7 tháng 5 lần tăng giá xăng, Dầu
Chưa kịp “hoàn hồn” sau “cú sốc” tăng 330 đồng/lít ngày 23/6, ông Nguyễn Vỹ Đức - Giám đốc Công ty Cổ phần xe khách Thái Bình đã lại giật mình khi ngày 7/7, giá xăng tăng tiếp 400 đồng/lít. “Như vậy, chỉ trong 7 tháng đầu năm đã có 5 đợt tăng giá xăng dầu mà chưa một lần giảm.
Kể cả lần tăng giá ngày 18/12/2013, tổng cộng đã có 6 lần tăng liên tiếp với mức tăng giá tổng cộng hơn 1.800 đồng/lít xăng. Từ đầu năm đến nay, Công ty vẫn co kéo chi tiêu để không tăng giá vé, nhưng e rằng sức cầm cự chẳng được lâu” - ông Đức lo lắng.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, xác nhận, khoảng 2 tháng nay, do cơ quan chức năng siết lại trọng tải xe cùng với các chi phí đầu vào tăng, giá cước vận tải đường bộ đã tăng 2-2,5 lần so với giai đoạn trước.
Riêng các doanh nghiệp vận tải khách và taxi chưa tăng giá vì còn liên quan đến vấn đề điều chỉnh cước, dán tem, chắc chắn sẽ tăng thời gian tới.
Ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, một số doanh nghiệp kinh doanh taxi trên địa bàn Hà Nội đã có đề xuất tăng giá trong vòng 7 - 10 ngày tới, mức tăng từ 500 - 1.000 đồng/km.
Một bức xúc nữa của các doanh nghiệp vận tải là xăng dầu tăng giá đột ngột kiểu “đánh úp” khiến doanh nghiệp “không kịp trở tay”. Bởi việc điều chỉnh giá cước của doanh nghiệp vận tải ảnh hưởng rất lớn đến các đơn hàng đã ký kết, các doanh nghiệp xe khách thì phải hiệp thương với đầu bến, xin phép cơ quan chức năng, doanh nghiệp taxi phải điều chỉnh, kiểm định lại đồng hồ và dán lại tem...
“Hiệp hội nhiều lần kiến nghị việc điều chỉnh giá xăng phải theo lộ trình một năm, 6 tháng hoặc 3 tháng, chứ tăng kiểu giật cục như hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp”- ông Thanh đề xuất.
“Trăm dâu” đổ đầu người tiêu dùng
Theo ông Hoàng Quang Ngọc - Giám đốc Công ty Vận tải Hoàng Hà, khi đầu vào của nhiều ngành sản xuất như xăng dầu tăng giá, thì doanh nghiệp sẽ tìm mọi cách chuyển vào giá thành trong thời điểm phù hợp.
Như ông Nguyễn Văn Thanh chia sẻ, nếu doanh nghiệp vận tải khách chưa chính thức xin tăng giá vé, thì dự đoán sẽ xuất hiện tình trạng “tăng vé mồm”. Còn đương nhiên, các nhóm đối tượng như xe 3 bánh (xe thương binh), xe “ôm”... sẽ tăng giá mạnh.
Ông Trần Lâm - Giám đốc Công ty Nội thất Sông Hồng cho biết, với 2 đầu xe tải và 1 xe con phục vụ giao dịch và vận chuyển hàng hóa, mỗi tháng chi phí tiền xăng của Công ty hơn chục triệu đồng. Sau 2 đợt xăng dầu tăng giá liên tiếp gần đây, ước tính chi phí tiền xăng của Công ty tăng thêm khoảng 1 triệu đồng/tháng. Không những thế, tiền điện tháng 6 cũng tăng thêm 3% khiến Công ty mất thêm gần 4 triệu đồng nữa.
“So với bảng giá điện cũ, bảng giá mới áp dụng cho khối sản xuất như Công ty tôi chỉ tăng 1% các bậc ở giờ thấp điểm, các bậc, giờ khác vẫn giữ nguyên, nhưng không hiểu sao hóa đơn tiền điện tháng 6 vẫn tăng thêm 30% nữa. Công ty bạn tôi bên dệt may cũng tăng tiền điện thêm gần 50%, từ 15 triệu đồng tháng 5 lên 22 triệu đồng tháng 6”, anh Lâm băn khoăn và cho biết, cứ đà tăng này, Công ty phải tính toán để nâng giá bán sản phẩm.
Xăng dầu tăng giá sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền để các mặt hàng khác tăng giá. Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, khi xăng dầu hay điện - đầu vào cơ bản của mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tăng giá, chắc chắn sẽ tác động vào giá thành hàng hóa, gánh nặng sẽ đổ lên vai người tiêu dùng và tổng cầu sẽ giảm.
Sức mua giảm sẽ khiến các nhà sản xuất và nhà phân phối gặp khó khăn, và để duy trì hoạt động, nếu không tăng giá thì họ cũng sẽ cắt giảm các chương trình hỗ trợ khách hàng, người tiêu dùng tiếp tục thiệt trong vòng lẩn quẩn ấy.
Theo GTVT