Thị trường

Quyền lợi người tiêu dùng chưa được bảo vệ

10 năm trước

 Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu quốc gia thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân nữ bị dị ứng do sử dụng mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc. Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của chị em, nhưng với thị trường mỹ phẩm nhái, kém chất lượng, nhập lậu nhiều như hiện nay thì sắc đẹp của họ luôn bị đe dọa.

Quyền lợi người tiêu dùng chưa được bảo vệ
Tiền mất, tật mang

Theo chị Nguyễn Thị Mỹ Phương, trú tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội phản ánh: “Ngày 21/3, tôi đến cửa hàng mỹ phẩm LT ở phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội để mua nước tẩy trang. Trong quá trình mua, nhân viên cửa hàng giới thiệu cho tôi một loại bút kẻ mắt dạng nước màu đen. Nhân viên còn hướng dẫn tôi trang điểm. Tối về nhà, sau khi tẩy trang, tức thì mắt tôi ngứa và sưng vù lên. Tôi phải nghỉ làm để đi khám mắt và da liễu. Kết quả là tôi bị dị ứng mỹ phẩm”.

Suốt mấy ngày, chị Phương đi đâu cũng phải đeo kính đen để che cặp mắt sưng mọng. Không chỉ có chị Phương mà khi đến Khoa Khám bệnh, Viện Da liễu TW, chúng tôi cũng bắt gặp nhiều chị em phải che mặt đến đây để khám bệnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Thành, Khoa Khám bệnh, Viện Da liễu Quốc gia thì tháng nào bệnh viện cũng tiếp nhận một vài trường hợp bệnh nhân bị dị ứng mỹ phẩm. Có bệnh nhân khi đến khám còn đem theo cả kem, phấn đã sử dụng và bị dị ứng đi cùng để bác sĩ xem. Bác sĩ Thành còn cho chúng tôi xem khá nhiều “thủ phạm” gây dị ứng cho chị em như son môi, kem dưỡng da, kem sâm, kem trộn, phấn má, phấn trắng… Theo bác sĩ thì hầu hết số kem, phấn này đều không rõ nguồn gốc, có loại còn không nhãn mác, chỉ có tiếng nước ngoài và không ít trong số đó đều được mua với giá rẻ.

Làn da con người rất nhạy cảm, vì vậy theo lời khuyên của bác sĩ da liễu thì khi sử dụng bất kỳ sản phẩm mỹ phẩm nào, chị em cũng phải nên thử xem da mình có phù hợp hay không. Theo bác sĩ Nguyễn Thành, với người có cơ địa dị ứng thì dù có sử dụng mỹ phẩm chính hãng, có tên tuổi thì vẫn có thể bị dị ứng. Do vậy, mỗi chị em phải biết da mình thuộc loại da nào để có tư vấn sử dụng mỹ phẩm cho phù hợp.

Đặc biệt, với chị em có cơ địa dị ứng, khi sử dụng mỹ phẩm phải thử bôi vào da bàn tay hoặc da trong cánh tay, sau 15 phút thấy không có vấn đề gì thì mới được sử dụng. Đặc biệt, không nên ham rẻ mà mua mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, trôi nổi, hàng nhái vì nếu sử dụng không những tiền mất mà còn tất mang. Đặc biệt khi bị dị ứng mỹ phẩm thì chị em phải tới bệnh viện khám ngay, tránh tự chữa khiến bệnh càng thêm nặng và còn có thể biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe và sắc đẹp.

Chưa xử lý tận gốc mỹ phẩm giả

Hiện nay, việc xử lý mỹ phẩm nhái, mỹ phẩm nhập lậu vẫn còn rất ít dẫn tới mỹ phẩm trôi nổi bán tràn lan trên thị trường. Một năm có vài lần lực lượng Quản lý thị trường đi kiểm tra, xử lý mỹ phẩm nhái, giả. Tuy nhiên, số lượng thu giữ hàng không đảm bảo chất lượng ấy chẳng thấm tháp vào đâu so với lượng sản phẩm đang lưu thông trên thị trường.

Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý với cơ quan y tế để phân tích chất độc hại có trong mỹ phẩm lại càng cực kỳ hãn hữu. Người tiêu dùng thì không phân biệt được thật giả, có khi mua đắt nhưng vẫn gặp phải mỹ phẩm kém chất lượng. Khi sử dụng có bị dị ứng thì cũng rất ít người tiêu dùng khiếu nại vì khó đi đến cùng của sự việc, chị Nguyễn Thị Mỹ Phương cho biết.

Xử lý hời hợt, kiểm tra theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” của cơ quan chức năng càng khiến cho mỹ phẩm giả, kém chất lượng tung hoành. Đi cùng lực lượng QLTT kiểm tra mỹ phẩm tại chợ Đồng Xuân mới đây, chúng tôi thấy hầu hết các sản phẩm bị kiểm tra chủ hàng đều không xuất trình được hóa đơn, chứng từ.

Trong đó phải kể đến các loại mỹ phẩm nổi tiếng, có thương hiệu như Olay, Lancome, Essance đến các loại son môi, kem dưỡng da đều là nhập lậu và hàng nhái. Giá của các sản phẩm này chỉ rẻ bằng từ 1/5 đến 1/8 hàng trong hãng. Thế nhưng, nhiều nơi bán sản phẩm giá đắt cũng chưa chắc đó là sản phẩm chất lượng, chính hãng. Bởi vậy, người tiêu dùng, đặc biệt là chị em phụ nữ nhiều khi không biết cách để nhận biết và lựa chọn cho mình sản phẩm an toàn, dù chấp nhận bỏ ra chi phí lớn.

Tháng 3 năm nay được phát động là Tháng hành động vì người tiêu dùng. Thế nhưng, các nhà quản lý mới chỉ tập trung vào việc khuyến mãi sản phẩm, vận động người Việt dùng hàng Việt… tức là việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới thực hiện ở bề nổi. Còn bề sâu như làm thế nào để sức khỏe người tiêu dùng không bị xâm hại, xử lý hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái để người tiêu dùng tránh mua phải thì chưa thực sự có hiệu quả.

Thiết nghĩ, để Tháng hành động vì người tiêu dùng mang đúng ý nghĩa của nó thì cơ quan chức năng cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm đang nóng trên thị trường hiện nay để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo CAND

Các bài viết khác