Album hình ảnh

Thông tin trên sản phẩm thực phẩm: Dung sai thế nào cho đúng?

7 năm trước

Thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) đã có nhiều cải tiến về thủ tục hành chính, đặc biệt là việc thực hiện mô hình phê duyệt hồ sơ đăng ký thực phẩm điện tử ở cấp độ 4, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp công bố chất và quảng cáo sản phẩm. 

Nhưng, giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp lại chưa có tiếng nói chung trong vấn đề dung sai giữa sản phẩm với thực tế, khi nhiều sản phẩm bị kết luận là hàng giả, vì hàm lượng không đúng như công bố, còn doanh nghiệp thì cho rằng không thể nào giống giữa thực tế với nhãn mác, vì nhiều yếu tố khách quan. 

TS. E-Song Tee, Viện nghiên cứu Y khoa –Bộ Y tế Malaysia chia sẻ kinh nghiệm ở Malaysia và nhiều nước: Cần có một khoảng dung sai nhất định, vì có những yếu tố dẫn đến hàm lượng thực tế không thể nào giống hệt ghi trong nhãn. Vấn đề là tỉ lệ bao nhiêu có thể chấp nhận được. Với những thực phẩm gây hại cho sức khỏe, phải có qui định tối thiếu 80%, còn những chất bổ sung không có ngưỡng tối thiểu, những chất có lợi cho sức khỏe được quy định tối đa 120%.

Tại hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, chất lượng của các phòng kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế là điều cần được quan tâm để đảm bảo khách quan, công bằng.

Tuy nhiên, một số nhà sản xuất, nhà nhập khẩu thực phẩm lại đặt quyền lợi của họ cao hơn người tiêu dùng, khi đề xuất khoảng dung sai rộng, hay đưa ra lý do áp dụng các tiêu chuẩn mang tính hạn chế với các doanh nghiệp có thể sẽ làm tăng giá thành và hạn chế môi trường kinh doanh. Thậm chí, có vị còn cho rằng, thông tin khoa học không phải là tiêu chí duy nhất cần quan tâm trong việc xây dựng dung sai, mà phải căn cứ vào thực tế.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, đại diện Công ty sữa Vinamilk cho rằng, dung sai là vấn đề khó khăn và thực tế. Doanh nghiệp Việt Nam mang sản phẩm ra nước ngoài cũng phải tuân thủ, đáp ứng tiêu chuẩn, luật định của nước họ. Cần mức dung sai đúng tiêu chuẩn quốc tế, nhưng phải phù hợp, đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp và quyền của người tiêu dùng?

Trước những ý kiến của các doanh nghiệp, đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam nhấn mạnh rằng, mức dung sai để cung cấp cho người tiêu dùng phải trên cơ sở khoa học, được cơ quan có thẩm quyền thừa nhận, chứ không phải do nhà sản xuất nghĩ ra và ghi trên nhãn. Dung sai càng nhỏ, càng có lợi cho người tiêu dùng. Còn dung sai lớn quá thì thông tin sẽ không có ý nghĩa. 

TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP yêu cầu các doanh nghiệp phải coi trọng quyền lợi của người tiêu dùng

TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho rằng, chất lượng đơn vị kiểm nghiệm mà các doanh nghiệp lo lắng đã được có các qui định pháp luật sẵn có giải quyết. Đó là khi kết quả kiểm nghiệm không đạt, đơn vị có sản phẩm có quyền kiểm nghiệm tại đơn vị khác. Nếu kết quả khác với kết quả ban đầu thì có đơn vị kiểm nghiệm trọng tài và đó là kết luận cuối cùng. Nhưng cho đến nay có rất ít tranh châp về kết luận kiểm nghiệm. 

Dù kết quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố: phương pháp kiểm nghiệm, phương pháp xử lý mẫu, lấy mẫu … nhưng vẫn phải nằm trong dung sai cho phép.

TS. Nguyễn Thanh Phong đặt câu hỏi về việc một số sản phẩm thực phẩm ghi trên nhãn hàm lượng đạm là 20, nhưng kiểm tra chỉ có 16, như vậy là có dung sai 20%. Nhưng tại sao doanh nghiệp lại không công bố là 16%, để người tiêu dùng biết mà lại phải ghi 20%?

Vì thế, TS. Nguyễn Thanh Phong cho biết, kiến nghị dung sai 20% giữa thực tế và công bố sẽ được xin ý kiến nhiều ngành, đơn vị liên quan trước khi có quyết định cuối cùng. Bởi quan điểm của cơ quan quản lý Nhà nước là phải minh bạch thông tin với người tiêu dùng. Trước mắt, chưa có qui định, thì doanh nghiệp phải ghi rõ trên nhãn là hàm lượng trên nhãn có thể dung sai 20%, để minh bạch thông tin. Nguyên tắc là tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhưng phải đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và bảo vệ người tiêu dùng. 

 

Theo Thanh Hằng-Công an nhân dân