Thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được bán tràn lan các chợ. Người bán cũng hoài nghi về chất lượng, nguồn gốc hàng hóa của mình nhưng họ vẫn bán hàng ngày. Quyền lợi của người tiêu dùng đang bị bỏ ngỏ? Xung quanh vấn đề này phóng viên đã phỏng vấn TS. Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas).
Hiện nay người tiêu dùng Việt Nam đang được bảo vệ quyền lợi bằng các kênh nào?
Trước hết, NTD được bảo vệ bằng hệ thống luật pháp Việt Nam, trong đó trực tiếp là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trên cơ sở thực hiện Luật này, có hai kênh chính để bảo vệ NTD. Một là, cơ quan quản lý nhà nước, đứng đầu là Bộ Công Thương, các sở và phòng công thương ở các tỉnh. Các bộ, ngành chức năng cũng có trách nhiệm bảo vệ NTD theo ngành dọc của mình. Hai là, các tổ chức xã hội, trong đó có Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam và các đơn vị thành viên của Hội tại các tỉnh, thành.
Nếu NTD phát hiện sản phẩm hàng hóa mình mua có dấu hiệu vi phạm hoặc phát hiện có vi phạm quyền lợi NTD ở đâu đó thì có thể gửi khiếu nại đến các cơ quan nêu trên để được giải quyết hoặc tư vấn hỗ trợ.
Theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, NTD có những quyền gì, thưa ông?
Theo quy định của luật pháp Việt Nam, NTD có tám quyền, đó là: Quyền thỏa mãn những nhu cầu cơ bản, được an toàn, thông tin, lựa chọn, lắng nghe, bồi thường, giáo dục về tiêu dùng và quyền được có một môi trường lành mạnh và bền vững. Tuy nhiên ít NTD biết đến quyền của mình khi sử dụng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Do vậy khi bị thiệt thòi, xâm hại ít người biết đi đòi quyền lợi chính đáng của mình.
Như vậy, quyền lợi của NTD đã được đảm bảo và quy định rõ ràng, nhưng trên thực tế có rất ít người lên tiếng đòi quyền lợi của mình khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Vì sao lại như vậy, thưa ông? Theo tôi có 2 nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên.
Thứ nhất, có thể do mức giá món hàng khi mua không lớn (chỉ vài chục hoặc vài trăm nghìn) nên NTD sẵn sàng bỏ qua.
Thứ hai, có thể do kiến thức về sản phẩm hàng hóa của NTD không tốt nên không phát hiện được vi phạm hoặc nếu phát hiện được, có nghi ngờ nhưng không dám chắc nên không dám lên tiếng khiếu nại.
Đồng thời, hiện nay ý thức tự bảo vệ mình của NTD Việt Nam chưa cao. Nguyên nhân là do NTD không đủ kiến thức, trình độ, không đủ thông tin về sản phẩm để có thể đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình và người khác. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, NTD hoàn toàn có thể nhận thức được sự xâm phạm nhưng vẫn cố tình lờ đi vì ham hàng rẻ.
Trách nhiệm của người tiêu dùng là như vậy còn trách nhiệm của DN đối với NTD là gì thưa ông?
Trước hết, DN, nhà sản xuất và phân phối sản phẩm phải tự bảo vệ uy tín, thương hiệu của mình. Trên thực tế có không ít DN không lên tiếng vì ý thức bảo vệ thương hiệu, chất lượng sản phẩm của họ chưa tốt. Hoặc cũng có trường hợp DN sợ phản tác dụng, vì nếu lên tiếng có thể khiến NTD nghi ngờ và tẩy chay sản phẩm.
Vì vậy, trước hết DN phải thể hiện trách nhiệm xã hội của mình đối với NTD. Trách nhiệm đó được thể hiện qua việc tổ chức cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho NTD phải có chính sách và hệ thống kinh doanh sao cho các quyền của NTD được thực thi.
Trách nhiệm đó phải được thể hiện qua việc marketing và thực hành kinh doanh trung thực. Đặt lợi ích của NTD lên trên hết. Giải quyết kịp thời khiếu nại, tranh chấp và hỗ trợ NTD.
Cả DN và NTD cần phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Để bảo vệ NTD, không chỉ cần sự nỗ lực hơn nữa của các cơ quan quản lý Nhà nước, sự vào cuộc của các tổ chức xã hội và sự hỗ trợ của các phương tiện thông tin đại chúng, mà quan trọng nhất và cơ bản nhất chính là ý thức tự bảo vệ của NTD.
Trước hết, NTD phải tự trang bị kiến thức để biết khi nào quyền lợi của mình bị xâm phạm. Đồng thời, NTD phải có ý thức tránh xa những hàng hóa, dịch vụ mà mình nhận thức được nó không đảm bảo và phải có ý thức bảo vệ cộng đồng.
Thông thường, khi NTD đối mặt với những vụ việc vi phạm quyền lợi của mình họ thường im lặng hoặc không tiếp tục sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó nữa. Nhưng họ quên rằng, bên cạnh họ còn rất nhiều những hàng hóa và NTD khác nữa. Có thể những NTD khác không đủ khả năng nhận biết như họ thì sự lên tiếng hỗ trợ cộng đồng hoặc báo các cơ quan chức năng là rất quan trọng.
Đây là một kênh để các cơ quan chức năng vào cuộc bảo vệ lợi ích không chỉ cho cá nhân NTD nào đó mà còn bảo vệ lợi ích cho xã hội, bảo vệ uy tín, thương hiệu cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Về phía DN, ngoài việc cần mạnh mẽ hơn nữa trong việc chủ động đấu tranh tố giác các sai phạm mà ảnh hưởng đến quyền lợi của họ và NTD thì cũng phải tăng cường thông tin về sản phẩm, hướng dẫn NTD cách phân biệt hàng thật, hàng giả để NTD có cơ sở đấu tranh tố giác vi phạm.
Xin cám ơn ông!