Thị trường

Nghịch cảnh sữa tươi

10 năm trước

 Thời gian qua, dư luận xôn xao về việc gần 300 hộ nông dân ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội đang như "ngồi trên lửa” vì sữa sản xuất ra đang bị ứ đọng do các nhà máy sữa không thu mua. Tại huyện Đơn Dương, Đà Lạt, Lâm Đồng, tình trạng còn bi đát hơn: Ế thừa sữa vì không được nhà máy thu mua, hàng ngàn lít sữa tươi đã bị bà con nơi đây đổ ra đường. Nghịch lý ở chỗ, người nuôi bò ế sữa, còn người tiêu dùng vẫn phải mua sữa với giá "chát”.

Nghịch cảnh sữa tươi
Mặc dù chưa đến mức bi đát, phải đổ sữa ra đường như nhiều hộ dân ở Đơn Dương, Lâm Đồng, song, các hộ nông dân ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội cũng đang trong tình cảnh vô cùng bế tắc bởi hàng ngàn lít sữa bò tươi bà con sản xuất ra không tiêu thụ được. Nguyên nhân là bởi các nhà máy sữa siết chặt việc thu mua. Nhiều nông dân xã Phù Đổng cho hay, khoảng một tháng nay, người nuôi bò sữa phải tìm cách bán ngược bán xuôi mà vẫn không xong.

Được biết, nguyên do là bởi, trước đây bà con nông dân xã Phù Đổng ký kết hợp đồng với Công ty sữa Quốc tế (IDP), nhưng nay Cty này lại siết sản lượng thu mua. Hiện đang mùa sinh sản, sản lượng sữa nhiều, nhưng đầu ra lại bị hạn chế khiến sữa bị dồn ứ. Nếu kéo dài tình trạng này, thực sự là gánh nặng cho gần 300 hộ nông dân trong xã.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Hữu Hòa, Chủ tịch Hợp tác xã Dịch vụ Chăn nuôi Phù Đổng cho biết: "Chúng tôi cũng đã có kiến nghị, phản ánh lên các cơ quan chức năng. Trong ngày 12-1 các ngành, cơ quan hữu quan đã có cuộc họp bàn để "cứu nguy” cho sản phẩm sữa của bà con xã Phù Đổng”. Sau cuộc họp nói trên, một số giải pháp đã được đưa ra, trong đó Cty sữa IDP cũng đã hứa sẽ nhập thêm số lượng sữa để nhẹ gánh cho bà con nông dân. "Trong khi chờ đợi IDP nhập thêm, chúng tôi cũng cố gắng tìm kiếm đầu ra để giúp cho bà con tiêu thụ bớt sữa cho bà con, bằng cách đưa sữa đến các đại lý bán buôn, các nơi sản xuất bánh kẹo. Hiện cũng đang là dịp cận Tết nên các nơi sản xuất bánh kẹo tăng số lượng nên cũng hy vọng sẽ nhập thêm sữa, giúp bà con tiêu thụ chừng nào hay chừng ấy”- ông Hòa chia sẻ.

Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp cấp bách, về lâu dài ông Hòa đề nghị các nhà máy sữa nên có kế hoạch ký kết hợp đồng trực tiếp với các hộ nông dân, để bà con chủ động được sản lượng sữa. Còn như hiện nay, chủ yếu nhà máy, Công ty sữa vẫn ký hợp đồng qua các trạm thu gom, nên khi các trạm thu gom không thực hiện đúng hợp đồng, thiệt thòi lớn nhất sẽ thuộc về bà con nông dân.

Về thông tin cho rằng, bà con nông dân xã Phù Đổng bị tồn đọng, ế sữa một phần vì bị Cty Sữa Việt Nam (Vinamilk) từ chối thu mua - trao đổi với ĐĐK, ông Đỗ Anh Tuấn, Trưởng ban Đối ngoại của Vinamilk cho biết, lý do là bởi lượng sữa bà con đề xuất bán cho Vinamilk không có trong hợp đồng. "Trước đây, bà con ký kết với Cty khác, giờ không bán được chuyển sang muốn Vinamilk thu mua thì Vinamilk không thể chấp thuận”- ông Tuấn khẳng định và cho biết cụ thể hơn, trước khi thu mua sữa, Cty phải đánh giá, kiểm tra và giám sát chất lượng sữa vì đây là sản phẩm đòi hỏi an toàn thực phẩm rất cao.

Ông Tuấn cũng đưa ra khuyến cáo, bà con không nên chăn nuôi tự phát, mà phải kết hợp chặt chẽ với các Cty sữa để tạo ra hướng phát triển bền vững, như thế vừa giúp cho doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa giúp cho bà con ổn định, duy trì được sản xuất bền lâu.

Song, điều đáng nói là trong khi người nông dân gặp phải tình cảnh ế, thừa sữa, đến mức phải đổ đi thì các doanh nghiệp vẫn đang nhập nguyên liệu sữa từ nước ngoài, khiến cho giá sản phẩm sữa khi đến tay người tiêu dùng lại ở mức cao ngất ngưởng.

Tạo điều kiện thu mua sữa tươi cho nông dân

Trước tình trạng tại một số tỉnh, TP như Hà Nội, Lâm Đồng, Long An…các doanh nghiệp không thu mua hết sữa cho người chăn nuôi bò, trong khi chất lượng sữa vẫn đảm bảo, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT các địa phương sớm tháo gỡ. Theo đó, Cục yêu cầu các địa phương cần làm việc với các doanh nghiệp thu mua, chế biến sữa để tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục và tạo cơ chế cho doanh nghiệp thu mua, chế biến sữa bao tiêu hết lượng sữa tươi nguyên liệu cho người chăn nuôi. Cục Chăn nuôi cũng lưu ý, Sở NN&PTNT đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người chăn nuôi bò sữa ký
hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp thu mua, chế biến sữa trước khi tổ chức chăn nuôi bò sữa; khuyến cáo người chăn nuôi phải thực hiện đúng hợp đồng cung cấp sữa tươi với doanh nghiệp.

Tạo điều kiện thu mua sữa tươi cho nông dân
 
Trước tình trạng tại một số tỉnh, TP như Hà Nội, Lâm Đồng, Long An…các doanh nghiệp không thu mua hết sữa cho người chăn nuôi bò, trong khi chất lượng sữa vẫn đảm bảo, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT các địa phương sớm tháo gỡ. Theo đó, Cục yêu cầu các địa phương cần làm việc với các doanh nghiệp thu mua, chế biến sữa để tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục và tạo cơ chế cho doanh nghiệp thu mua, chế biến sữa bao tiêu hết lượng sữa tươi nguyên liệu cho người chăn nuôi. Cục Chăn nuôi cũng lưu ý, Sở NN&PTNT đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người chăn nuôi bò sữa ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp thu mua, chế biến sữa trước khi tổ chức chăn nuôi bò sữa;  khuyến cáo người chăn nuôi phải thực hiện đúng hợp đồng cung cấp sữa tươi với doanh nghiệp.
Theo daidoanket.vn

Các bài viết khác