Theo ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Việc ứng dụng thiết bị bay không người lái đang được xem là giải pháp hỗ trợ nông dân trên toàn cầu giải quyết nhiều vấn đề trong nông nghiệp; tiết kiệm chi phí đầu vào, giảm tác động tiêu cực từ canh tác nông nghiệp tới sức khỏe và môi trường, đồng thời nâng cao chất lượng nông sản cho tiêu dùng và xuất khẩu.
Ứng dụng thiết bị bay không người lái được xem là một giải pháp hỗ trợ nông dân trên toàn cầu, đặc biệt nông dân sản xuất quy mô nhỏ tại các nước Châu Á.
Các ứng dụng của thiết bị bay không người lái có thể kể đến như lập bản đồ, kiểm tra và theo dõi mùa vụ, phun thuốc bảo vệ thực vật, giám sát tưới tiêu và chăn thả gia súc.
"Tiêu chuẩn cơ sở được ban hành sẽ là cơ sở kỹ thuật để các đơn vị thực hiện xây dựng quy trình phòng trừ sinh vật gây hại bằng thiết bị Drone cho từng loại thuốc, cây trồng, sinh vật gây hại khác nhau. Trên cơ sở đó, xây dựng chương trình đào tạo, tập huấn, vận hành Drone đảm bảo nguyên tắc 4 đúng, hiệu quả, an toàn trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật", ông Huỳnh Tấn Đạt cho hay.
Cũng theo ông Đạt, việc ứng dụng Drone để phun thuốc bảo vệ thực vật đang trở nên ngày càng phổ biến nhờ những ưu điểm nổi bật của công nghệ về hiệu quả, độ chính xác, khả năng tiết kiệm lao động, giảm lượng nước thuốc sử dụng, bảo vệ sức khỏe cho người dân...
Tuy nhiên hiện nay, nông dân Việt Nam đang ứng dụng tự phát thiết bị bay không người lái, chưa có quy định về loại thuốc nào dùng được cho drone, khu vực nào, cây trồng nào, loại sâu bệnh gì thì được ứng dụng bay phun thuốc. Vì vậy, Cục Bảo vệ thực vật sẽ kết hợp với các bên hoàn thiện tiêu chuẩn cơ sở về khảo nghiệm và các quy định có liên quan đến sử dụng UAV để phun thuốc bảo vệ thực vật.
Trong bối cảnh, châu Á đang dẫn đầu thế giới về việc ứng dụng thiết bị bay không người lái trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, Hiệp hội CropLife châu Á và các thành viên cũng đang nỗ lực để đảm bảo mức độ tăng trưởng của công nghệ sẽ tương thích với việc mở rộng và thực thi các khuôn khổ pháp lý phù hợp, dựa trên khoa học và có tính thực tiễn. Từ đó hỗ trợ sử dụng có trách nhiệm và hiệu quả công nghệ này.
Tại Việt Nam, tiềm năng ứng dụng thiết bị không người lái trong nông nghiệp được đánh giá là rất lớn.
Trong năm 2020-2021, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp cùng các tổ chức đủ điều kiện khảo nghiệm, các đơn vị cung cấp thiết bị bay tiến hành một số mô hình thử nghiệm phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái.
Việc thử nghiệm này được tiến hành trên 7 nhóm cây trồng chính với 8 dạng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ 15 loại sinh vật gây hại tại nhiều địa bàn sản xuất nông nghiệp khác nhau trên cả nước.
Kết quả khảo nghiệm là cơ sở quan trọng để Cục Bảo vệ thực vật xây dựng dự thảo Tiêu chuẩn cơ sở về khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị không người lái.
Đây được xem là hướng dẫn kỹ thuật quan trọng để đưa công nghệ này triển khai thực tiễn trong lĩnh vực bảo vệ thực vật trong thời gian tới tại Việt Nam.
Theo chatluongvacuocsong.vn