Chất lượng thực phẩm là vấn đề toàn cầu, không chỉ của riêng quốc gia, bộ phận dân cư nào và cần được đặt lên hàng đầu. Những nguy cơ trầm trọng từ thực phẩm người tiêu dùng Việt Nam và trên thế giới đang phải gánh chịu không chỉ đến từ thực phẩm bẩn, nhiễm khuẩn sinh-hóa, mà còn đi sâu đi xa hơn thế: từ thành phần dinh dưỡng không an toàn do sử dụng các chất gây dị ứng, ung thư, kháng sinh hay các chất kích thích tăng trưởng; đến lượng đường, muối, chất béo bão hòa, v.v. trong thực phẩm quá cao; hay vấn đề sản xuất thực phẩm bền vững. Đây là vấn đề đa diện, phức tạp, đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính toàn diện được tất cả các bên liên quan thông qua, đóng góp và nghiêm túc thực hiện, bao gồm cả Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế là chìa khóa để đảm bảo an toàn và toàn vẹn sức khỏe cho người tiêu dùng Việt Nam, cũng như để đảm bảo cho các loại thực phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và chế biến có thể có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa, từ đó vượt ra khỏi biên giới quốc gia tiếp cận các thị trường phát triển hơn.
Đây là thông điệp chủ đạo của một cuộc hội thảo với tiêu đề “Người tiêu dùng, Tiêu chuẩn và An toàn thực phẩm tại Việt Nam” do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) hợp tác với tổ chức CUTS International và Dự án “Đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn hóa và việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế tại một số quốc gia Nam Á và Đông Nam Á” (SESA) tổ chức trong hai ngày 22 & 23/8/2016 tại Sầm Sơn, Thanh Hóa. Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo đại diện các Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng khu vực miền Bắc và Bắc Trung Hộ, các Sở Công thương và Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm địa phương, cũng như một số doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thực phẩm và đại diện báo chí.
Tiêu chuẩn và tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực thực phẩm là chủ đề ‘nóng’ trên các diễn đàn quốc tế, khu vực và quốc gia về an toàn, vệ sinh thực phẩm, do vai trò quan trọng của chúng trong quản lý an toàn, sản xuất kinh doanh và thúc đẩy thương mại thế giới trong lĩnh vực này. Hệ thống tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia về thực phẩm đóng vai trò nòng cốt, tác động lên chính sách của quốc gia và doanh nghiệp trong mối quan hệ với quản lý ATTP trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tại mỗi quốc gia, đáp ứng yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng. Các tiêu chuẩn quốc tế, quan trọng nhất là tiêu chuẩn ISO và tiêu chuẩn Codex, và các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về thực phẩm thường được sử dụng như các công cụ pháp lý để quản lý an toàn thực phẩm trong quá trình trên.
Tổ chức Quốc tế về Tiêu chuẩn hóa ISO đã ban hành rất nhiều các tiêu chuẩn quốc tế về thực phẩm cho nhiểu chủng loại sản phẩm khác nhau, và đặc biệt là bộ tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, căn cứ vào trình độ khoa học-kỹ thuật-công nghệ hiện hành, có thể áp dụng được cho bất cứ doanh nghiệp/tổ chức nào trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Bên cạnh đó còn có các tiêu chuẩn quốc tế về thực phẩm và đóng gói thực phẩm, các quy phạm thực hành, và hướng dẫn nghiệp vụ do Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm (Ủy ban Codex) (do Tổ chức Nông lương thế giới FAO và Tổ chức Y tế thế giới WHO thành lập năm 1963) ban hành.
Các tiêu chuẩn thực phẩm đã và đang được sử dụng trong các quy định, quy chuẩn kỹ thuật, hoặc được sử dụng như các hàng rào kỹ thuật trong thương mại để bảo vệ chính đáng quyền lợi của người tiêu dùng trong nước, đặc biệt tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản. Các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý tiên tiến nhằm quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi cung ứng như ISO 22000, HACCP hay GAP đang được các chính phủ sử dụng như những công cụ hữu hiệu thúc đẩy an toàn thực phẩm tại nhiều nước quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới.
Các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng và xuất nhập khẩu thực phẩm cũng được khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và người tiêu dùng trong và ngoài nước, ví dụ như sử dụng các tiêu chuẩn về ghi nhãn thực phẩm để đáp ứng yêu cầu pháp luật, áp dụng các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý (ISO 22000, HACCP, GAP, v.v.) để kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất và chuỗi cung ứng thực phẩm, đồng thời áp dụng các tiêu chuẩn về phương pháp thử, phương pháp lấy mẫu và quản lý phòng thử nghiệm (như ISO 17025) để kiểm tra, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm trong quản lý, sản xuất và kinh doanh thực phẩm.
Các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, phương pháp thử và phương pháp phân tích thực phẩm cũng được các tổ chức người tiêu dùng trên toàn thế giới sử dụng như các công cụ quan trọng để chủ động bảo vệ NTD trước các nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, đối phó với thực phẩm bẩn tại nhiều nước, nhất là các nước đang phát triển. VINASTAS đã sử dụng chính các phương pháp thử tiêu chuẩn này để đánh giá khảo sát chất lượng sữa, cà phê, chất lượng mũ bảo hiểm theo các tiêu chuẩn tương ứng về các sản phẩm trên để cảnh báo cho xã hội và người tiêu dùng về các nguy cơ gây mất an toàn.
Hội thảo cũng giới thiệu đến đại diện người tiêu dùng, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước có mặt về hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia và Quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm ở Việt Nam trong các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, ghi nhãn dinh dưỡng, các chất nhiễm bẩn và các độc tố trong thực phẩm, thực phẩm biến đổi gen, v.v.