Ngày 23 tháng 3 năm 2012, Sở Công Thương Bến Tre phối hợp Cục quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương tổ chức hội thảo phổ biến pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kinh nghiệm của Nhật Bản, với hơn 80 đại biểu gồm đại diện các sở, ban ngành tỉnh, huyện, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội của tỉnh, huyện đến tham dự.
Hội thảo tập trung trao đổi, phổ biến một số nội dung cơ bản về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh các điểm mới trong Luật; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, của các tổ chức, cá nhân kinh doanh; bảo vệ thông tin cho người tiêu dùng; trách nhiệm của cơ quan truyền thông; hợp đồng và điều kiện giao dịch chung; hàng hóa thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu; trách nhiệm bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện; trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật; trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật; trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phổ biến pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như: hành vi cạnh tranh không lành mạnh; quảng cáo, khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh; bán hàng đa cấp bất chính; xử lý vi phạm về cạnh tranh không lành mạnh…
Đồng thời, hội thảo cũng đã phổ biến kinh nghiệm của Nhật Bản về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: giới thiệu tổng quan hệ thống cơ quan, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Nhật Bản, hoạt động tư vấn hòa giải, hoạt động tuyên truyền, công bố thông tin về lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Kinh nghiệm của Nhật Bản: Nhật Bản đã hình thành Cục Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và có hệ thống tổ chức bảo vệ người tiêu dùng từ Trung ương đến địa phương. Nhiệm vụ của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng là ngăn ngừa thương tổn và mất mát của người tiêu dùng; thực thi luật pháp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hỗ trợ các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng địa phương…Đặc biệt là mỗi Bộ, cơ quan ngang Bộ đều có phòng tư vấn riêng của Bộ, cơ quan đó; hệ thống dữ liệu trong lĩnh vực này được kết nối trên phạm vi toàn quốc; thành lập Ủy ban giải quyết tranh chấp độc lập thực hiện vai trò trọng tài và trung gian hòa giải đối với các vụ tranh chấp quan trọng trên toàn quốc…; các cơ quan, tổ chức đều chủ động thực hiện việc công bố, tuyên truyền thông tin tiêu dùng; hình thức tuyên truyền, cung cấp thông tin đa dạng, thường xuyên: tờ rơi, sổ tay, tờ dán tại các điểm công cộng, trên các phương tiện thông tin, các chương trình sự kiện dành riêng cho từng đối tượng, các tháng chủ đề tiêu dùng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu của Hội thảo cho rằng: Hiện nay ở Việt Nam đã cơ bản có hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tương đối đầy đủ, vấn đề quan trọng là làm thế nào để Luật đi vào cuộc sống?
Giải quyết vấn đề này cần tập trung thực hiện các nội dung cơ bản như sau:
Một là, các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các tổ chức xã hội tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng nhiều hình thức khác nhau để nhân dân nói chung, các tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng, hội viên nói riêng nắm và thực hiện quyền và trách nhiệm của mình về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định pháp luật.
Hai là, sự cần thiết phải hình thành hệ thống cơ quan Nhà nước chuyên trách về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ Trung ương đến địa phương để tổ chức thực hiện tốt Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.
Nguồn: Hội BVQLNTD tỉnh Bến Tre