Album hình ảnh

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm ngày càng gia tăng

11 năm trước
 Việc sử dụng không an toàn về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trọng, kháng sinh, hóa chất trong chăn nuôi trồng trọt nông nghiệp, thủy hải sản hiện nay còn khá phổ biến. Thực phẩm có chứa chất độc hoặc được sử dụng chất bảo quản, phụ gia, phẩm màu công nghiệp có hại cho sức khỏe cũng còn lưu hành rất nhiều trên thị trường như: nước tương có chất 3-MCPD, nước mắm có u-rê, hải sản tươi được ướp với u-rê để bảo quản, trứng gà và sữa có chứa melamine, bún phở có tẩm formol, mực làm từ nhựa, rau củ có dư lượng chất bảo vệ thực vật… rồi thậm chí cả màng bọc thực phẩm (bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh) cũng chứa chất gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Trước tình trạng đó, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế phối hợp cùng Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương tổ chức hội thảo “Nguyên liệu sạch trong sản xuất thực phẩm với sức khỏe người tiêu dùng”.

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm trong 6 tháng đầu năm 2013 trên toàn quốc có 18 trường hợp tử vong vì ngộ độc thực phẩm. Ghi nhận có 87 vụ ngộ độc thực phẩm với 1,800 người mắc, hơn 1,600 người đi viện. So với cùng kỳ năm 2012 thì có giảm nhưng không đáng kể. Nguyên nhân của các vụ ngộ độc được xác định bằng xét nghiệm lâm sàn có 44 vụ ngộ độc là do vi sinh vật, 18 vụ do ngộ độc tự nhiên, 3 vụ do hóa chất và 22 vụ chưa xác định căn nguyên tất cả đều do mất vệ sinh an toàn thực phẩm do trong nguyên liệu, do chế biến.

Theo thanh tra kiểm tra 199.700 cơ sở phát hiện 42.000 cơ sở không đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm chiếm tỷ lệ 20%. Lấy 16.500 mẫu kiểm tra, trong số mẫu không đạt yêu cầu là 3.000 mẫu chiếm tỷ lệ 18%.

Trước thực trạng nêu trên, Hội thảo nhằm trang bị cho người tiêu dùng Việt Nam những kiến thức thiết thực về An toàn vệ sinh thực phẩm, lựa chọn, sử dụng thực phẩm thích hợp, hướng dẫn người tiêu dùng tự bảo vệ mình trong tiêu dùng thực phẩm, thực hiện đầy đủ các hướng dẫn về vệ sinh an toàn thực phẩm: Khuyến cáo người tiêu dùng tự giác khai báo ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, phát hiện, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng.

Các cơ quan chức năng có liên quan cho ý kiến về các vấn đề bất cập đang diễn ra, khẳng định vai trò và chức năng của mình trong việc kiểm tra, quản lý và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Hội thảo sẽ thống nhất chung một số quan điểm nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ việc An toàn vệ sinh thực phẩm trong ngành hàng tiêu dùng hiện nay tại Việt Nam.

Với thông điệp hãy “Vì người tiêu dùng”, hãy kinh doanh bằng lương tâm và trách nhiệm; chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật để cùng xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh. Kêu gọi trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, người tiêu dùng hãy tỏ rõ quan điểm của mình, đòi hỏi doanh nghiệp phải có trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với quyền lợi của chính mình.

Hội thảo tổ chức nhằm giải quyết những vấn đề nhức nhối về an toàn vệ sinh thực phẩm của ngành hành tiêu dùng hiện nay, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Tăng cường giáo dục về an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhằm tạo ra một diễn đàn cho nhà quản lý, các doanh nghiệp kinh doanh và người tiêu dùng cùng trao đổi về cách thức lựa chọn, sử dụng trước tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm như hiện nay.