Đại lý nhỏ lẻ bán giá cao hơn siêu thị?
Tại hội thảo “Sữa và các sản phẩm sữa. Thông tin và tiếp cận thông tin về thị trường, chất lượng, giá cả” do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) tổ chức sáng 19/9.
Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký VINASTAS cho biết, Việt Nam đã có thị trường sữa cạnh tranh. Và đối với người tiêu dùng thì “thị trường cạnh tranh lành mạnh là yêu cầu quan trọng để thực hiện quyền lựa chọn của mình”.
Đi sâu phân tích thị trường sữa, ông Tuấn cho biết hiện nay có nhiều nhà cung cấp, nhiều chủng loại sữa khác nhau và với giá cả cũng khác nhau. “Tuy nhiên những thông tin có được để giúp người tiêu dùng có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất đều rất thiếu, và nếu có thì cũng không cập nhật, không được kiểm chứng, không chỉ dẫn và không liền mạch từ những nhà cung cấp, cơ quan quản lý đến người mua”.
Ông Tuấn đưa ra dẫn chứng: “Trong thời gian vừa qua, một số thông tinđã từng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người tiêu dùng, đến hoạt động kinh doanh của DN như: sữa có đỉa, sữa bị nhiễm khuẩn clostridium butilium, sự chênh lệch giá sữa nhập khẩu và sữa nội… đều không được kiểm chứng. Tuy nhiên, những thông tin này lại lan truyền rất nhanh, khiến tâm lý người tiêu dùng hoang mang”.
Cũng tại hội thảo, Ông Tuấn đã công bố kết quả khảo sát giá bán lẻ sữa trên 11 tỉnh, thành phố, bao gồm: Bắc Giang, Quảng Ninh, Tiền Giang, Bến Tre, Đắc Lắc, Hà Nam, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Ninh, Quảng Nam, Bắc Cạn và đã phát hiện 2 sản phẩm sữa (trong tổng số 25 sản phẩm sữa) có giá bán lẻ cao hơn so với quy định của Bộ Tài chính.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, giá bán lẻ tại các cửa hàng nhỏ lẻ thường cao hơn giá bán lẻ tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích và đại lý. Nguyên nhân là tại những cửa hàng nhỏ lẻ này thường nằm trong các ngõ xóm nên rất khó kiểm soát và không bị khống chế giá bán theo quy định của Bộ Tài chính.
Khó kiểm soát
Bà Phạm Thị Vĩnh Hà - Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, những tháng đầu năm 2014, giá sữa liên tục tăng đã gây bức xúc và làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Trước tình hình trên, ngày 20/5/2014, Bộ Tài chính đã ra quyết định số 1079/QĐ-BTC quy định giá bán đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi."Đối với người tiêu dùng, thị trường cạnh tranh lành mạnh là yêu cầu quan trọng để thực hiện quyền lựa chọn của mình". Theo đó, 25 sản phẩm sữa đã được Bộ Tài chính áp giá trần. Cũng theo quy định, các cơ sở phải thực hiện niêm yết giá bán lẻ các sản phẩm sữa bằng, hoặc thấp hơn giá bán lẻ tối đa được công bố công khai trên website của Bộ Tài chính, Sở Tài chính các tỉnh.Sau khi Quyết định của Bộ Tài chính được ban hành, Cục Quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và thấy rằng, việc chỉ đạo và tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường sữa tại các địa phương bước đầu đã đi vào trọng tâm, trọng điểm, nhưng chưa làm được nhiều, mới dừng lại ở một số địa bàn.
Việc chia sẻ thông tin giữa các Chi cục Quản lý thị trường và với lực lượng chức năng khác có lúc chưa kịp thời, còn nặng về hành chính. Trong khi đó diễn biến thị trường ngày càng phức tạp, các vụ việc đột xuất, mới phát sinh có xu hướng gia tăng và ngày càng khó kiểm soát.Bà Hà kiến nghị, trong thời gian tới các địa phương phải tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các đại lý, siêu thị không tuân thủ theo giá bán đã đăng ký. Rà soát, tổng hợp các vướng mắc, đặc biệt lưu ý phát hiện các thủ đoạn mới, tìm ra quy luật hoạt động của các đối tượng để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.Cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh hiểu về quy định kinh doanh sản phẩm sữa như: phải niêm yết giá các sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi và bán đúng với giá niêm yết. Bên cạnh đó, cũng cần cung cấp thông tin cho người tiêu dùng để họ biết và lựa chọn những nơi có giá bán hợp lý…