếu nại của người tiêu dùng dù chỉ nhỏ như hạt muối nhưng nếu các doanh nghiệp không có biện pháp xử lý tốt thì uy tín doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trang Nhung

Các bài viết khác