“Đốt” hơn 22 nghìn tỷ/năm
“Tỷ lệ ở nam giới hút thuốc chiếm hơn 47% và nữ giới chiếm 1,4% đồng nghĩa gần 16 triệu người trưởng thành ở nước ta hút thuốc. Cứ trung bình 2 nam giới thì có một người hút thuốc”- đại diện Văn phòng Chương trình phòng chống thuốc lá cho hay.
Theo thống kê, ngoài gần 16 triệu người hút thuốc còn 33 triệu người không hút thuốc lá đang bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc tại nhà và 5 triệu người tiếp xúc khói thuốc lá thụ động tại nơi làm việc. Trong khi đó, việc sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá trong thanh thiếu niên đang tăng và độ tuổi bắt đầu hút thuốc ngày càng trẻ.
Có tới 21,6% nam thanh niên từ 16-24 tuổi là người hút thuốc. Trong một nghiên cứu khác cũng phát hiện có tới 17% học sinh nam hút thuốc và 14,3% học sinh nam, nữ trong độ tuổi 13-15 trả lời có ý định hút thuốc trong tương lai…
Những thống kê từ Viện Chiến lược và chính sách y tế công bố mới đây cho thấy thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở nam giới với gần 11% tổng số ca tử vong ở nam do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Ngoài gây ra tử vong hàng đầu, thuốc lá còn là gánh nặng kinh tế.
Bà Bùi Ngọc Linh- Khoa Kinh tế y tế- Đại học Y tế công cộng, cho biết nghiên cứu về chi phí y tế trực tiếp cho bệnh nhân nội trú thuộc 5 nhóm bệnh ở VN là ung thư phổi, ung thư đường hô hấp và tiêu hóa trên, bệnh tim thiếu máu cục bộ, đột quỵ và hen suyễn quy thuộc cho thuốc lá cho thấy chi phí bỏ là gần 22 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9 GDP cả nước.
Trong khi đó, chi phí trực tiếp cho bệnh nhân ngoại trú thuộc 5 nhóm bệnh trên cũng hơn 8 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, còn hàng nghìn tỷ chi phí không tính được do ảnh hưởng bởi thuốc lá như: năng suất lao động giảm, tổn thất do cháy nổ, phá rừng lấy gỗ sấy thuốc lá…
Giảm chết: đánh mạnh vào thuế
Năm 2006 VN điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá 55%. Năm 2008 điều chỉnh lên 65%. Bác sĩ Lê Văn Tuân- Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại VN, cho rằng mức tăng thuế trong hai năm trên chỉ có tác dụng giảm tiêu dùng trong hai năm này nhưng không duy trì giảm tiêu dùng trong những năm tiếp theo.
“Năm 2006 tổng tiêu dùng thuốc lá trong nước giảm từ 4032 triệu bao xuống còn 3451 triệu bao. Nhưng năm 2007 tổng tiêu dùng tăng trở lại đạt 3897 triệu bao, xấp xỉ mức tiêu dùng trước khi tăng thuế”- ông Tuân dẫn chứng. “Nguyên nhân chính của việc mức tiêu dùng không giảm qua các năm do mức tăng thuế quá thấp”- bác sĩ Tuân đúc kết.
Bà Phan Thị Hải- Phó Văn phòng Phòng chống tác hại thuốc lá của Bộ Y tế cho biết, việc tăng thuế có tác động làm tăng thu thêm ngân sách nhưng mức tiêu dùng thuốc lá vẫn không giảm mà ngược lại tăng lên. Khi đề cập đến việc tăng thuế, một số ý kiến lo ngại về vấn đề thuốc lá lậu nhưng điều này theo cơ quan chức năng thiếu cơ sở.
Theo số liệu của Hiệp hội Thuốc lá VN thuốc lá lậu được tiêu thụ tại thị trường VN không ảnh hưởng đến thời điểm tăng thuế. “Số liệu thuốc lá có sự sụt giảm từ năm 2009 đến năm 2011 là thời điểm sau khi thuế tăng năm 2008”- bà Hải nói.
Trong một điều tra tiêu dùng tại 12 tỉnh được thực hiện bởi Liên minh phòng chống thuốc lá Đông Nam Á cho thấy có 3 loại thuốc lá lậu phổ biến chiếm tới 90% thị phần thuốc lá lậu. Kết quả phân tích cho thấy, thuốc lá lậu có giá đắt hơn thuốc lá hợp pháp từ 30%-60% tùy theo khu vực. Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất phương án thuế thuốc lá sẽ tăng từ 65% như hiện nay lên 75% vào năm 2015 và 85% vào năm 2018.
Theo đề xuất này có thể tăng tổng thu thuế thuốc lá lên 21 nghìn tỷ đồng vào năm 2015 và năm 2018 đạt hơn 30 nghìn tỷ. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế mức đề xuất này là còn quá thấp. Bộ này đề xuất lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt tăng thuế từ 65% lên 105% năm 2015 đến 2017. Đến năm 2018 và 2019 tăng lên 145%.
“Với lộ trình này giá bán lẻ thực tế có thể tăng khoảng 21% làm sức mua sẽ giảm”- bà Hải đề xuất. Để đạt mục tiêu quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phải giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới từ 47,4% hiện nay xuống còn 39% năm 2020 nên thực hiện theo lộ trình tăng thuế thuốc lá như phương án của Bộ Y tế.
Khoảng 40 nghìn người tử vong mỗi năm do thuốc lá gây ra, con số này dự báo sẽ lên 70 nghìn người vào năm 2030. Đại diện BV K cho biết tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm hơn 96% còn không hút thuốc chỉ hơn 3%. Tuy nhiên, việc xử phạt hút thuốc nơi công cộng đến nay vẫn không hiệu quả.
Lê Nguyễn