Thị trường

Thiếu minh bạch nguồn gốc sữa đang làm hại nông dân

10 năm trước

 Trong câu chuyện nông dân phải cay đắng đổ sữa ra đường gần đây, theo PGS.TS Nguyễn Đăng Vang (Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam) có nguyên nhân ngoài tầm kiểm soát của nông dân

Thiếu minh bạch nguồn gốc sữa đang làm hại nông dân
Theo ông Vang, giá sữa bột thế giới đang rớt thê thảm, các doanh nghiệp kinh doanh sữa trong nước thích dùng sữa bột hơn mua sữa tươi của nông dân.

Thưa ông! Gần đây tại Lâm Đồng và Gia Lâm (Hà Nội), nông dân lại phải đổ sữa ra đường vì doanh nghiệp không thu mua hết. Trong khi sữa tươi trong nước vẫn bị cho là thiếu; mỗi năm phải nhập hơn 1 tỷ USD sữa bột. Theo ông, nguyên nhân của hiện tượng bất thường này nằm ở đâu?

Nguyên nhân không phải do sữa tươi sản xuất quá nhu cầu, thừa phải đổ đi. Lượng sữa tươi năm 2014 ở Việt Nam sản xuất được khoảng 550 triệu lít/năm. Trong đó khoảng 20% làm sữa chua rồi, như vậy còn lại khoảng 450 triệu lít sữa tươi. Trong khi đó, theo các thông tin có được, năm vừa rồi chúng ta sản xuất được 914 triệu lít sữa nước. Lấy 914 triệu lít đó trừ đi con số 450 triệu lít sữa tươi thì còn hơn một nửa là sữa bột hoàn nguyên. Các nước như trên thế giới và ngay ở Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan 100% sữa nước đều từ sữa tươi. Nước ta do chưa đủ sữa tươi nên mới phải dùng sữa bột hoàn nguyên.

Mỗi lít sữa nước được pha ra từ sữa bột, trong trường hợp chưa bổ sung gì giá đầu năm 2014 là 12.000 đồng/lít. Hiện nay giảm còn khoảng 6.300 đồng/lít. Giá mua sữa tươi trong nước của nông dân trong cả năm cơ bản vẫn khoảng 13.500 đồng/lít. Đứng trước sự lựa chọn đó, rõ ràng, doanh nghiệp thích mua sữa bột hơn là sữa tươi của nông dân. Tuy nhiên, nếu sữa bột hoàn nguyên thành sữa nước phải bổ sung thêm các chất dinh dưỡng để tốt được như sữa tươi thì giá thành sẽ cao hơn cả sữa tươi, nhưng không ai kiểm soát đâu là sữa bột hoàn nguyên, đâu là sữa tươi và trên bao bì cũng không ghi rõ ràng. Do đó, giá sữa tươi của hộ nông dân không hấp dẫn nữa.

Theo ông, để giải quyết vấn đề này cần giải pháp gì?

Vai trò của cơ quan chức năng quản lý nhà nước lúc này là phải giúp phân biệt rõ đâu là sữa tươi, đâu là sữa bột hoàn nguyên trên bao bì sản phẩm. Nếu bao bì nào không ghi rõ được có nghĩa là không trung thực. Cần dựa vào Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kĩ thuật để bắt buộc phải ghi rõ nhãn mác trên bao bì.
Hiện nay, người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là sữa tươi tiệt trùng, đâu là sữa hoàn nguyên tiệt trùng. Nếu ghi là sữa bột hoàn nguyên thì hiện tại chúng ta không cấm, nhưng chúng ta phải có quy định ghi rõ là sữa bột hoàn nguyên trên bao bì. Có như vậy, người tiêu dùng sẽ không nhầm lẫn. Nếu như chúng ta làm được việc này thì sẽ không có tình trạng như thế này diễn ra.

Xin nói thêm là năm 2014 ngoài sữa nước, chúng ta cả nước tiêu dùng 81.000 tấn sữa bột, tương đương khoảng 700 triệu lít; cộng với 914 triệu lít thành 1,6 tỷ lít. Lấy con số đó, chia cho 90 triệu dân sẽ tương đương gần 18 lít/ người. Nhưng trong đó, chỉ có 5 lít sữa tươi, như vậy 72% sản phẩm tiêu dùng hiện nay là từ sữa bột. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục phát triển nhanh đàn bò sữa và theo định hướng của Chính phủ đến năm 2020, tức còn 6 năm nữa, phải tăng sản lượng sữa tươi lên gấp đôi, tức 1 triệu tấn sữa tươi.

Vậy cách thức cụ thể nào để bảo vệ và khuyến khích sản xuất sữa tươi trong nước, thưa ông?

Ở các nước hầu hết đều có Hội đồng sữa quốc gia gồm có 4 thành phần: đại diện nhà nước, đại diện nhà chế biến, đại diện hiệp hội tiêu dùng, đại diện nhà sản xuất sữa tươi nguyên liệu. Những lúc thế này thì 4 nhà ngồi lại với nhau và họ đưa ra giải pháp. Ví dụ, như hiện nay, khi các hãng sữa thấy sữa bột hạ xuống, không mua sữa tươi nữa. Việc đó, không ai cấm. Nhưng thanh tra, kiểm tra của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Y tế phải vào cuộc, tăng cường thanh tra, kiểm tra xem sản phẩm nào là sữa bột hoàn nguyên mà không nghi trên bao bì thì theo quy định của pháp luật hiện nay ngoài việc bị phạt tiền, bị ngừng đưa sản phẩm gây nhầm lẫn đó ra thị trường còn phải công bố nhiều ngày trên truyền thông, báo chí để người tiêu dùng được biết.

Chuyện như thế này cũng đã từng xảy ra vào tháng 8/2006. Người dân khi ấy đã phá bỏ phần lớn đàn bò; 10.000 con bò sữa nhập về gần như bị bán thành bò thịt vì giá sữa tươi chỉ 3.900 đồng/lít. Lúc ấy người ta mới biết, giá trị dinh dưỡng của sữa tươi và sữa bột rất khác nhau. Các sản phẩm được hoàn nguyên từ sữa bột không còn được ngườc tiêu dùng lựa chọn như trước, họ hướng sang lựa chọn sữa tươi. Khi người ta không ăn sữa bột nữa và giá sữa tươi tự nhiên tăng dần lên gấp đôi. Cho nên điều quan trọng hiện tại là người tiêu dùng cần phải biết, họ đang ăn, uống cái gì.

Khi có hội đồng gồm 4 đại diện, nhiều vấn đề sẽ được giải quyết. Chẳng hạn, vào mùa nóng, tất cả các nước luôn thu mua sữa đắt hơn mùa lạnh vì mùa đông, bò cho sữa nhiều nhưng lượng tiêu dùng ít. Như Đài Loan, mùa nóng, giá mua sữa tươi tại cổng trại là 100 cent (21 ngàn đồng/lit), nhưng mùa đông giá chỉ có 71 cent (14.500 đ/lít).

Tương tự ở Nhật Bản cũng thu mua mùa đông rẻ hơn mùa hè. Giá mua sữa tươi ở cổng trại trung bình trong năm 2012 và 2013 khoảng 19 – 20 ngàn đồng/lít. Ở ta, hiện tại, mùa đông hay mùa hè đều là 13.500 đồng/lít. Khi họp hội đồng cũng sẽ tính toán chu kì thu hoạch sữa cho phù hợp vì con bò chỉ cho sữa trong 10 tháng/chu kỳ 305 ngày. Từ đó cần tính toán để giảm sản xuất vào mùa đông, dư thừa sẽ cho làm thành sữa bột hoặc phomai.

Thưa ông, câu chuyện phân biệt giữa giữa tươi và sữa hoàn nguyên (hiện được gọi dưới cái tên chung chung là sữa tiệt trùng) từ nhiều năm nay không giải quyết được. Lần này, hệ lụy đến cả nông dân, liệu có thể giải quyết rốt ráo?

Chính phủ cần vào cuộc để người dân có thể uống sữa tươi thật sự với giá cả hợp lí; chứ tình trạng đổ sữa tươi như hiện tại là rất lãng phí. Chúng ta cần phải có sự minh bạch. Trong lúc này đừng đổ lỗi này, lỗi kia. Người nông dân nuôi bò cứ mong doanh nghiệp xây nhà máy, nhưng nhà máy có phải cứ nói là xây được ngay đâu. Cho nên, đây là cả một sự quy hoạch, kế hoạch rất là chặt chẽ. Cho nên, cả 4 nhà cần ngồi lại để cùng bảo vệ mình và bảo vệ lẫn nhau.

“Sữa bột chính là loại sữa mà người ta không dùng hết trong mùa đông nên đem làm thành sữa khô và dẫn đến những vi chất quan trọng như canxi, photpho, các vi chất quan trọng, axit amin, vitamin đều bị giảm đáng kể. Nếu muốn hoàn nguyên được như sữa tươi thực sự thì giá của nó phải gấp rưỡi sữa tươi, vào khoảng 40 - 60.000 đồng/lít. Ví dụ, một hộp sữa bột trẻ em hiện tại khoảng 400gr sẽ được khoảng 3,4 lít sữa nhưng nó có giá mấy trăm ngàn” - PGS. TS Nguyễn Đăng Vang.

Xin cảm ơn ông!

 Theo Bình Minh


Các bài viết khác