Quy định về yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Điều 25 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nêu rõ: “Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng thì người tiêu dùng, tổ chức xã hội có quyền yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện nơi thực hiện giao dịch giải quyết”.
Hoặc quy định về giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Điều 26 của luật này nêu rõ: “1. Khi nhận được yêu cầu của người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện có trách nhiệm yêu cầu các bên giải trình, cung cấp thông tin, bằng chứng hoặc tự mình xác minh, thu thập thông tin, bằng chứng để xử lý theo quy định của pháp luật. 2. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện có trách nhiệm trả lời bằng văn bản việc giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Như vậy, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện và quyền lợi và nghĩa vụ của người tiêu dùng khi bị xâm hại, nhưng thực tế trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chưa có tổ chức này nên không bảo vệ được người tiêu dùng. Thị trường nông thôn vốn rất phức tạp, đây là mảnh đất màu mỡ cho các loại hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng hết hạn sử dụng, các loại phương tiện đo lường thiếu chính xác... hoành hành thu lợi.
Mặc dù các cơ quan chức năng như quản lý thị trường cũng có ra quân kiểm tra, kiểm soát, xử phạt các loại hàng hóa không đạt yêu cầu, tiêu chuẩn tiêu thụ trên thị trường song kết quả rất hạn chế do địa bàn rộng, cán bộ thiếu nên khó kiểm soát được hết tình hình kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, cân thiếu trọng lượng... ở các chợ vùng nông thôn.
Vì thế người tiêu dùng nông thôn hàng ngày vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi khi giao dịch hàng hóa trên thị trường, quyền lợi của họ thường bị xâm phạm, nhất là các loại hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và đời sống. Khi tranh chấp xảy ra, người tiêu dùng nông thôn thường nhận phần thua thiệt về mình bởi không có ai bảo vệ họ trên địa bàn.
Ở cấp tỉnh đã có Hội KHKT về đo lường, chất lượng và bảo vệ người tiêu dùng Quảng Trị sẵn sàng giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và người cung ứng hàng hóa, dịch vụ khi có yêu cầu trên địa bàn toàn tỉnh, song hội nhận được yêu cầu từ phía người tiêu dùng còn ít, chỉ mới ở địa bàn các thị trấn, thị xã, thành phố còn các huyện vùng nông thôn, miền núi hầu như người dân chưa có yêu cầu nào.
Việc không có yêu cầu giải quyết tranh chấp của người dân không có nghĩa là ở các vùng đó không có tranh chấp trong tiêu dùng hàng hóa mà ngược lại đây là địa bàn rộng xảy ra nhiều tranh chấp trong mua bán hàng hóa nhưng do xa trung tâm thành phố tỉnh lỵ, điều kiện đi lại khó khăn, hơn nữa, sự hiểu biết của người dân còn hạn chế nên không gửi yêu cầu giải quyết tranh chấp đến cơ quan Hội KHKT về đo lường, chất lượng và bảo vệ người tiêu dùng Quảng Trị.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội KHKT về đo lường chất lượng và bảo vệ người tiêu dùng tỉnh cho biết: “Việc thành lập Hội KHKT về đo lường chất lượng và bảo vệ người tiêu dùng cấp huyện là rất cần thiết, bởi thông qua hoạt động của hội này tại cơ sở không chỉ giúp người dân giải quyết kịp thời, công bằng các tranh chấp xảy ra trong mua bán hàng hóa mà còn góp phần làm lành mạnh thị trường kinh doanh hàng hóa tiêu dùng, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng ở nông thôn và cũng góp phần thúc đẩy tốt hơn cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Vì thế, rất cần thiết phải thành lập Hội Bảo vệ người tiêu dùng cấp huyện để khi bị xâm phạm về quyền lợi thì người tiêu dùng nông thôn có cơ quan để yêu cầu bảo vệ. Hội cấp huyện này kịp thời giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng khi các đơn vị, cá nhân cung cấp hàng hóa vi phạm pháp luật về quyền lợi người tiêu dùng.
Việc thành lập Hội Bảo vệ người tiêu dùng cấp huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục về quyền lợi người tiêu dùng đến tận cơ sở; hướng dẫn, đào tạo nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng; tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng; thực hiện khảo sát thực tế và tập hợp ý kiến phản ánh nhu cầu cần được bảo vệ của người tiêu dùng nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh...
Từ yêu cầu bức thiết đó, dự kiến trong năm 2014 sẽ thành lập 4 Hội Bảo vệ người tiêu dùng cấp huyện là Vĩnh Linh, Hải Lăng, Triệu Phong và thị xã Quảng Trị, đến năm 2015 sẽ thành lập 5 hội ở các huyện, thành phố còn lại (trừ huyện đảo Cồn Cỏ). Thiết nghĩ, các ngành, các cấp có liên quan cần tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách để việc thành lập các Hội Bảo vệ người tiêu dùng cấp huyện diễn ra được thuận lợi và đạt được hiệu quả trong thời gian đầu đi vào hoạt động, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng ở vùng nông thôn tỉnh Quảng Trị.