Album hình ảnh

Vai trò của Hiệp hội, Tổ chức xã hội nghề nghiệp và doanh nghiệp trong bảo đảm an toàn thực phẩm

4 năm trước

Đó là một trong những nội dung có trong  Hội thảo “Vai trò của Hiệp hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm” do Trung tâm nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ Bảo vệ Người tiêu dùng (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) phối hợp với Hội Khoa học & Kĩ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam tổ chức ngày 27/9/2019 tại Hà Nội. Tham gia Hội thảo có các Cơ quan quản lý, các Hội, Hiệp hội và đông đảo các doanh nghiệp…

 

Vai trò quan trọng trong đảm bảo an toàn thực phẩm cho xã hội

Theo ông Trần Trọng Kha – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ Bảo vệ Người tiêu dùng, An toàn thực phẩm (ATTP) là một trong những vấn đề có ý nghĩa lớn về kinh tế, xã hội, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, do đó nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Việc nâng cao tính hiệu quả và hiệu lực quản lí ATTP đem lại lợi ích chung cho toàn xã hội, đòi hỏi có sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, trong đó, sự phối hợp, tham gia tích cực của các Hội và Hiệp hội, Tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp.

Ông Kha khẳng định, các đơn vị trên có ý nghĩa và vai trò đáng kể trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, đào tạo nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng và cộng đồng; góp phần giảm thiểu các vi phạm về ATTP, các hành vi sản xuất, cung ứng, sử dụng thực phẩm thiếu an toàn, thực phẩm không rõ nguồn gốc… làm lành mạnh hóa việc sản xuất và tiêu dùng thực phẩm.

TS Nguyễn Ngọc Sơn – Chi Cục Trưởng Chi Cục Thú y Hà Nội thông tin: Hà Nội hiện có đàn gia súc, gia cầm đứng đầu cả nước, với trên 10 triệu người tiêu thụ khoảng 800-900 tấn thịt mỗi ngày; cùng với đó thủ đô cũng có 1.500 điểm chợ, điểm nhà hàng, siêu thị kinh doanh động vật và sản phẩm động vật. Để đảm bảo an toàn thực phẩm thì việc thực hiện sản xuất theo chuỗi là tất yếu. Hiện nay, Hà Nội đã xây dựng thành công nhiều chuỗi chăn nuôi như: chuỗi gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây; thịt lợn sinh học Quốc Oai; thịt lợn sinh học Liên Việt; thịt lợn hữu cơ Bảo Châu; thực phẩm AZ; thực phẩm Greenfood; thực phẩm 3F; thực phẩm Tiên Viên; thịt bò Hà Nội; sữa Ba Vì…

Trong quá trình phát triển của các chuỗi liên kết, các tổ chức Hội, Hiệp hội, HTX có vai trò quan trọng như:  đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; tổ chức sản xuất (rất quan trọng); hỗ trợ lấy mẫu phân tích chất lượng sản phẩm; Đẩy mạnh sử dụng thịt mát, thịt cấp đông để đảm bảo ATTP; xây dựng cửa hàng tiện ích nhằm nhân rộng sản phẩm và đảm bảo tính tiện lợi cho người tiêu dùng; truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cùng với đó, các Hội, Hiệp hội đã tổ chức nhiều hội thảo, triển lãm, hội chợ kết nối nhà quản lý, nhà sản xuất, người tiêu dùng và giới thiệu các sản phẩm an toàn…

TS Nguyễn Ngọc Sơn cũng khẳng định, Hội, Hiệp hội đã tạo ra tính lan tỏa cộng đồng đặc biệt với người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm từ chuỗi. Qua đó mang lại nhiều lợi ích như: Nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi tham gia chuỗi (tiêu thụ ổn định, bền vững, có thị trường tiêu thụ…); tạo động lực để đầu tư (kể cả các doanh nghiệp và người chăn nuôi); từng bước thay đổi thói quen người tiêu dùng (sử dụng thịt mát, thịt cấp đông đảm bảo ATTP); chức năng quản lý nhà nước được tăng cường trong tất cả các khâu. Người tiêu dùng yên tâm sử dụng với các sản phẩm tham gia chuỗi vì đã có các bên tham gia…

 

Nhà nước cần có nhiều cơ chế hơn cho Hội, Hiệp hội

Theo TS Phan Thị Sửu (Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam) khẳng định, thực phẩm là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cơ thể, đảm bảo sức khỏe con người song cũng là nguồn có thể gây bệnh nếu không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sử dụng các thực phẩm không an toàn có thể bị ngộ độc cấp tính với các triệu chứng dễ nhận thấy, nhưng sự nguy hiểm là sự tích lũy dần các chất gây độc hại trong cơ thể gây ngộ độc mãn tính và gây bệnh cho người sử dụng.Vì vậy, thời gian vừa qua, Hội Khoa học kỹ thuật và An toàn thực phẩm Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đã tích cực, chủ động tư vấn, tham mưu cho cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Điển hình, từ năm 2017-2019, Hội đã liên kết với nhiều Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm, Hội Liên hiệp phụ nữ, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật nhiều tỉnh, thành phố tổ chức nhiều lớp tập huấn tại các tỉnh thành như Hà Nội, Hà Tĩnh, Tây Ninh, Hà Nam, Bến Tre, Hưng Yên, Kiên Giang với từ 100-150 người/lớp.

Nội dung chủ yếu của các lớp tập huấn là: 1, Truyền thông, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về a toàn thực phẩm; 2. Truyền thông, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng (cách chọn và chế biến thực phẩm an toàn cho sức khỏe, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm và các biện pháp phòng ngừa, thực phẩm, dinh dưỡng và sức khỏe; 3. Tư vấn cho doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý về an toàn thực phẩm (10 quy trình vệ sinh tốt; thực hành sản xuất tốt; phân tích mối nguy và kiểm soát các điểm tới hạn, hệ thống quản lí an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO).

Cùng với đó, TS Phan Thị Sửu cũng kiến nghị cơ quan chức năng giao cho Hội một số công việc như: Tập huấn và xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho người tham gia, sản xuất, chế biến thực phẩm; hỗ trợ kinh phí cho Hội trong lĩnh vực tư vấn cho doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lí an toàn thực phẩm : HACCP, GMP, ISO 22000:2018; hỗ trợ kinh phí cho Hội để có thể mở thêm nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho người tiêu dùng về lĩnh vực an toàn thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng…

 

Cần làm gì để tăng cường hơn nữa vai trò của mình?

Bàn về việc nâng cao vai trò của Hội, Hiệp hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp đối với An toàn thực phẩm, PGS TS Ngô Tiến Hiển – Hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam cho rằng: Trong năng lực của mình, các đơn vị có thể rà soát, đánh giá hệ thống quy phạm pháp luật, đánh giá thực trạng và giải pháp quản lý, sử dụng chất cấm, hóa chất nông nghiệp và kháng sinh, đánh giá thị trường, khung pháp lí và chế tài xử phạt. Cùng với đó, các Hội, Hiệp hội có thể dề xuất các giải pháp về chính sách, hỗ trợ đầu tư, Khoa học công nghệ, truyền thông và cộng đồng; vinh danh các điểm sáng nông nghiệp Việt Nam hay thẩm định tính xác thực, xử lí các thông tin. Cùng với đó, Hội, Hiệp hội cần tăng cường thông tin truyền thông, phổ biến kiến thức, hội nghị, hội thảo để nâng cao vai trò của người tiêu dùng; tham gia vào việc cấp chứng nhận, tôn vinh thương hiệu, sản phẩm an toàn thực phẩm. Hay như các đơn vị có thể tham gia các chương trình hành động quốc gia, tháng an toàn thực phẩm và kháng kháng sinh…

Ông Hoàng Triều – Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh Thuốc Thú y Việt Nam cho rằng, làm công tác Hội, Hiệp hội rất gian khổ khi kinh phí, nguồn lực, cơ sở vật chất có hạn. Song, thực phẩm sạch là vấn đề sống còn đối với mỗi xã hội, các Hội và Hiệp hội cần phối hợp chặt chẽ với nhau để chung sức hành động; tăng cường hơn nữa vấn đề phản biện và giám sát với cơ quan chức năng về các  chính sách an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, để cơ quan Nhà nước lắng nghe ý kiến của Hội, Hiệp hội thì bản thân mỗi đơn vị phải nỗ lực, phải tự làm, phải lao vào thực tiễn, dám nói và thấy đúng thì phải đấu trah, phản biện với những chính sách còn chưa hợp lí…

 

Hà Ngân

 




Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.