Theo nhiều thông tin, thời gian gần đây, giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới hiện đã giảm hơn 50%. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết đến thời điểm này, vẫn chưa có doanh nghiệp (DN) nào đăng ký điều chỉnh giá bán.
Thông tin giá sữa nguyên liệu giảm hơn 50% đã được nhiều đơn vị xác nhận, trong đó, Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh cho biết giá nguyên liệu sữa giảm hơn 50% là so với thời điểm tháng 9/2013 (khi giá sữa nguyên liệu thế giới biến động, tăng liên tục). Còn từ tháng 6/2014 đến nay giá sữa nguyên liệu chỉ giảm 15%-20%. Thế nhưng, thực tế, thị trường sữa trong nước hầu như không có sự biến động, thậm chí, các DN, đại lý còn tìm mọi cách tăng giá, kể cả làm trái quy định như lách trần, thay tên đổi họ, bớt trọng lượng sữa…
Trả lời câu hỏi của Báo CAND tại buổi Họp báo thường kỳ do Bộ Tài chính tổ chức chiều 9/10, ông Nguyễn Văn Truyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, tính từ tháng 6, qua theo dõi và tham khảo trên thị trường thế giới cho thấy giá sữa nguyên liệu (nguyên kem, sữa gầy) có điều chỉnh giảm khoảng 15%. Với các mặt hàng sữa thành phẩm nhập khẩu nguyên hộp thì chưa giảm. Tuy nhiên đến nay chưa có DN nào gửi đăng ký điều chỉnh giảm giá sữa.
Phân tích về tác động của giá sữa thành phẩm giảm, ông Truyền cho rằng: “Nhà nước chỉ thực hiện việc bình ổn giá đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Mặt hàng này thuộc dạng sữa công thức trong đó có rất nhiều thành phần. Sữa nguyên liệu chỉ là một trong những thành phần, nên việc giảm giá nguyên liệu chắc chắn cũng sẽ tác động tới giá thành sản phẩm”.
Và “Giá sữa thuộc thẩm quyền tự quyết định của doanh nghiệp, khi doanh nghiệp điều chỉnh tăng hoặc giảm sẽ gửi kê khai, đăng ký cho cơ quan quản lý. Hiện nay chưa có doanh nghiệp nào gửi đăng ký điều chỉnh giá. Việc giá sữa nguyên liệu giảm đã được chúng tôi ghi nhận và tiếp tục theo dõi”, đại diện Cục Quản lý giá khẳng định.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cũng nêu rõ: “Cục Quản lý giá sẽ đề nghị các địa phương theo dõi để trong trường hợp cần thiết sẽ tiến hành kiểm tra yếu tố hình thành giá nhằm phát hiện được mức độ giảm giá sữa nguyên liệu tác động đến mức giảm giá thành sản phẩm như thế nào. Nếu tác động lớn mà DN không tự điều chỉnh giảm chúng tôi sẽ áp dụng biện pháp quản lý yêu cầu các DN điều chỉnh”. Ông Truyền cũng cho biết thêm, từ lúc DN ký hợp đồng nguyên liệu cho đến khi được cung ứng mất khoảng 3 tháng, nên tác động từ việc giá sữa nguyên liệu giảm sẽ có độ trễ nhất định.
Tuy nhiên, một số chuyên gia ngành giá cho rằng hiện có một điều bất thường đó là tại các tờ khai hải quan suốt 6 tháng qua, giá nhập khẩu không hề giảm. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, có dấu hiệu của sự chuyển giá đối với mặt hàng sữa. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, với việc giá sữa nguyên liệu giảm sâu như hiện nay, đáng lẽ giá sữa cũng giảm tương ứng, nhưng nhờ áp trần, DN chỉ việc thực hiện đúng giá trần, giảm một mức nhất định từ 0,3-34% giá thành (số liệu công bố của Bộ Tài chính), và ung dung ngồi hưởng lợi phần chênh còn lại vì đã được hợp thức hóa. Nhờ có sự “bao che” này, DN bỏ túi cả trăm tỷ đồng, cũng là thiệt hại mà người tiêu dùng đang gánh chịu. Như vậy, liệu việc áp trần có tạo kẽ hở cho DN hưởng lợi, và khi tính toán áp trần, Bộ Tài chính đã tính toán đến tình huống này?
Thực ra, nghi vấn DN sữa chuyển giá đã có từ đầu năm 2014, khi việc áp giá trần chưa được thực hiện. Thời điểm đó, khi giá sữa tiếp tục tăng cao, trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cho biết, hầu hết các hãng sữa ngoại đều kêu lỗ để tăng giá. Bởi vậy, bài toán đặt ra là tại sao lại có hiện tượng kêu lỗ? Hay giá tại tờ khai hải quan không trung thực? “Vì sự bất hợp lý này, chúng tôi đang đặt ra nghi vấn chuyển giá của các DN sữa, vì theo chúng tôi, so sánh với giá nước ngoài thì giá bán sữa chắc chắn đã đủ lãi rồi, không thể nói là lỗ được. Chính thế nên phải có đánh giá, phối hợp chặt chẽ và xác định trách nhiệm của từng cơ quan”, ông Tuấn cho biết. Tuy nhiên, theo Cục Quản lý giá, cái khó trong việc xác định giá gốc của DN nhập khẩu sữa là do độ tương thích để so sánh cực kỳ khó khăn, vì các dòng sữa ở các quốc gia khác nhau, hàm lượng khác nhau, đặc biệt là thị hiếu khách hàng cũng khác nhau. Hơn nữa, việc khai thác các dữ liệu từ công ty mẹ này là rất khó. “Bởi vậy, ngành Giá chúng tôi rất hy vọng vào quyết tâm của Bộ Tài chính về công tác chống chuyển giá trong năm 2014. Năm nay, nếu làm tốt công tác chống chuyển giá thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề”, ông Tuấn nhận định.
Bình luận về hiện tượng bất thường khi sữa trong nước không giảm theo nguyên liệu, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng các cơ quan chức năng phải theo diễn biến chặt chẽ, và phải có số liệu thật chuẩn xác, trên cơ sở đó sẽ làm việc với các DN sữa, buộc họ phải điều chỉnh. Việc cứ neo giá cao, trong khi giá sữa nguyên liệu giảm sâu, đã khiến các DN có thể trục lợi cả hàng trăm tỷ đồng trên sự thiệt hại của người tiêu dùng.
Theo CAND