Album hình ảnh

Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

3 năm trước

Trong bài này xin chỉ đề cập đến nội dung:  Tiêu  chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Bài  viết này gồm hai phần chính:

1) Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) là cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; 2) Hoạt động đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Trong số 4/2020 này trình bày phần 1; phần 2 sẽ trình bày trong số 5/2020.

Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định các nguyên tắc quản lý chất lượng, trong đó nêu rõ chất lượng sản phẩm, hàng hoá được quản lý trên cơ sở tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Vì vậy hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật luôn được quan tâm để đáp ứng yêu cầu này.

Theo  Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật: “Hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn là việc xây dựng, công bố và áp dụng tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn”; và  “Hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật là việc xây dựng, ban hành và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật”.

Các tiêu chuẩn có thể được hiểu đơn giản là một bộ quy tắc để đảm bảo chất lượng; các tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này.

Các quy chuẩn kỹ thuật quy định về giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế-xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác. Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng.

Đánh giá sự phù hợp là hoạt động kỹ thuật nhằm xác định chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do nhà sản xuất, kinh doanh cung cấp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Đánh giá sự phù hợp giúp nhà sản xuất, người cung cấp, người tiêu dùng xác định được mức độ phù hợp của sản phẩm, hàng hoá so với các mức quy định trong tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng nhằm thoả mãn yêu cầu của khách hàng; là một trong các công cụ của hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá của cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo quy định về an toàn, sức khoẻ, môi trường; đem lại lợi ích cho nhà sản xuất, người cung cấp dịch vụ, người sử dụng hoặc tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ.

Với vai trò quan trọng  của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp, Việt Nam và hầu hết các quốc gia đều quan tâm và đẩy mạnh hoạt động xây dựng, công bố/ ban hành, áp dụng  tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, và  phát triển hoạt động đánh giá sự phù hợp để phục vụ tốt yêu cầu quản lý và nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Phần 1: Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) là cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội

Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế-xã hội, hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trở thành một bộ phận không thể tách rời của hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý kinh tế-xã hội. Tiêu chuẩn là công cụ và phương tiện quan trọng để duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, thương mại.Trong thời gian qua, công tác lập kế hoạch tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của các Bộ, ngành đã đi vào nề nếp, khai thác hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước và nguồn đầu tư của xã hội vào phát triển hệ thống tiêu chuẩn. Loại bỏ được tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trước đây khi các Bộ xây dựng tiêu chuẩn ngành (TCN). Đồng thời Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) đã đưa ra định hướng để các Bộ ngành tập trung xây dựng các TCVN, QCVN đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chủ lực và những vấn đề thiết yếu khác của đất nước; phù hợp với các yêu cầu, quy định của các Hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam cam kết và tham gia (WTO, CPTPP, EVFTA, các FTA khác).

Các quy trình, phương pháp tổ chức biên soạn, thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia; thể thức trình bày, cách ghi số hiệu TCVN,... về cơ bản phù hợp với hướng dẫn của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC), góp phần thuận lợi cho công tác hội nhập, hài hòa hệ thống TCVN với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực.

Việc xây dựng và công bố TCVN trong những năm qua đã giúp cho hệ thống TCVN ngày càng được hoàn thiện mà cụ thể là tăng cả về số lượng, chất lượng và đảm bảo tính đồng bộ. Đến nay, Bộ KH&CN đã công bố gần 13.000 TCVN với tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực là gần 60%, đã bao trùm hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp chủ động tăng cường năng lực và chuẩn bị các giải pháp, chiến lược tốt nhất trong việc tuân thủ các quy tắc và quy định đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng trong thương mại hóa toàn cầu.

Hệ thống TCVN được phát triển theo hướng tăng cường hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài tiên tiến (ưu tiên cam kết hài hòa tiêu chuẩn trong WTO, APEC, ASEM, ASEAN  và các Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương). Các TCVN của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở chấp nhận, với mức độ hoàn toàn tương đương khá cao và đặc biệt trong những năm gần đây ngày một cao hơn, với tiêu chuẩn của các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế uy tín như ISO (Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế), IEC (Ủy ban Kỹ thuật điên  quốc tế), ITU (Liên minh viễn thông quốc tế), CAC (Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Quốc tế CODEX),..., với các tổ chức tiêu chuẩn hóa khu vực, như CEN (Ủy ban Tiêu chẩn hóa châu Âu, CENELEC (Ủy ban Tiêu chuẩn hóa kỹ thuật điện châu Âu), ETSI (Viện Tiêu chuẩn viễn thông châu Âu), và với các tổ chức tiêu chuẩn hóa nước ngoài như ASTM (Hội thử nghiệm và vật liệu Hoa kỳ), JISC (Ủy ban tiêu chuẩn công nghiệp Nhật Bản)...mà hiện nay đang được áp dụng rộng khắp ở trên thế giới. Do vậy, các sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, xuất khẩu theo TCVN cũng tương đương với các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn Châu Âu và các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản... được xuất khẩu và được thị trường thế giới chấp nhận.

Hệ thống TCVN cũng đã hỗ trợ trong công tác xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN). Đến nay, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã ban hành hơn 800 QCVN. Các quy chuẩn kỹ thuật quốc này đã trở thành công cụ và phương tiện quan trọng để duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, hỗ trợ quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn, vệ sinh, sức khoẻ cho con người; bảo vệ động vật, thực vật và môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và xã hội.

Hệ thống TCVN và QCVN nêu trên đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, đảm bảo an toàn, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ  xuất khẩu để doanh nghiệp vượt qua những thách thức rào cản kỹ thuật trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực cạnh tranh và phức tạp hiện nay. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế là một công cụ quản lý hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế về quản lý sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định, xây dựng, triển khai hiệu quả các chính sách công và các chương trình mục tiêu quốc gia, như chương trình hiệu suất năng lượng, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thay thế nhiên liệu truyền thống (khí thiên nhiên CNG/LNG, pin mặt trời…), thúc đẩy sử dụng, nhiên liệu tái chế giảm ô nhiễm môi trường sinh thái (tro xỉ, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện, phân  bón, hóa chất làm nguyên liệu vật liệu xây dựng, giao thông vận tải), phục vụ công tác đo kiểm, đánh giá, xử lý ô nhiễm (như xử lý vụ hỏa hoạn tại Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, các khu công nghiệp tập trung sản xuất thép, nguyên liệu dệt may - da giầy …) là những vấn đề được nhà nước, xã hội, người dân quan tâm.

   ThS.Nguyễn Thị Mai Hương- Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy - Tổng cục TCĐLCL

 




Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.