Trong từng thời kỳ, Đảng và Nhà nước ta đều kịp thời đưa ra các chủ trương, chính sách phù hợp với cơ chế quản lý, với bối cảnh quan hệ quốc tế để dẫn dắt hoạt động TCĐLCL phát triển đúng hướng, nhằm mục đích phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, tăng cường năng lực sản xuất, kinh doanh, bảo vệ sức khỏe, an toàn, môi trường, quyền lợi người tiêu dùng.
Trong Tạp chí Chất lượng và cuộc sống số 1/2020, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu, đã có bài “Bác Hồ với ngành TCĐLCL” nêu bật được công lao to lớn và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác đối với hoạt động TCĐLCL. Xin giới thiệu loạt bài viết về sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động TCĐLCL, bắt đầu từ số 3/2020, theo các thời kỳ tương ứng với các giai đoạn phát triển khác nhau của đất nước. Trong số 3/2020 đã có bài về sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động TCĐLCL trong giai đoạn 1950-1975, từ thời điểm Bác Hồ ký Sắc lệnh số 08/SL đến khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975. Trong số này xin giới thiệu sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động TCĐLCL trong giai đoạn 1976-1985,Với Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chúng ta đã giành được thắng lợi vĩ đại, giải phóng miền Nam, xóa bỏ chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ trên đất nước ta, giành lại độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc. Từ đây, Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn độc lập, thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày 25/4/1976, tiến hành cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá VI đã thống nhất quyết định những vấn đề quan trọng cho nước Việt Nam thống nhất. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam họp từ ngày 14 đến ngày 20/12/1976 là Đại hội quan trọng, trong đó xác định đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới ở nước ta. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, vai trò của công tác TCĐLCL tiếp tục được khẳng định và Nghị quyết của Đại hội đã yêu cầu phải “đưa công tác quản lý kỹ thuật vào nề nếp, bổ sung hệ thống tiêu chuẩn, định mức kinh tế-kỹ thuật, làm tốt công tác đo lường, kiểm tra kỹ thuật, kiểm tra chất lượng sản phẩm,...”.
Trong thời gian này, Chính phủ cũng đã ra các Chỉ thị, Nghị quyết để chỉ đạo cụ thể công tác TCĐLCL, trong số những văn bản đó phải kể đến Chỉ thị số 54/TTg ngày 26/01/1976 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn và áp dụng tiêu chuẩn, quy phạm, quy trình, định mức trong xây dựng cơ bản; Chỉ thị 154/TTg của Thủ tướng Chính phủ về cân lớn; Chỉ thị 279/TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đo lường; Nghị định 62/CP ngày 12/ 4/ 1976 của Chính phủ ban hành Điều lệ kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá.
Do yêu cầu nâng cao hiệu quả của hoạt động TCĐLCL, cần có sự phối hợp và chỉ đạo một cách đồng bộ ba mặt công tác này, đồng thời phải hình thành một hệ thống tổ chức TCĐLCL thống nhất trong cả nước, ngày 13/9/1979, Hội đồng Chính phủ có Quyết định số 325/CP thành lập Cục TCĐLCL Nhà nước có ba Trung tâm khu vực đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh , trên cơ sở hợp nhất 4 cơ quan: Cục Tiêu chuẩn, Cục Đo lường Trung ương, Cục Kiểm tra chất lượng sản phẩm và Viện Định chuẩn (do chính quyền Sài Gòn thành lập trước đó).
Tháng 3/1982, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng đã xác định tiếp đường đi cho cách mạng Việt Nam. Về TCĐLCL, Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ V đã nêu : “... Phát động cho được phong trào quần chúng sôi nổi tiến quân vào khoa học kỹ thuật, áp dụng nhanh chóng các thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật, tuân thủ các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn, định mức, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao kiến thức về sự thành thạo nghề nghiệp, làm tốt công tác quản lý khoa học và quản lý kỹ thuật ...”.
Năm 1984, để làm tốt công tác quản lý kỹ thuật như đã nêu trong Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ V, nâng cao hơn nữa vai trò của công tác TCĐLCL, ngày 08/02/1984 Hội đồng Bộ trưởng đã ra Nghị định số 22/HĐBT thành lập Tổng cục TCĐLCL trên cơ sở Cục TCĐLCL Nhà nước với chức năng giúp Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước thống nhất quản lý về tiêu chuẩn hoá, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hoá (kể cả xuất nhập khẩu). Việc thành lập Tổng cục TCĐLCL và các trung tâm ở các khu vực và các chi cục ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đã hình thành hệ thống các cơ quan quản lý TCĐLCL từ Trung ương đến địa phương, gắn kết và đồng bộ hoá các mặt hoạt động về tiêu chuẩn hoá, đo lường, kiểm tra và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá trong phạm vi cả nước.
Ngày 24/8/1984, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 141/HĐBT ban hành Điều lệ về công tác tiêu chuẩn hoá thay thế cho Điều lệ tạm thời ban hành theo Nghị định 123/CP và Nghị định 124/CP năm 1963. Theo các quy định của Điều lệ mới này: Tiêu chuẩn được quy định là văn bản pháp chế kỹ thuật được ban hành để bắt buộc hoặc khuyến khích áp dụng cho các bên có liên quan; đối tượng tiêu chuẩn hoá cũng được mở rộng hơn, bao quát cả các vấn đề về tổ chức và quản lý trong các xí nghiệp; quy trình, quy phạm được quy định là một dạng của tiêu chuẩn; việc xây dựng các tiêu chuẩn là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành. Hoạt động tiêu chuẩn hoá được tiến hành trong mối quan hệ đồng bộ với hoạt động đo lường và hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hoá. Từ 1975 kế hoạch xây dựng TCVN trở thành chỉ tiêu kế hoạch nhà nước giao cho các Bộ ngành. Đến cuối năm 1985 Việt Nam đã ban hành gần 4000 tiêu chuẩn nhà nước (TCVN), gần 800 tiêu chuẩn ngành (TCN), hơn 300 tiêu chuẩn địa phương (TCV), hàng nghìn tiêu chuẩn cơ sở (TC). Năm 1977 Việt Nam tham gia là thành viên chính thức của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO. Cuối năm 1978 tham gia Ban Thường trực Tiêu chuẩn hóa, tham gia Công ước về áp dụng các tiêu chuẩn của Hội đồng tương trợ kinh tế các nước XHCN, cũng như tham gia một số hiệp định về đo lường. Để tăng cường hơn nữa chức năng chuyên môn hóa và hợp tác hóa sản xuất của tiêu chuẩn hóa, cũng như nhằm tăng cường sự hợp tác với các nước XHCN, ngày 20/4/1981 Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 37 về chính sách khoa học và kỹ thuật, trong đó yêu cầu: “đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn hóa làm cơ sở cho việc chuyên môn hóa và hợp tác hóa sản xuất, cũng như cho việc hợp tác sản xuất với các nước trong Hội đồng tương trợ kinh tế”. Giai đoạn này, những người làm công tác tiêu chuẩn hóa, ngoài việc góp ý dự thảo tiêu chuẩn quốc tế ISO, tiêu chuẩn của khối các nước XHCN (ST SEV), đã trực tiếp xây dựng nhiều dự thảo tiêu chuẩn của khối các nước XHCN, cụ thể có 7 ST SEV về cao su thiên nhiên do ta xây dựng đã được ban hành để áp dụng trong toàn bộ khối.
Để thực hiện các quy định về quản lý đo lường, một loạt các quy trình kiểm định các loại cân, dung tích, độ dài, điện ... đã được biên soạn và ban hành, Cục Đo lường trung ương đã cho nghiên cứu chế tạo trong nước các quả cân chuẩn, bình chuẩn dung tích cỡ lớn đến hàng trăm lít, các chuẩn độ dài thương nghiệp trang bị cho các phòng đo lường của các tỉnh, thành phố. Hoạt động kiểm định phương tiện đo đã trở thành nề nếp thường xuyên của các cơ quan này. Cục Đo lường trung ương đã phối hợp với các địa phương để thúc đẩy việc sản xuất các phương tiện đo thông dụng như cân treo, cân đĩa, cân bàn, dụng cụ đo dung tích và độ dài thương nghiệp chủ yếu phục vụ cho các yêu cầu của lưu thông phân phối hàng hoá, đồng thời cũng là những cơ sở cho việc hình thành ngành sản xuất phương tiện đo ở nước ta.
Trong thời kỳ này, chất lượng sản phẩm đã trở thành một chỉ tiêu pháp lệnh của kế hoạch nhà nước. Các xí nghiệp phải lập kế hoạch chất lượng cho các sản phẩm được sản xuất ở các xí nghiệp mình theo cấp chất lượng quy định trong TCVN hoặc TCN và tỷ lệ sản phẩm đạt cấp đó. Hoạt động chứng nhận và cấp dấu chất lượng (theo cấp chất lượng) được bắt đầu từ năm 1981 với hai cấp chất lượng: cấp cao tương ứng với tiêu chuẩn quốc tế, cấp 1 tương ứng với TCVN. Sản phẩm mang dấu chất lượng cấp 1 và cấp cao, ngoài việc đem lại vinh dự và uy tín cho xí nghiệp còn được trợ giá theo quy định của nhà nước. Vì vậy, việc chứng nhận và cấp dấu chất lượng đã thúc đẩy các xí nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm được đẩy mạnh với nội dung và hình thức rất phong phú, có hiệu quả hơn. Việc kiểm tra chất lượng sản phẩm đã giúp các xí nghiệp kiện toàn tổ chức và mở rộng các hoạt động kiểm tra chất lượng và hình thành bộ phận chuyên trách làm nhiệm vụ kiểm tra chất lượng sản phẩm. Đó là những động lực mới thúc đẩy sự phát triển của chất lượng hàng hoá nhằm ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nền kinh tế nước nhà.
Tuy nhiên, trong thời kỳ này, việc quản lý nền kinh tế theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung và hành chính bao cấp đã bộc lộ những bất hợp lý, năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm còn thấp kém, giá thành cao,...cần có những giải pháp hoàn thiện. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V ngày 12/7/1984 về những nhiệm vụ cấp bách trong công tác cải tiến quản lý kinh tế, yêu cầu: “Tiếp tục hoàn thiện các chính sách, chế độ quản lý khoa học- kỹ thuật, chế độ kế hoạch hoá khoa học- kỹ thuật; bổ sung chính sách khuyến khích về vật chất và tinh thần đối với những thành tựu khoa học- kỹ thuật, sáng chế, phát minh, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm vật tư, nguyên liệu. Đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn hóa, kiểm tra chất lượng sản phẩm của Nhà nước”. Đây là những dấu hiệu báo trước những chỉ đạo sáng suốt của Đảng về đổi mới toàn diện quản lý kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.
Có thể nói, giai đoạn 1976-1985 là giai đoạn hoạt động TCĐLCL được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đã đưa hoạt động TCĐLCL phát triển lên một tầm cao mới. Từ lúc ba mặt công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, về bản chất có liên quan mật thiết với nhau, nhưng còn phân tán là ba cơ quan độc lập, nay đã trở thành thống nhất với hệ thống tổ chức từ Trung ương đến các Bộ, ngành, địa phương và các xí nghiệp. Đã hình thành cơ sở pháp luật về TCĐLCL phù hợp với cơ chế quản lý đương thời; hình thành hệ thống tiêu chuẩn 4 cấp được đưa vào áp dụng; hoạt động đo lường, quản lý chất lượng được hoàn thiện hơn, ngày một đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn đó./.
Theo chatluongvacuocsong.vn