Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại hiện nay là người tiêu dùng hoàn toàn không có nhiều thông tin để lựa chọn khi mua nước mắm ngoại trừ những thông tin mà nhà sản xuất ghi trên nhãn sản phẩm.
Nối tiếp các hoạt động trong chủ đề “An toàn thực phẩm cho Người tiêu dùng” của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) phát động nhân ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam và Thế giới 15/3/2016, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam vừa qua đã tiến hành chương trình khảo sát chất lượng nước mắm đóng chai bán trên thị trường của 10 tỉnh, thành phố trong cả nước và đã nhận được một số kết quả sơ bộ.
Mục đích của đợt khảo sát này nhằm tăng cường sự hiểu biết cho người tiêu dùng Việt Nam về chất lượng, các thành phần dinh dưỡng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của các loại nước mắm hiện nay, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong nước và góp thêm tiếng nói để thúc đẩy sự phát triển của các thương hiệu nước mắm Việt.
Trong khuôn khổ chương trình, Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, đã tiến hành lấy mẫu khảo sát nội dung ghi nhãn và các nhóm chỉ tiêu hóa học về thành phần cấu tạo, an toàn thực phẩm của nước mắm gồm: (1) Thành phần hóa học: (nitơ toàn phần; nitơ axit amin và nitơ amoniac); (2) Hàm lượng kim loại nặng (Arsen hay còn gọi là thạch tín); (3) Hàm lượng muối.
Tổng số lượng mẫu khảo sát là 150 mẫu nước mắm thành phẩm đóng chai có hàm lượng nitơ toàn phần ghi trên nhãn từ 10g/L đến 60g/L của 88 nhãn hiệu được mua trực tiếp tại đại lý phân phối, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ bán lẻ và cửa hàng bán sản phẩm đặc sản. Theo nội dung ghi trên nhãn, các mẫu này được sản xuất từ các cơ sở có địa chỉ tại 19 tỉnh, thành trên toàn quốc bao gồm: Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Định, Long An, Phú Thọ, Nam Định, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, TP Hồ Chí Minh và 1 mẫu của Thái Lan.
Việc đánh giá chất lượng, an toàn nước mắm được thực hiện bằng cách gửi thử nghiệm mẫu tại các phòng thử nghiệm được lựa chọn và tiến hành đánh giá sự phù hợp với các quy định trong TCVN 5107:2003; QCVN 8-2:2011/BYT và CODEX STAN 302:2011.
Khảo sát nội dung ghi nhãn được thực hiện thông qua phương pháp so sánh nội dung ghi nhãn cụ thể trên từng chai nước mắm với các quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP và Thông tư liên tịch 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT.
Kết quả khảo sát cùng các khuyến nghị và kiến nghị tới các nhà sản xuất kinh doanh, tới cơ quan quản lý và người tiêu dùng sẽ được VINASTAS báo cáo trong một vài ngày sắp tới.